Biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp trên toàn cầu, bao gồm khu vực châu Á.
Máy bay không người lái thực hiện giám sát vụ mùa trên các cánh đồng rộng lớn. Ảnh: 1millionwomen |
Châu Á, một khu vực thị trường lương thực lớn nhất thế giới với dân số hiện có khoảng 4,5 tỷ người. Dự báo đến năm 2050, dân số khu vực sẽ tăng thêm 900 triệu người. Ngành nông nghiệp đóng góp rất quan trọng cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhiều quốc gia. Do vậy, an ninh lương thực hay chiến lược phát triển nền nông nghiệp bền vững là một trong ưu tiên hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh BĐKH. Qua đó đòi hỏi chính phủ các nước cần tìm kiếm giải pháp hiệu quả nhằm giúp nông dân ứng phó với tình trạng hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng và xâm nhập mặn. Thời tiết cực đoan khiến mùa màng thất bát, sản lượng nông nghiệp giảm, đe dọa đến an ninh lương thực, nguy cơ gia tăng nghèo đói và bất ổn xã hội.
Trong báo cáo nghiên cứu về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất khu vực do BĐKH. Từ nay đến năm 2050, mực nước biển có khả năng dâng từ 1,5 đến 3m, nhấn chìm 26% diện tích khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và 12% diện tích đồng bằng sông Hồng, sản lượng lúa ở Việt Nam có thể giảm tới 50% vào năm 2100.
Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) khẳng định, trong điều kiện khí hậu hiện nay, sản xuất nông nghiệp cần ứng phó, thích ứng với BĐKH là một thách thức rất lớn. Nền nông nghiệp thông minh sẽ nâng cao khả năng ứng phó với BĐKH của hệ thống nông nghiệp, góp phần ổn định an ninh lương thực, kết hợp với các nhu cầu thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH, xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
Thị trường chung của Hiệp hội khu vực Đông Nam Á (ASEAN) cho phép tự do lưu thông dòng hàng hóa, lao động và đầu tư trong khu vực. Do đó, các chính phủ ASEAN cần giúp đỡ hơn nữa người dân thích ứng với BĐKH, cải thiện thu nhập và đảm bảo an ninh lương thực khu vực, cắt giảm khí thải. Mô hình nông nghiệp thông minh hiện có mặt trên nhiều cánh đồng châu Á. Chính phủ Thái Lan định hướng nông nghiệp thông minh 4.0 nhằm tăng năng suất và chất lượng nông sản. Tiêu biểu như đang tiến hành thử nghiệm máy bay không người lái để theo dõi các điều kiện mùa vụ, dùng rô bốt đo lượng dinh dưỡng có trong đất và hệ thống dự báo thời tiết cho người dân, có thể giúp giảm chi phí, giảm tác động môi trường bằng cách cắt giảm việc sử dụng hóa chất. Tại một số bang Ấn Độ đang áp dụng các ứng dụng nông nghiệp mới để bảo vệ mùa màng trước sự tàn phá của BĐKH. Ông Ishwar Dayal của làng Beernaryana từng trồng lúa vào mùa hè và lúa mỳ vào mùa đông. Tuy nhiên, ông đã phải từ bỏ mô hình canh tác lâu đời này và bây giờ đang trồng bắp trên gần một nửa trang trại rộng 14ha để thích ứng với thời tiết thay đổi khi xuất hiện những cơn mưa lớn bất thường, đất đai ngày càng cằn cỗi.
Trong bối cảnh đó, chính phủ tổ chức hội nghị “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH” trong ngày 26&27.9 tại Cần Thơ nhằm đề ra giải pháp chiến lược, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững vùng ĐBSCL tầm nhìn đến năm 2100. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, các nhà khoa học, chuyên gia các viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước; đại diện một số đối tác phát triển song phương quan tâm đến ĐBSCL, đại diện một số định chế tài chính quốc tế và tổ chức quốc tế là đối tác phát triển chính cho ĐBSCL….
NAM VIỆT