Thời gian qua, huyện Nông Sơn chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động nhằm góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Sau khi kết thúc lớp học nghề may công nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp tổ chức, hơn 80% học viên được Công ty TNHH Hưng Nông (xã Sơn Viên) nhận vào làm việc. Chị Hà Thị Lại (ở thôn Lộc Tây, xã Quế Lộc) cũng như nhiều học viên khác tham gia lớp học nghề may đã có được việc làm và thu nhập ổn định.
Chị Lại cho biết, trước đây làm nông, ai kêu gì thì làm thêm nhưng công việc không ổn định, thu nhập thấp. Khi nghe địa phương thông báo có lớp dạy nghề may công nghiệp, chị đăng ký tham gia.
Theo chị Lại, việc học song song lý thuyết kết hợp thực hành và có nhân viên của công ty chỉ dẫn giúp chị dễ dàng nắm bắt, học việc nhanh hơn. Sau gần 3 tháng học nghề, chị Lại và những học viên trong lớp đã biết cắt may căn bản, sử dụng thành thạo máy may và nhiều dụng cụ, thiết bị...
“Tôi rất mừng khi học xong được công ty nhận vào làm việc. Ở đây gần nhà, vừa đi lại thuận tiện, ít tốn chi phí vừa có thể tranh thủ đón con, lo cho gia đình. Với mức lương hơn 4 triệu đồng khởi điểm hiện nay, tôi có thêm nguồn thu nhập trang trải sinh hoạt, nuôi hai con ăn học” – chị Lại nói.
Ông Dương Công Vĩnh (quản lý nhân sự tại Công ty TNHH Hưng Nông) cho biết, công ty đang giải quyết việc làm cho hơn 60 lao động tại địa phương. Mục tiêu cuối năm nay sẽ phát triển gần 100 lao động với mức lương hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Vừa qua, công ty đã phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề may và tạo điều kiện tốt nhất để các học viên có việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống.
Ông Trần Phước Ân - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nông Sơn cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, khảo sát, điều tra nhu cầu học cũng như xu hướng, nhu cầu vị trí việc làm của các doanh nghiệp, đơn vị mà lao động đăng ký học nghề ngày càng tăng về số lượng và chất lượng.
Trong 10 năm qua, toàn huyện đã mở 42 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho gần 1.300 học viên. Hầu hết lao động sau đào tạo biết vận dụng kiến thức được học vào sản xuất, may gia công, chăn nuôi, chế biến thức ăn… Đối với nhóm nghề phi nông nghiệp như may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp, tỷ lệ lao động có việc làm khoảng 90%.
Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, Phòng LĐTB&XH huyện đã phối hợp với Công ty may Sơn Viên, Công ty TNHH Hưng Nông mở 3 lớp đào tạo nghề may và giải quyết việc làm ngay sau đào tạo cho khoảng 80 người.
“Trong thời gian đến, phòng sẽ tiếp tục liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề, vừa giúp người lao động có việc làm ngay sau đào tạo vừa giúp doanh nghiệp, đơn vị sản xuất có lực lượng lao động theo mong muốn, phù hợp với vị trí cần tuyển dụng, tiết kiệm thời gian, chi phí đào tạo lao động” – ông Ân cho biết thêm.