Vùng đất Nông Sơn đang khởi sắc từng ngày. Trên hành trình vượt khó, để có được diện mạo hiện nay, bên cạnh sự hỗ trợ lớn từ Trung ương, tỉnh, là sự nỗ lực, chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện.
Kiện toàn hạ tầng
Nông Sơn đang trỗi dậy với sức sống mới. Ngày trước, tuyến độc đạo đến huyện là ĐT611, từ Quế Sơn, qua đèo Le, đến Nông Sơn. Còn tuyến ĐT610 từ Duy Xuyên qua đèo Phường Rạnh đến huyện từ năm 2016 trở về trước chỉ là con đường nhỏ với đá núi gồ ghề, lởm chởm, dốc đèo hiểm trở. Nay, đèo Phường Rạnh đã được khơi thông với con đường mới khang trang, thay đổi cả bộ mặt vùng Trung An, xã Quế Trung, vùng cửa ngõ của huyện về phía bắc.
Tuyến ĐT610 vừa được nâng cấp thành quốc lộ 14H, khớp nối tuyến đường Đông Trường Sơn đi các huyện vùng tây xứ Quảng, tạo động lực phát triển kinh tế vùng. Tin vui là cầu Nông Sơn đã và đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh sắp tới.
Trên đất Quế Lâm nghèo nàn một thuở, những ngôi làng xa xôi, khó khăn đi lại như Thạch Bích, hay biệt lập như Tứ Nhũ đã dậy lên sức sống mới, khi những cung đường vượt núi đồi được khớp nối, liên thông, xóa thế cô lập.
Tại Nông Sơn, các xã đều đã có đường bê tông đến tận thôn xóm, khu dân cư, kiệt hẻm. Giai đoạn 2015 - 2020, Nông Sơn đã huy động tổng nguồn vốn xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước do huyện quản lý là 532 tỷ đồng, đầu tư hàng loạt công trình, hạng mục trọng điểm tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.
Điển hình, đầu tư xây dựng và nâng cấp đường trục chính vào khu trung tâm hành chính huyện Nông Sơn; đường nội thị trung tâm huyện; đường tránh lũ cứu hộ, cứu nạn trung tâm huyện; xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư xã Quế Lâm; trụ sở làm việc HĐND&UBND xã Quế Lộc; khu trung tâm hành chính huyện; kiên cố hóa trường lớp...
Theo ông Thái Bình - Bí thư Huyện ủy Nông Sơn, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nông Sơn tập trung hoàn thành các công trình, hạng mục đang triển khai và tiếp tục tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đầu tư xây dựng một số công trình, hạng mục quan trọng khác như, các tuyến đường Đại Bình - Đại Thạnh (Đại Lộc); Sơn Viên - Mỹ Sơn (Duy Xuyên); bờ kè Hồ Sen. Huyện cũng tập trung cho các công trình hạ tầng thuộc quy hoạch chi tiết trung tâm huyện; các công trình kiên cố hóa ĐH, đường giao thông nông thôn theo đề án được duyệt. Tiếp tục triển khai hiệu quả 3 nhiệm vụ đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn huyện...
Mục tiêu huyện nông thôn mới
Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND huyện cho biết, đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư được huy động xây dựng nông thôn mới (NTM) toàn huyện là 336,7 tỷ đồng. Đến tháng 6.2020, huyện có 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM là Quế Lộc, Quế Trung; năm 2020 này xã Sơn Viên quyết tâm về đích NTM.
“Để đưa Nông Sơn trở thành huyện NTM vào năm 2025, địa phương nỗ lực khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trong xây dựng NTM. Nỗ lực đưa Quế Trung trở thành thị trấn vào năm 2021; tiếp tục đưa 3 xã còn lại là Ninh Phước, Phước Ninh, Quế Lâm đạt chuẩn xã NTM vào các năm 2022, 2023, 2024. Cùng với đó, xây dựng Sơn Viên, Quế Lộc thành xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đồng thời tiếp tục xây dựng, củng cố nhiều công trình, hạng mục quan trọng khác” - ông Hòa chia sẻ.
Cũng theo ông Hòa, trong nỗ lực xây dựng NTM, bài toán giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế được đặt lên hàng đầu. Để giảm nghèo bền vững, công tác tuyên truyền được địa phương tăng cường nhằm tạo sự chuyển biến trong tư tưởng, nhận thức, để người nghèo tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Ngoài thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, các cấp ngành của huyện chú trọng hướng dẫn hộ nghèo các mô hình làm ăn tạo thu nhập ổn định; vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng rừng gỗ lớn, phát triển cây dược liệu; tạo điều kiện để người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản...
Ông Hòa phân tích, dù lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nền kinh tế, song công nghiệp chủ yếu do Trung ương, tỉnh quản lý. Ngành nông nghiệp dù chiếm tỷ trọng không cao nhưng đem lại thu nhập cho đại bộ phận dân cư, đặc biệt là kinh tế rừng và kinh tế vườn kết hợp chăn nuôi. Để nâng giá trị kinh tế nông nghiệp, huyện đẩy mạnh chính sách giao đất giao rừng, tạo điều kiện cho người dân trồng rừng, bên cạnh cây keo, triển khai thí điểm một số mô hình trồng cây dược liệu.
“Trọng tâm, huyện định hướng cho người dân phát triển kinh tế vườn, trồng cây ăn quả với diện tích vùng cây ăn quả đặc sản nhân rộng tại 6/6 xã với quy mô mỗi xã ít nhất 30ha. Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch, giúp người dân hưởng lợi” - ông Hòa nhấn mạnh.