Kinh tế

Nông sản chủ lực Quảng Nam tìm đường xuất khẩu

VĨNH LỘC - PHAN VINH 11/02/2024 06:00

(QNO) – Thời gian qua một số sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chủ lực của Quảng Nam đã xâm nhập thị trường các nước Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu… bằng đường chính ngạch, mở ra cơ hội thuận lợi để sản phẩm nông nghiệp xứ Quảng có “chỗ đứng” trên thị trường thế giới trong tương lai.

bqn.1cdn.vn-2024-02-02-_1-cover.png

(QNO) – Thời gian qua một số sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chủ lực của Quảng Nam đã xâm nhập thị trường các nước Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu… bằng đường chính ngạch, mở ra cơ hội thuận lợi để sản phẩm nông nghiệp xứ Quảng có “chỗ đứng” trên thị trường thế giới trong tương lai.

2-tit-1.png

Việc tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cùng những ưu đãi qua lại đã mở ra cơ hội để sản phẩm nông nghiệp chủ lực Việt Nam, trong đó có Quảng Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thị trường thế giới.

Tiên Phước được xác định là thủ phủ cây măng cụt của tỉnh. Tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích măng cụt trên địa bàn huyện đạt khoảng 564ha.

Trong khi đó, theo quy hoạch đến năm 2025, diện tích trồng tại các huyện trung du, miền núi của tỉnh lên khoảng 10.000ha, trở thành vùng trồng trọng điểm cây măng cụt của cả nước, góp phần hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm mang tính hàng hóa lớn, hướng về thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường Trung Quốc và Mỹ. Với tiến độ trồng cây măng cụt như hiện nay, thì mục tiêu đạt được diện tích như quy hoạch đặt ra khó thành hiện thực.

Cuối tháng 3/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định 795 về Chương trình đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm có khả năng cao của Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, có 4 loại cây trái gồm sâm Ngọc Linh, măng cụt, dưa hấu, chuối.

Trong các loại cây trái trên, ngoài sâm Ngọc Linh được biết đến như một bảo vật quốc gia có giá trị kinh tế cao, có thể cạnh tranh ngang bằng với sâm Hàn Quốc, hướng đến những thị trường quốc tế rộng lớn…, thì thời gian gần đây quế Trà My cũng được nhìn nhận là một sản phẩm nông nghiệp có cơ hội xuất khẩu.

Tháng 12/2023, trong hội thảo “Tận dụng các FTA thế hệ mới đối với ngành quế Trà My tại Quảng Nam” được Sở Công Thương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị

Việt Nam cho biết, cùng với sự gia tăng nhập khẩu của các thị trường lớn như Ấn Độ, Mỹ, Bangladesh, EU…, cơ hội cho quế Trà My xuất khẩu ra thế giới rất khả thi và rộng mở.

Theo ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương, sản phẩm nông nghiệp chủ lực sẽ giúp đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại gắn với thị trường xuất khẩu phù hợp, nhất là khi các doanh nghiệp Quảng Nam có thể tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định thương mại Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia.

3-anh.png
4-tit-2.png

Trong cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam, nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt giá trị xuất khẩu 300 triệu USD vào năm 2025, phấn đấu đến năm 2030 chiếm khoảng 6% GRDP của tỉnh. Hiện thực mục tiêu này, ngoài quy hoạch các vùng nguyên liệu cây ăn trái, ngành nông nghiệp cũng đang triển khai trồng mới và khoanh nuôi tái sinh rừng hàng năm (khoảng 30.400ha).

Cạnh đó, các mặt hàng thủy sản cũng được quy hoạch phát triển theo hướng chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2025 duy trì mức sản lượng thủy sản khai thác khoảng 100 nghìn tấn/năm. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển đa dạng sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhằm tạo thương hiệu, vị thế trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.

Thực tế những năm gần đây, một số sản phẩm OCOP Quảng Nam đã bắt đầu tiếp cận thị trường thế giới, thậm chí xuất khẩu theo đường chính ngạch như cá nục rim, mỳ Quảng ếch, bánh chưng Bà Ba Hội (Tam Kỳ). Xu hướng này đang dần rộng mở thông qua các chương trình xúc tiến thương mại trong và nước.

Tháng 9/2023, lần đầu tiên các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu Quảng Nam tham gia hội chợ quốc tế tại Trung Quốc. Tại sự kiện này, sản phẩm bánh dừa Quý Thu (Quế Sơn) đã được nhiều đối tác sở tại quan tâm, mở ra cơ hội kết nối giao thương, đưa sản phẩm Quảng Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc. Trước đó, sản phẩm thanh gạo lứt của HTX Nông nghiệp xanh Duy Oanh (Duy Xuyên) cũng đã được phân phối sang Lào, tuy chỉ mới bắt đầu và số lượng không lớn nhưng cũng mở ra xu hướng mới cho sản phẩm nông thôn Quảng Nam vươn tầm ra thế giới.

Dù vậy, so với tiềm năng, lợi thế vốn có, việc đưa sản phẩm nông nghiệp Quảng Nam hướng về thị trường xuất khẩu chính ngạch vẫn chưa như kỳ vọng. Đến nay, hầu hết nông sản được tiêu thụ nhỏ lẻ hoặc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch do chưa đáp ứng về những quy định pháp lý từ khâu sản xuất đến chứng chỉ vùng trồng.

Cạnh đó, quy mô doanh nghiệp sản xuất Quảng Nam đa phần nhỏ, ứng dụng khoa học công nghệ, vốn liếng đầu tư hạn chế, trong khi chưa hình thành doanh nghiệp phân phối, nắm bắt các thông tin thị trường toàn cầu cũng như trong nước để kết nối cung cầu; thiếu tính liên kết, sức cạnh tranh thấp. Do đó, việc hình thành mạng lưới nhà phân phối gom hàng được xem là yếu tố quan trọng nhằm giúp kết nối các sản phẩm tiêu thụ hiệu quả, kể cả trong hoạt động xúc tiến thương mại.

Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), ngoài các nguyên nhân như thiếu và yếu về vốn, công nghệ, năng lực thì các doanh nghiệp vẫn còn tư duy làm thô, chưa chú trọng làm thương hiệu, chưa quan tâm đúng mức về phát triển thương hiệu bền vững, thiếu kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau dẫn đến việc tận dụng FTA, nâng vị thế, giá trị sản phẩm hàng hóa Quảng Nam, Việt Nam ở các thị trường xuất khẩu chính chưa tương xứng.

5-anh.png
6-tit-3.png

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có 9 loại quả tươi được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc (thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt). Theo đó, dưa hấu và măng cụt là 2 loại trái cây Quảng Nam có thể sản xuất và cung cấp đươc cho thị trường này.

Thậm chí, dưa hấu là mặt hàng Quảng Nam có lợi thế rất lớn với hơn 700ha, sản lượng mỗi năm ước đạt trên 17 nghìn tấn, nhưng xuất khẩu còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân, do diện tích canh tác manh mún, quy trình sản xuất không đồng nhất, dư lượng chất cấm tồn đọng sau thu hoạch nhiều… đã ảnh hưởng đến con đường xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Tương tự, với cây măng cụt, theo tính toán đến năm 2025, diện tích trồng tại các huyện trung du, miền núi lên khoảng 10.000ha, trong đó, huyện Tiên Phước được xác định là thủ phủ của măng cụt Quảng Nam. Dù vậy, đến nay tổng diện tích măng cụt trên địa bàn huyện đạt khoảng 564ha, hầu hết diện tích măng cụt phân bố nhỏ lẻ, rải rác qua nhiều xã, chưa tập trung thành vùng nguyên liệu lớn.

Theo ông Trần Viết Hùng - Tổng Giám đốc Công ty CP Quế Trà My, nhiều lần khảo sát vùng nguyên liệu ở Tiên Phước, ông nhận thấy thổ nhưỡng nơi đây rất thích hợp với loại cây măng cụt.

Tuy nhiên, với tập quán trồng cây ăn quả trong vườn tạp, mặc cho tự nhiên khiến việc quy hoạch, chăm sóc cây măng cụt gặp nhiều bất cập, ảnh hưởng đến sản lượng trung bình qua các năm của măng cụt ở Tiên Phước. Ngoài ra, vụ mùa thu hoạch thất thường, sản lượng bấp bênh khiến việc ký kết đơn hàng xuất khẩu với đối tác nước ngoài gặp trở ngại.

“Bài toán xuất khẩu nông sản sẽ gặp khó khăn nếu dựa vào vườn cây trong nhân dân. Do đó, ngoài những cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất từ các cơ quan ban ngành, thì rất cần những doanh nghiệp lớn đầu tư vào quy hoạch và sản xuất bài bản” – ông Hùng nói.

