Nông sản sạch từ quê ra phố

QUỐC TUẤN 29/11/2016 08:30

Trong bối cảnh Đà Nẵng đang siết chặt quản lý thực phẩm thì những loại nông sản sạch từ Quảng Nam đang có cơ hội tốt để tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ.

Rau hữu cơ tăng sức hút

Hiện nay, mỗi năm Đà Nẵng tiêu thụ tới 140 nghìn tấn rau, củ quả nhưng lực lượng sản xuất tại chỗ chỉ cung ứng được khoảng 10 nghìn tấn, còn lại là từ các tỉnh khác và nước ngoài, trong đó Quảng Nam cung ứng khoảng 15 nghìn tấn. Phiên chợ nông dân được tổ chức ở công viên phía tây Cầu Rồng vừa qua đã cho thấy sức hút của nông sản sạch khi có rất đông người tiêu dùng Đà Nẵng đến tìm hiểu và tiêu thụ. Với sự nhạy bén và chịu khó phát triển thương hiệu, những người làm rau hữu cơ ở Quảng Nam với các thương hiệu như rau hữu cơ Hội An, rau hữu cơ Gò Nổi… đã tham gia phiên chợ và nhận được tín hiệu tích cực khi tiêu thụ được khoảng gần 200kg nông sản ngay tại phiên chợ độc đáo này.

Dự án rau hữu cơ Hội An (thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh) đã gặt hái được nhiều hiệu quả. Trong khoảng 3 năm triển khai và mở rộng, dự án đã tạo được thương hiệu có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Trung bình mỗi tháng 8 hộ nông dân tham gia mô hình này xuất khoảng 200kg rau hữu cơ vào thị trường Đà Nẵng và liên tục trong tình trạng cung không đủ cầu. Với dự án rau hữu cơ Gò Nổi (xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn), tuy mới hình thành trong thời gian gần đây với sự tham gia của 3 hộ nông dân nhưng cũng tạo được ấn tượng tốt với khách hàng và luôn xem Đà Nẵng là một thị trường có tiềm năng lớn để khai thác. Hiện dự án cũng có người đứng điểm ở TP. Hồ Chí Minh và vẫn thường xuyên gửi một lượng nông sản hữu cơ đáng kể vào đây để tiêu thụ.

Rau hữu cơ ở Quảng Nam tham gia phiên chợ nông dân tại Đà Nẵng thu nhiều khách hàng. Ảnh: Q.TUẤN
Rau hữu cơ ở Quảng Nam tham gia phiên chợ nông dân tại Đà Nẵng thu nhiều khách hàng. Ảnh: Q.TUẤN

Không chỉ có 2 dự án rau hữu cơ với quy mô tương đối lớn này, hiện tại ở các vùng gần với TP.Đà Nẵng như Điện Bàn hay Hội An, nông dân bắt đầu quan tâm tới rau hữu cơ và hình thành các hộ sản xuất theo hướng gia trại để cung cấp sản phẩm đến các siêu thị hoặc điểm bán tại Đà Nẵng. Anh Nguyễn Thanh Trung - chủ gia trại rau hữu cơ Vườn Nắng (xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn) cho biết: “Nhiều khách hàng có điều kiện sẵn sàng bỏ ra số tiền tương đối lớn để mua các loại nông sản sạch nhưng không phải lúc nào họ cũng thỏa mãn. Với dự án này, tôi hy vọng khách hàng sẽ nhận ra được cái tâm trong từng sản phẩm và mục tiêu sắp tới là tìm chỗ đứng vững chắc ở thị trường Đà Nẵng”. Hiện tại, gia trại của anh Trung đã xây dựng được mô hình nhà kính chuyên biệt để trồng rau mầm và đang tính tới khả năng mở rộng khi sức tiêu thụ đang dần ổn định.

Cần sự đồng hành

Rõ ràng việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một trong những giải pháp căn cơ để hướng đến nền nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, để phát triển lĩnh vực sản xuất này lên một quy mô lớn không phải là điều dễ dàng bởi nhiều yếu tố tác động. Hiện tại, dự án rau hữu cơ Gò Nổi đang có quy mô sản xuất khoảng 3.000m2 và sẽ mở rộng lên khoảng 6.000m2 trong vụ tới. Chị Chúc Hương Giang, quản lý dự án rau hữu cơ Gò Nổi chia sẻ, dự án vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu và nếu thành công, hứa hẹn sẽ mở ra một lối đi mới cho người dân vùng Gò Nổi vốn có lợi thế lớn trong sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn chưa tận dụng đúng mức.

Ở Hội An, nhận thức được lợi ích thiết thực từ rau hữu cơ, chính quyền thành phố đang triển khai mạnh phương án phát triển nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng. Theo đó, có tới 5 dự án thành phần quy mô liên quan tới sản xuất rau hữu cơ tại 4 xã, phường: Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Cẩm Hà và Cẩm Nam, khi thành hiện thực sẽ cung cấp được một lượng lớn hàng nông sản hữu cơ ra thị trường, trong đó đặc biệt hướng đến thị trường Đà Nẵng. Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết, vừa qua đơn vị đã cử nhân sự hỗ trợ để cùng người sản xuất rau hữu cơ địa phương tham gia phiên chợ nông dân tại Đà Nẵng. Ngay từ khi mới chập chững hình thành, các cấp chính quyền địa phương đã luôn đồng hành sâu sát với người dân trong lĩnh vực này.

Hiện nay, Quảng Nam là một trong 6 địa phương chủ lực trên cả nước xuất các mặt hàng thực phẩm vào TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, một thực trạng vẫn tồn tại lâu nay ở hàng nông sản nói riêng và thực phẩm nói chung là rất khó phân biệt hàng sạch hay bẩn. Đơn cử như khá nhiều hộ dân sản xuất rau ở làng rau Hưng Mỹ (Bình Triều, Thăng Bình), Bàu Tròn (Đại An, Đại Lộc) dù có chất lượng tốt nhưng khi qua tay tiểu thương đến các chợ Đà Nẵng thì bị lẫn lộn, không kiểm định dẫn đến thiệt thòi cho người sản xuất. Theo ông Lê Văn Ngọ - Phó Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng thị xã Điện Bàn, vùng rau hữu cơ ở Gò Nổi là một dự án triển vọng nhưng diện tích còn tương đối nhỏ nên phải chờ thêm thời gian để thẩm định, quy hoạch trước khi đăng ký thương hiệu cho sản phẩm.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông sản sạch từ quê ra phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO