Dù được báo cáo là tăng trưởng 7% nhưng ngành nông nghiệp Quảng Nam năm qua chưa có bước phát triển vững chắc. Trong trồng trọt, sự thành bại của cây lúa còn phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố thời tiết. Còn chăn nuôi, do nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm liên tục bùng phát, giá thức ăn tăng mạnh, giá sản phẩm sụt giảm… nên gặp nhiều khó khăn.
Vui - buồn cây lúa
Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, vụ đông xuân 2011-2012 toàn tỉnh sản xuất tổng cộng 43.277ha lúa. Nhờ gieo sạ đúng lịch thời vụ, chú trọng đầu tư đồng bộ nhiều khâu, thời tiết tương đối thuận lợi nên năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 54,8 tạ/ha, tăng 8 tạ/ha so với vụ đông xuân 2010 - 2011”. Sau “mùa vàng” này, vụ hè thu 2012 ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn nông dân triển khai gieo sạ 45.271ha lúa. Tuy nhiên, lần này niềm vui được mùa không còn.
Năm 2012, người trồng lúa xứ Quảng vui buồn lẫn lộn. Ảnh: V.SỰ |
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, vì khô hạn nghiêm trọng xảy ra trên diện rộng, mặn liên tục xâm nhập sâu vào các con sông với nồng độ cao khiến gần 1.000ha lúa ở Điện Bàn, Quế Sơn, Hội An, Tiên Phước, Bắc Trà My... mất trắng hoàn toàn. Ngay trong thời điểm hàng loạt đồng lúa trổ đòng rộ, những đợt gió tây nam xuất hiện kéo dài cũng làm quá trình thụ phấn gặp không ít khó khăn, dẫn đến tỷ lệ lép rất cao. Từ những nguyên nhân trên, vụ hè thu 2012 năng suất lúa bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 47,5 tạ/ha, giảm 7,3 tạ/ha so với vụ đông xuân trước đó. Mặc dù những năm gần đây ngành chuyên môn của tỉnh đã nghiên cứu kỹ để đưa ra cơ cấu giống và khung thời vụ sản xuất phù hợp với điều kiện canh tác ở Quảng Nam nhằm lách tránh các yếu tố bất lợi của thời tiết nhưng thực tế cho thấy kết quả mang lại chưa như mong muốn. Sự “thành bại” của cây lúa vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào... ông trời.
Vụ hè thu 2012, bà Nguyễn Thị Thanh ở thôn Ngọc Sơn (Bình Lâm, Hiệp Đức) làm 3 sào lúa. Giai đoạn đầu cây mạ đẻ nhánh rất khỏe nhưng khi bước vào thời kỳ lúa trổ thì chuột bùng phát mạnh, nắng hạn gay gắt làm năng suất đạt thấp. Bà Thanh nói: “Hè thu năm ngoái, thời tiết không khắc nghiệt, các loại sâu bệnh ít gây hại nên mỗi sào tui thu 300kg lúa khô. Còn vụ vừa rồi chỉ đạt 230kg”. Ông Phạm Sỹ Đoàn - Phó phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, hè thu 2012 nông dân toàn huyện canh tác 970ha lúa nhưng năng suất bình quân chỉ đạt 36,5 tạ/ha, giảm gần 9 tạ/ha so với cùng vụ sản xuất năm 2011.
Chăn nuôi còn rủi ro
Theo thống kê, tính đến giữa tháng 12.2012, tổng đàn gia súc của tỉnh là 743.700 con, gồm 525.000 con heo, 148.200 con bò, 70.500 con trâu, so với cùng kỳ năm ngoái, các đàn vật nuôi giảm từ 0,2 - 1%. Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá bán sản phẩm lại giảm mạnh đã khiến hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí bị thâm vốn, khiến người dân và các chủ trang trại không mặn mà đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao tổng đàn. Năm 2011, giá heo hơi luôn giữ mức 42 - 45 nghìn đồng/kg, nhưng từ đầu năm 2012 đến nay giá rớt xuống còn 29 - 31 nghìn đồng/kg. Ông Trần Văn Luận, người chuyên nuôi heo thịt ở thôn Liễu Thạnh, xã Bình Nguyên (Thăng Bình) nói: “Trong vòng 1 năm trở lại đây, giá con giống heo siêu nạc vẫn giữ ở mức cao, giá thức ăn thì tăng khoảng 20 - 25%, trong khi giá heo hơi trên thị trường lại rớt thê thảm khiến người chăn nuôi gặp khó khăn”. Theo ông Luận, trước sự tăng vọt của giá thức ăn, muốn có lãi thì phải bán heo ở mức 39 - 41 nghìn đồng/kg hơi nên với giá như hiện nay thì chỉ có lỗ.
Tiêu hủy heo mắc dịch tai xanh tại xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) hồi tháng 10.2012. |
Ngoài lý do giá thu mua sản phẩm trên thị trường quá ảm đạm, không ít người chăn nuôi bỏ trống chuồng trại còn vì dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi liên tục bùng phát. Trong các tháng 2, 3, 8 của năm 2012, vi rút cúm A/H5N1 tái phát tại Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn, Đại Lộc làm 18.657 con gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc. Cũng vào những thời điểm này, bệnh lở mồm long móng xuất hiện trên đàn gia súc thuộc địa bàn Hiệp Đức, Điện Bàn, Hội An, Đại Lộc, Bắc Trà My, Duy Xuyên, Tây Giang, Phước Sơn khiến 270 con trâu, bò, heo bị mắc dịch. Chưa hết, giữa tháng 9.2012, bệnh tai xanh bất ngờ bùng phát ở Thăng Bình, Đại Lộc, Duy Xuyên làm 1.246 con heo của hàng trăm hộ dân nhiễm dịch, trong đó gần một nửa phải tiêu hủy. Giá bán tụt giảm mạnh, hết dịch lại bệnh, xem ra những rủi ro trong chăn nuôi vẫn còn quá lớn.
Tìm sự ổn định
Ông Lê Văn Liền ở thôn Phiếm Ái (Đại Nghĩa, Đại Lộc) có 5 sào đất màu ven sông. Vụ đông xuân trồng thuốc lá xen đậu cô ve, xuân hè và hè thu thì bắp lai xen đậu xanh, bình quân mỗi năm ông lãi ròng 30 triệu đồng. Nếu sản xuất theo phương thức này thì 1ha đất lãi khoảng 120 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Trúc – Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, những năm gần đây nhờ chú trọng đầu tư thủy lợi hóa đất màu, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ của khoa học – kỹ thuật vào quá trình canh tác, nông dân trên địa bàn huyện đã tạo dựng được rất nhiều vùng sản xuất theo hướng hàng hóa. Theo ông Trúc, tính đến thời điểm này toàn huyện đã có 2.500ha đất màu đạt giá trị sản xuất hơn 80 triệu đồng/ha/năm, trong đó ít nhất 1.500ha cho mức thu nhập mỗi năm 150 triệu đồng trở lên.
Nhiều năm ròng làm 2 sào lúa nhưng hiệu quả không cao, cách đây 3 năm bà Phan Thị Lý (thôn Phú Điền, Tam Phước, Phú Ninh) chuyển toàn bộ diện tích sang chuyên canh cây dưa hấu. Mỗi năm làm 2 vụ, trừ chi phí bà lãi 12 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với sản xuất lúa. Ông Trần Ngọc Bằng – Phó phòng NN&PTNT Phú Ninh cho biết, đến giữa tháng 12.2012 toàn huyện có gần 800ha đất luân canh, xen canh cây trồng cạn, bình quân mỗi năm nông dân thu về 75 - 160 triệu đồng/ha.
Thời gian qua, nhiều địa phương khác cũng tập trung cho việc đầu tư xây dựng những mô hình canh tác cây công nghiệp ngắn ngày theo hướng hàng hóa. Tính đến nay Quảng Nam đã có hơn 11.000ha đất chuyên canh, xen canh các loại cây trồng cạn cho giá trị 65 - 175 triệu đồng/ha/năm. Mặc dù mang lại nguồn thu nhập cao nhưng theo người dân, những năm qua mô hình chuyên canh, xen canh các loại cây trồng cạn vẫn còn bấp bênh bởi đầu ra sản phẩm không ổn định. Đơn cử như cây dưa hấu, vụ nào cũng vậy, hễ nông dân được mùa trên diện rộng thì giá thu mua quá thấp, 1 ký dưa chỉ có giá từ 1 - 2 nghìn đồng, còn khi mùa màng thất bát thì giá tăng lên 8 – 9 nghìn đồng. Hay như cây sắn, năm 2012, lúc chưa vào vụ, các nhà máy chế biến tinh bột đưa ra giá 2 nghìn đồng/kg củ tươi, nhưng khi nông dân tiến hành nhổ đồng loạt thì doanh nghiệp lập tức hạ xuống còn 1.200 đồng. Hàng chục năm nay, nhiều cây trồng khác như bí đao, khổ qua, dưa leo, đậu xanh, bắp, đậu phụng... cũng liên tục lặp đi lặp lại tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” khiến nông dân chưa yên tâm phát triển các vùng chuyên canh.
NGUYỄN VĂN SỰ