(QNO) - Tình hình dịch bệnh ở gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Nông Sơn luôn được khống chế nhờ sự chủ động phòng ngừa của người dân và sự quyết liệt trong công tác phòng chống dịch của chính quyền địa phương.
Người dân chủ động
Ghi nhận tại xã Phước Ninh, địa phương có số lượng đàn gia súc, gia cầm khá lớn trên địa bàn huyện Nông Sơn (hơn 12.000 con), ngay sau khi có chỉ đạo tăng cường công tác chủ động phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn giao mùa, địa phương đã triển khai vệ sinh tiêu độc, khử trùng tất cả các chuồng trại trên địa bàn. Đồng thời tiến hành tiêm phòng đủ các loại bệnh có thể xuất hiện và lây lan nhằm bảo vệ đàn vật nuôi.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên việc phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở Nông Sơn được người dân hưởng ứng. Ảnh: VINH THÔNG |
Ông Nguyễn Văn Pháp (thôn Bình Yên, xã Phước Ninh) có tổng đàn heo gần 40 con, trong đó có 4 con heo giống. Từng tốt nghiệp ngành thú y nên ông Pháp ý thức được những lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin để phòng chống dịch bệnh. Cứ mỗi lần đến kỳ hạn hoặc vào những ngày thời tiết biến đổi thất thường như hiện nay, ông Pháp lại tổ chức vệ sinh chuồng và tiêm phòng cho đàn heo của mình.
“Trong chăn nuôi, chú trọng phòng chống dịch bệnh cũng là yếu tố quyết định đến hiệu quả kinh tế. Mọi người trong vùng, thấy tôi nuôi đạt năng suất mà ít khi nào đàn heo xuất hiện dịch bệnh nên cũng học theo. Ngoài ra, người dân nơi đây cũng rất ý thức việc giữ gìn vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đàn heo” - ông Pháp chia sẻ.
Ông Phạm Công Thạnh - Chủ tịch UBND xã Phước Ninh cho biết: “Thuận lợi nhất đối với địa phương là chính bản thân người chăn nuôi luôn có tâm lý sẵn sàng chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Người dân thường xuyên vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Và đặc biệt, không đợi tới đợt tổ chức tiêm phòng của các ngành chức năng, nhiều hộ chăn nuôi đã tự rà soát, tìm hiểu và thuê người tiêm phòng bổ sung. Ngoài ra, họ còn lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, chủ động phối hợp cùng ngành chức năng để bảo vệ đàn vật nuôi, tránh gây tổn thất về kinh tế”.
Không riêng gì xã Phước Ninh mà trên toàn địa bàn huyện Nông Sơn, người dân cũng tích cực hưởng ứng cùng với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm chỉnh công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Như tại xã Quế Trung, dù chỉ có 2 con bò và nuôi với phương pháp chăn thả nhưng ông Nguyễn Ngọc Hải (thôn Đại Bình) luôn làm tốt việc phòng chống dịch bệnh. Ông thả bò ở những nơi khô ráo, có nhiều nguồn thức ăn đảm bảo. Cẩn thận hơn, cứ mỗi lần thấy bò có dấu hiệu bất thường, ông đều cho cách ly rồi tìm hiểu kỹ nguyên nhân và xử lý theo phương pháp thú y.
Cùng vào cuộc
Theo Chi cục Thú y huyện Nông Sơn, đàn gia súc trên địa bàn hiện có khoảng 13.000 con và đàn gia cầm có khoảng 81.000 con. Những năm qua, tình hình chăn nuôi của địa phương có hướng tăng dần đều về số lượng. Theo đó, nhiều hộ dân đã thoát nghèo bền vững nhờ đầu tư chăn nuôi.
Tiêm phòng dịch bệnh cho bò. Ảnh: VINH THÔNG |
Năm 2016, huyện Nông Sơn phối hợp với người dân tổ chức tiêm phòng được 9.671 liều vắc xin lở mồm long móng trâu bò; 4.804 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò; 8.998 liều vắc xin dịch tả lợn; 1.000 liều vắc xin dại chó, mèo… Ngoài ra có khoảng 1.200 lít thuốc sát trùng vệ sinh tiêu độc, khử trùng được sử dụng trên toàn địa bàn. |
Đánh giá cao những hiệu quả mà ngành chăn nuôi mang lại nên thời gian qua UBND huyện Nông Sơn luôn chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh. Nhờ vậy, đến nay, trên địa bàn huyện chưa từng xảy ra ổ dịch lớn. Rải rác có các bệnh thông thường như tụ huyết trùng lợn, viêm ruột, bệnh ký sinh trùng lợn,... nhưng nhanh chóng được xử lý, không gây thiệt hại lớn.
Ông Lê Gia Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thú y huyện Nông Sơn cho biết, công tác tiêm phòng định kỳ luôn được huyện triển khai 2 lần mỗi năm. Các trang trại và gia trại theo dõi phòng trừ bệnh dịch theo gia đoạn phát triển của đàn, chủ động tiêm phòng để bảo vệ đàn vật nuôi và phối hợp ngành chức năng có biện pháp xử lý khi nghi ngờ dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, các ngành chức năng và các địa phương thường xuyên tuyên truyền người chăn nuôi giữ gìn sạch sẽ hệ thống chuồng trại, cho vật nuôi ăn uống đảm bảo vệ sinh, chủ động khoanh vùng ngay khi phát sinh các loại bệnh trên đàn để kịp thời dập tắt.
“Từ đầu năm đến nay, địa bàn tỉnh đã xuất hiện một vài ổ dịch trên đàn gia súc nhưng huyện Nông Sơn vẫn chưa có dấu hiệu bùng phát. Tuy nhiên, trong lúc thời tiết diễn biến thất thường này, chúng tôi khuyến cáo người dân cũng không được chủ quan, nếu có dấu hiệu bất thường trên đàn gia súc, gia cầm phải nhanh chóng báo cáo với chính quyền địa phương để kịp thời xử lý” - ông Thành nói.
PHAN VINH - MINH THÔNG