Những năm qua, nhiều hộ dân ở huyện Nông Sơn đã chặt phá rừng và lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp trái phép. Trước tình trạng này, chính quyền địa phương đã tiến hành xử phạt hành chính, nhưng sau khi nộp phạt người dân lại tiếp tục vi phạm.
Người dân thường xuyên chặt phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại Nông Sơn. |
Nộp phạt xong lại phá rừng
Vì nhà nằm gần diện tích rừng nên bà Đào Thị Thanh (SN1953, thôn Lộc Đông, xã Quế Lộc, Nông Sơn) thường xuyên vào rừng chặt phá, lấy đất trồng keo. Tính đến tháng 3.2016, bà Thanh đã lấn chiếm và sử dụng trái phép gần một héc ta đất lâm nghiệp tại khu vực Hố Sâu, thuộc khoảnh 7, tiểu khu 472. Chính quyền xã Quế Lộc đã tổ chức kiểm tra, xử phạt hành chính về hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép đối với bà Thanh. Theo đó, bà bị xử phạt 3 triệu đồng và cam kết không tái phạm, đồng thời giữ nguyên hiện trạng rừng đã bị chặt phá. Từ đầu năm đến nay, toàn xã Quế Lộc đã có 12 vụ (với 15 người) bị phát hiện và xử phạt về hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng keo. Gần đây nhất, ngày 22.8.2016, UBND xã Quế Lộc ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Phạm Thành Long đã lấn chiếm và sử dụng trái phép 4.600m2 đất lâm nghiệp tại khu vực Khe Đá Đông, thuộc khoảnh 7, tiểu khu 472.
Theo thông tin từ UBND xã Quế Lộc, cả 12 trường hợp vi phạm nói trên đều đã bị xử phạt hành chính với mức 3 triệu đồng/vụ và yêu cầu viết bản cam kết không tái vi phạm, đồng thời giữ nguyên hiện trạng rừng để giao đất lại cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, đến nay các trường hợp này vẫn tiếp tục sử dụng phần đất lấn chiếm để trồng keo và có dấu hiệu mở rộng thêm diện tích. Ông Nguyễn Đình Tân - Chủ tịch UBND xã Quế Lộc cho biết, địa phương đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền về tác hại của việc phá rừng, nhưng vì nhiều nhà dân ở gần đồi và có hoàn cảnh khó khăn nên chỉ biết dựa vào rừng để sinh sống. Trong khi đó, lực lượng cán bộ phụ trách lâm nghiệp ở địa phương còn quá mỏng nên khó có thể kiểm tra, xử lý kịp thời và thường xuyên đối với hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Trong các bản cam kết của 12 trường hợp bị xử phạt hành chính, xã đã yêu cầu không được tiếp tục phát rừng, không được đốt và trồng keo trên diện tích đã bị phát hiện và xử phạt. Thế nhưng lúc cán bộ xã không có mặt thì người dân vẫn cứ phát rừng để trồng keo.
Khó xử lý!
Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn, từ đầu năm 2016 đến nay, toàn huyện phát hiện 49 vụ lấn chiếm và khai thác đất rừng, đất lâm nghiệp trái phép. Trong đó, Hạt Kiểm lâm huyện thụ lý điều tra và xử phạt 4 vụ khai thác rừng trái phép, với tổng diện tích đất rừng bị thiệt hại là 39.646m2 (trong đó rừng đặc dụng 7.300m2; rừng phòng hộ 16.532m2; rừng sản xuất 15.814m2). UBND các xã xử phạt hành chính 45 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, với tổng diện tích hơn 34ha, nằm ở các xã Phước Ninh, Quế Lộc, Quế Trung và Quế Lâm.
Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền bằng băng-rôn, qua hệ thống truyền thanh, trực tiếp ở các vùng cư dân giáp ranh với rừng. Hạt cũng đã thành lập tổ chốt chặn ở 2 xã Quế Trung và Phước Ninh, thế nhưng tình trạng người dân chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng keo vẫn không giảm. Ông Nguyễn Ngọc Nguyên - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn cho biết, vì nhà dân nằm sát đồi nên việc kiểm tra xử lý của cán bộ kiểm lâm và địa phương gặp nhiều khó khăn. Mức xử phạt hành chính 3 triệu đồng đối với hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép (theo quy định của pháp luật) vẫn chưa đủ sức răn đe. Đồng thời việc buộc trả đất lại cho Nhà nước và xử lý toàn bộ tài sản trên đất đối với một số trường hợp rất khó khăn khi keo đã trồng được 2 - 3 năm tuổi. “Hạt Kiểm lâm đã trình UBND huyện Nông Sơn phê duyệt phương án xử lý đối với diện tích đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm trồng keo. Theo đó, diện tích đất trồng keo trái phép có tuổi thọ dưới 3 năm tuổi hoặc trên 3 năm tuổi sẽ áp dụng mức xử lý khác nhau. Bởi vì keo đã gần thu hoạch mà buộc người dân chặt bỏ thì rất khó” - ông Nguyên nói.
PHAN VINH