Sau những thiệt hại của hai đợt lũ muộn hồi cuối năm 2017, thời điểm này, nông dân Đại Lộc mới thu hoạch rộ lứa nông sản chính vụ đông xuân, nhưng không mấy khả quan vì thị trường, giá cả, đầu ra bấp bênh.
Những ngày này, người dân vùng chuyên canh Bàu Tròn (Đại An) đang khẩn trương thu hoạch dưa leo, khổ qua, đậu tây. Nhiều người cho biết sản lượng nông sản sụt giảm so với các năm do thời tiết khắc nghiệt. Trung bình 1 sào dưa leo nếu gặp thời tiết thuận lợi thường cho khoảng 2 tấn quả, nhưng năm nay chỉ còn 1,2 tấn quả, có vùng năng suất sụt giảm mạnh. Không chỉ vùng Bàu Tròn mà ngay cả vùng Phước Yên (xã Đại An, Đại Lộc), nhiều diện tích cây bí đao bị héo rũ, chết trụi khiến nông dân mất trắng, do rét lạnh kéo dài, nắng mưa thất thường. Giảm năng suất đã đành, nhiều người thấp thỏm khi giá nông sản liên tục giảm sút. Ví như dưa leo đầu vụ có giá bán được 10 nghìn đồng/kg nhưng sau đó liên tục rớt giá, chỉ còn 1,5 - 2 nghìn đồng/kg, khổ qua từ 10 -12 nghìn đồng/kg xuống còn 5 - 7 nghìn đồng/kg, bí đao còn 3 nghìn đồng/kg, đậu tây từ 10 nghìn đồng còn 6 nghìn đồng/kg…
So với nhiều loại cây la ghim, dưa leo có sản lượng tương đối song giá cả lại “rẻ như bèo”. Ảnh: TRIÊU NHAN |
Tại các vùng bãi bồi Phúc Khương, Phúc Mỹ (xã Đại Cường), nông dân cũng rầu lòng bởi giá cây la ghim “rẻ như bèo”, phải đỏ mắt chờ thương lái. Bà Nguyễn Thị Tư (thôn 9, xã Đại Cường) cho biết, thương lái vùng này thu gom dưa leo theo bao tải chứ không cân như mọi khi. Một bao tải dưa leo khoảng 70kg được mua 50 nghìn đồng, thương lái còn “đỏng đảnh” khiến người trồng dưa thêm khó. “Năm ngoái, thương lái tranh giành nhau mua, thu hoạch rộn ràng chứ không buồn như ri, chẳng thấy ai hỏi thăm” - bà Tư nói. Ông Nguyễn Đình Ba (thôn 8, Đại Cường) cho rằng, sở dĩ lượng rau quả ứ đọng lại bởi nguồn cung thì nhiều nhưng thị trường duy nhất chỉ là chợ Đầu Mối (Đà Nẵng). Chưa nói, rau củ quả trên đia bàn huyện còn phải cạnh tranh với các vựa rau ở Duy Xuyên, Hội An, Thăng Bình, Tam Kỳ và các nông sản ở miền trong, vùng Tây Nguyên ùa về với số lượng lớn, cả rau củ quả Trung Quốc trôi nổi nên đầu ra ảm đạm. Không khác cây la ghim, cây ớt cũng chịu chung cảnh ngộ. Đại Lộc nổi tiếng là “vựa” ớt khổng lồ, nhiều nông dân khấm khá lên nhờ xuất bán ớt tươi đầu và giữa vụ. Năm nay, Trung Quốc dừng nhập ớt tươi, doanh nghiệp và tư thương cũng không tranh giành thu mua, ớt tươi chỉ cung ứng nhỏ lẻ tại chỗ nên chẳng bán được bao nhiêu. Từ hôm đầu vụ, ớt tươi có giá 15 - 20 nghìn đồng/kg, chỉ được vài hôm thì lại rớt giá, nay chỉ còn 5 - 7 nghìn đồng/kg. Giá rẻ, lại phải tốn nhiều công thu hái, nhiều nông dân chẳng mặn mà…
Ông Nguyễn Hữu Nhàn - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phước Yên cho hay, so với vụ trước, một số mặt hàng nông sản như khổ qua, cà chua… thời điểm này vẫn có giá tạm ổn, song ngặt một nỗi loại cây có giá này lại không cho năng suất cao do thời tiết cực đoan. Cây bí đao bị sâu bệnh, sản lượng thấp. Năm trước, chính cây ớt, cây thuốc ở vùng này giúp nông dân có thu nhập cao, doanh nghiệp cũng đổ xô thu mua, một buổi, nông dân từng bán ra 2 tấn ớt tươi nhưng năm nay chẳng thấy ai đến mua.
TRIÊU NHAN - MINH PHƯỜNG