Nông sản... dễ tính

NGUYỄN ĐỨC 13/02/2020 11:54

Trước tình hình nông sản ùn ứ ở cửa khẩu vì chậm thông quan bởi dịch viêm phổi cấp, Nhóm thiện nguyện Tươi Sáng (ở TP.Hội An) giải cứu hàng chục tấn dưa hấu giúp bà con nông dân tỉnh Kon Tum. Suốt tuần qua, đọc báo sẽ thấy rất nhiều nơi giải cứu như vậy. Tôi ấm lòng với những dòng tin về sự bảo bọc nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Nên ở đây, không bàn về câu lá lành đùm lá rách.

Nghĩ xọ chuyện khác. Dường như năm nào cũng đôi ba cuộc “tổng động viên” thanh niên, phụ nữ, các hội đoàn thiện nguyện cho những cuộc giải cứu tương tự. Dân mình hễ thấy nước mắt của bà con nông dân là mềm lòng và hồ hởi mua ngay, không chần chừ để kịp đắn đo xem, dưa có ngon không, có đạt chất lượng không. Bởi chẳng ai đo đếm thiệt hơn khi thấy dưa, thanh long của bà con không bán được, phải đổ đống cho bò, cho cá ăn hoặc bỏ thối đầy ruộng.

Nông sản của nước ta phụ thuộc 90% vào thị trường Trung Quốc. Và hễ bên ấy ho thì bên này sổ mũi. Nhưng, vì sao nông sản Việt không muốn vào thị trường châu Âu hay Mỹ, Nhật Bản, Úc (không muốn chứ không phải không thể) dù Chính phủ đã có thương thảo và xin được giấy phép, và mặc dù những thanh long, sầu riêng, vải, nhãn... có giá cực cao ở các thị trường này.

Bạn tôi đặt câu hỏi vậy và tự trả lời, rằng lớn nhất vẫn là tính ăn xổi ở thì, kiểu làm ăn tiểu nông khắc sâu vào lối tư duy. Bởi chẳng cần đầu tư máy móc, công nghệ các kiểu theo chuẩn làm gì cho mệt. Cứ làm vậy thôi. Khi có chuyện như mất mùa hay rớt giá thì Nhà nước phải hỗ trợ, khoanh nợ và “giải cứu”. Lâu dần, nó như một “chiêu bài” được đem ra ứng dụng.

Ở một phía ngược lại, thì nông dân cho rằng, đừng hễ cứ thị trường có chuyện là lại đổ lỗi cho nông dân sản xuất tự phát. Lỗi này thuộc về các thương vụ ở nước ngoài, do anh không nắm được tình hình sản xuất của nước đối tác. Và hơn nữa, nông dân thì nghèo, đâu đủ tiền để đầu tư công nghệ, quy trình đạt chuẩn.

Điều này đúng nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, nông sản sạch, chưa hẳn phải đầu tư lớn. Châu Âu là thị trường khó tính với những tiêu chuẩn hàng hóa và hàng rào kỹ thuật. Để vào được thị trường này, các doanh nghiệp phải đạt được những chứng nhận nhất định, tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh kiểm dịch, quy định về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng... Nông sản sạch là đương nhiên, có tính phổ quát chứ không phải cuộc hô hào “quay về với” như ta thấy hiện tại bằng việc mọc lên hàng loạt cửa hàng nông sản sạch. Giải bài toán kháng sinh, chất cấm để nông sản thực phẩm Việt có thể vào EU chưa bao giờ dễ dàng. Cả nông dân lẫn các doanh nghiệp trong ngành nông sản, thực phẩm Việt Nam thì còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết bởi hệ thống sản xuất vẫn tương đối manh mún, khó kiểm soát, chưa đủ điều kiện để đáp ứng hàng rào kỹ thuật của những thị trường khó tính.

“Cứ làm vậy thôi” – đồng nghĩa với người sản xuất cứ vậy làm theo kiểu xưa bày nay bắt chước; còn thị trường Trung Quốc thì cũng dễ tính… ngang thị trường trong nước. Cho nên sự phụ thuộc thì chưa biết đến khi nào giảm. Tôi mơ mộng, bao giờ nông sản made in Viet Nam làm cú đảo ngoạn mục 90% ở thị trường châu Âu và 10% ở Trung Quốc nhỉ? Bạn tôi bảo, chờ tết Congo đi!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông sản... dễ tính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO