Những năm qua, huyện Nông Sơn bị thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Theo dự báo, mùa mưa bão năm nay sẽ diễn biến rất phức tạp, các đơn vị của huyện đang triển khai nhiều phần việc nhằm chủ động ứng phó...
Di dời dân khỏi vùng nguy hiểm
Xã Quế Lâm (Nông Sơn) có diện tích tự nhiên hơn 15.600ha. Hầu hết khu dân cư của xã được bao bọc bởi các con sông và ở sát đồi núi, vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu.
Ông Trần Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Quế Lâm cho hay, nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản, những năm qua chính quyền địa phương luôn chủ động các phương án phòng chống thiên tai, trong đó đặc biệt quan tâm việc di dời dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của cấp trên, năm 2018 địa phương xây dựng khu tái định cư Tứ Trung 2 (thôn Tứ Trung) trên diện tích 2ha đất với tổng vốn đầu tư 2,2 tỷ đồng.
“Sau khi khu tái định cư này được san ủi nền và thi công cơ sở hạ tầng như điện, nước, giao thông nội bộ..., xã đã di dời 34 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở núi đến nơi ở mới an toàn. Để giúp người dân có điều kiện di dời nhà cửa, địa phương hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng theo quy định của tỉnh và trung ương” - ông Sang nói.
Ông Trần Thiện Thắng – Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn huyện Nông Sơn cho biết, năm 2020 thiên tai gây thiệt hại nặng nề đối với địa phương. Toàn huyện có 1 người chết, 6 người bị thương, 337 ngôi nhà bị hư hại từ 30% trở lên và 4.463 ngôi nhà bị hư hại dưới 30%. Nhiều trường học bị hư hỏng, hệ thống giao thông nông thôn và kênh mương bị sạt lở nghiêm trọng... Ước tính tổng giá trị thiệt hại hơn 700 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Sang cho biết, trong 2 năm 2019 - 2020, chính quyền xã Quế Lâm tiếp tục kiểm tra, rà soát và đề nghị UBND huyện Nông Sơn phê duyệt phương án hỗ trợ di dời thêm 6 hộ dân sống ở những khu vực có nguy cơ sạt lở núi. Và đến nay địa phương đã tổ chức di dời được 5 hộ theo diện xen ghép, còn 1 hộ chưa thực hiện do điều kiện khó khăn.
“UBND xã Quế Lâm và các ngành liên quan của huyện đang tiến hành san ủi mặt bằng mở rộng khu tái định cư Tứ Trung 2 thêm 3.000m2 để tiếp tục di dời 15 hộ trong vùng có nguy cơ sạt lở núi. Ngoài việc thi công đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng bờ kè kiên cố xung quanh để bảo vệ khu tái định cư này. Tổng nguồn vốn đầu tư lần này khoảng 4 tỷ đồng” - ông Sang nói.
Theo ông Nguyễn Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, từ năm 2017 - 2020 huyện đã hỗ trợ di dời 57 hộ dân (theo diện tập trung và xen ghép) sống trong những vùng có nguy cơ sạt lở núi, ngập lụt sâu đến nơi ở mới an toàn. Còn ông Đỗ Đình Long - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn thông tin, năm 2021 này toàn huyện tiếp tục di dời 14 hộ dân (theo diện xen ghép) ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong đó, xã Ninh Phước 2 hộ, Quế Lâm 11 hộ, Phước Ninh 1 hộ.
Chủ động triển khai nhiều phương án
Theo ông Nguyễn Chí Tùng, để chủ động phòng chống thiên tai, thời gian qua huyện và 6 xã trên địa bàn đã tập trung củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn huyện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đồng thời xây dựng các phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai và trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
“Lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp với chính quyền cơ sở tập trung kiểm tra các hồ chứa thủy lợi gồm Hóc Hạ, Phước Bình, Dùi Chiêng, Trung Lộc... để kịp thời phát hiện, gia cố những điểm sạt lở và sớm sửa chữa các hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Cạnh đó, phối hợp với các nhà máy thủy điện Khe Diên, Sông Tranh 2, Sông Tranh 3, Sông Tranh 4 đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động ứng phó thiên tai” – ông Tùng nói.
UBND huyện cũng đã giao Phòng Kinh tế - hạ tầng phối hợp với chính quyền 6 xã rà soát, thống kê các loại phương tiện hiện có như xe tải ben, xe múc, xe đào, xe ủi... để chủ động huy động tham gia xử lý khi mưa lũ gây sạt lở đường sá hoặc xảy ra sự cố hồ đập. Đặc biệt, ngoài phần chuẩn bị của huyện, mỗi xã phải chuẩn bị khoảng 2 - 3 phương tiện ca nô hoặc thuyền máy lớn để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ người dân trong bão lũ...
Theo ông Tùng, qua rà soát cho thấy, nếu bão mạnh xuất hiện như cơn bão số 9 năm 2020 hoặc lũ vượt mức báo động 3 từ 2 – 3m, toàn huyện Nông Sơn sẽ phải di dời khoảng 2.500 hộ dân đến những nơi kiên cố, an toàn như nhà sinh hoạt văn hóa thôn, các trường học cao tầng, trụ sở làm việc của các xã hoặc các cơ quan, ban ngành...
Nhằm đảm bảo cuộc sống cho nhân dân trong diện phải sơ tán hoặc bị mưa lũ cô lập, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế - hạ tầng phối hợp với chính quyền các xã lập phương án dự trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm để chủ động cung ứng trong ít nhất 1 tuần.