Công ty CP Quế Trà My vừa ký hợp tác với Đại học Quốc gia Singapore nghiên cứu, sản xuất các dòng sản phẩm cao cấp từ măng cụt. Trong đó, có rượu vang được ủ từ ruột măng cụt và các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp làm từ vỏ măng cụt như mặt nạ dưỡng da, thực phẩm chức năng giúp đào thải mỡ thừa trong cơ thể…

7-anh.png
9-anh.png
8-tit-4.png

Phong trào khởi nghiệp nở rộ khắp nơi, những sản phẩm nông nghiệp chế biến sâu cùng với các chính sách kích cầu của nhà nước sẽ tạo ra nhiều cơ hội xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Phát triển hệ sinh thái cho nông sản

Cách đây 5 năm, sản phẩm gạo lứt (gạo lúa rẫy) chỉ được bán thô ở các huyện miền núi với giá trị thấp, tuy nhiên từ dự án khởi nghiệp của bà Nguyễn Thị Minh Nga - CEO thương hiệu Bh.nong, gạo lứt Quảng Nam, sản phẩm gạo lúa rẫy được nhiều người biết tới. Sức lan tỏa còn mạnh hơn khi bà Nga tham gia chương trình Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ với các sản phẩm dành cho người ăn kiêng, ăn thuần chay từ hạt gạo lứt. Dự án đã được Shark Lê Hùng Anh (Chủ tịch Tập đoàn BIN Corporation Group) đầu tư hỗ trợ để tìm đường xuất khẩu chính ngạch ra nước ngoài.

"Tôi sinh ra ở miền núi Hiệp Đức, thấy được giá trị tiềm ẩn từ hạt gạo lứt nói riêng và các loại nông sản ở đây nói chung nhưng lâu nay chưa được khai phá. Do đó, tôi quyết định bỏ phố về quê để đầu tư mong muốn một ngày đưa hàng nông sản Quảng Nam ra nước ngoài" - bà Nga chia sẻ.

Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KHCN kiêm Trưởng ban Điều hành Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh cho biết, Quảng Nam đã xây dựng 14/18 Hội Khởi nghiệp sáng tạo cấp huyện. Trên cơ sở này, những chủ thể khởi nghiệp cũng nhận được những tư vấn, hỗ trợ về quản trị doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quy trình sản xuất đạt các tiêu chuẩn về xuất khẩu từ các chương trình đào tạo có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam.

10-anh.png

Nỗ lực

Những năm gần đây, thương hiệu Bánh dừa nướng Bảo Linh bắt đầu có mặt ở thị trường nước ngoài, trong đó có Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Ông Phan Đình Tuấn - Giám đốc HTX Sản xuất và thương mại Bảo Linh kể, nghề làm bánh của ông có truyền thống từ gia đình. Thời gian đầu ông cũng đi chào hàng tại các tiệm tạp hoá lớn nhỏ. Sau này, ông mạnh dạn đầu tư thiết bị máy móc, thay đổi mẫu mã để đưa sản phẩm vào siêu thị, sân bay và tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại do tỉnh tổ chức.

Trong đợt trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại sự kiện “Những ngày văn hoá đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh” năm 2023, ông Tuấn được gặp các đối tác lớn ở những thị trường quốc tế. Từ cơ hội này, ông giữ liên lạc, kết nối để nâng cấp sản phẩm theo tiêu chí của nhà phân phối và tiến tới ký kết hợp tác xuất khẩu. Những container hàng xuất khẩu của bánh dừa nướng Bảo Linh đã bắt đầu xâm nhập vào thị trường thế giới.

Thông qua các sự kiện quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu, nhiều sản phẩm của các chủ thể, doanh nghiệp Quảng Nam đã dần xâm nhập vào thị trường nhiều nước. Có thể kể đến như HTX Bà Ba Hội đã tìm đường xuất khẩu sang Mỹ, hay mỳ Quảng cô Huệ, nhàu Bestone, quế Trà My - Minh Phúc... cũng đang dần hiện diện tại thị trường một số nước trên thế giới.

Bà Nguyễn Thị Hồng Lê - người sáng lập HTX Quế Trà My - Minh Phúc cho biết, đơn vị hiện sản xuất gần 20 dòng sản phẩm như tinh dầu nguyên chất, nước rửa chén, nước lau sàn, xịt đa năng, nước cất… Nhiều mặt hàng đã có mặt tại thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ. Trong đó, các sản phẩm vỏ quế cạo, bột quế, tinh dầu vỏ quế được khách hàng nước ngoài đặc biệt ưa chuộng.

“Cùng với các chương trình hỗ trợ khuyến công, quảng bá, xúc tiến, kết nối nhà phân phối của ngành công thương thì sự chủ động nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã giúp sản phẩm nông thôn Quảng Nam từng bước nâng tầm, đáp ứng nhu cầu thị trường, quy mô không ngừng mở rộng, từ đó giúp tạo công ăn việc làm, thu nhập cho nông dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội nông thôn phát triển” - bà Lê nhìn nhận.

11-tac-gia.png

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông sản chủ lực Quảng Nam tìm đường xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO