(QNO) - Huyện Nông Sơn trong thời gian qua đã áp dụng rất nhiều phương thức hỗ trợ để người dân đến với các lớp đào tạo nghề thuộc các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, số học viên đăng ký theo học vẫn còn nằm ở mức thấp.
Mỏi mắt tìm học viên
Nhằm giúp đỡ người lao động có nhu cầu học nghề tiếp cận được các thông tin, chế độ, chính sách, quyền lợi khi tham gia học nghề, vừa qua, Phòng LĐ-TB&XH huyện Nông Sơn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân tỉnh tổ chức phiên tư vấn đào tạo nghề tại huyện Nông Sơn. Theo đó, nghề nghiệp được tập trung tư vấn là may mặc, địa điểm tổ chức phiên tư vấn diễn ra tại 2 xã Quế Lộc và Quế Trung.
Điểm tư vấn tại UBND xã Quế Trung, rất đông người dân tới nghe tư vấn đào tạo nghề nhưng sau đó lại bỏ về rất nhiều. Ảnh: PHAN VINH |
Tại đây, người dân được nghe báo cáo viên thuộc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân tỉnh thông tin các vấn đề liên quan đến chính sách và chế độ khi tham gia đào tạo nghề. Cụ thể, đối với người thuộc gia đình chính sách sẽ được hỗ trợ 30 nghìn đồng/ngày học, các trường hợp còn lại là 20 nghìn đồng. Trong thời gian theo học kéo dài 2 tháng ở xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) hoặc xã Hương An (huyện Quế Sơn), các học viên sẽ được bố trí chỗ ở. Sau khi hoàn thành khóa học, ban tổ chức sẽ bố trí công việc phù hợp nhu cầu của học viên với mức lương thử việc thấp nhất là 2,9 triệu đồng/tháng và được hưởng chế độ bảo hiểm lao động đúng quy định.
Theo ghi nhận, tại xã Quế Lộc, dù trước đó, cán bộ cơ sở đã thông báo lịch cụ thể nhưng chỉ có 6 trong tổng số 61 người đã đăng ký tới dự buổi tư vấn. Còn tại điểm tư vấn xã Quế Trung, tuy người dân tới tham dự khá đông, hơn 70 người, nhưng cũng rất nhiều người bỏ về giữa giờ. Chị Nguyễn Thị Diệu (36 tuổi, thôn Xuân Hòa 2, xã Phước Ninh) hiện đang thất nghiệp, khi nghe nói có buổi tư vấn việc làm, chị liền đăng ký tham gia. Thế nhưng khi đến đây, chị lại thất vọng vì không tìm kiếm được cơ hội việc làm phù hợp với mình. “Tôi đã có gia đình và 2 con nhỏ. Chồng lại đi làm ăn xa nên tôi chỉ mong muốn tìm được một công việc ổn định và đặc biệt là phải gần nhà để tiện chăm sóc cho con nhỏ. Thế nhưng ở lớp tư vấn này, cả việc đào tạo và làm việc đều phải đi đến địa phương khác. Như vậy, tôi khó có thể đăng ký theo học” - chị Diệu chia sẻ.
Chờ sự đầu tư tại chỗ
Theo thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH huyện Nông Sơn, địa phương hiện có hơn 20.000 lao động có độ tuổi từ 18 - 60. Trong đó, số lượng lao động có nhu cầu học nghề nằm ở độ tuổi 18 - 35 có khoảng 7.000 người. Tuy nhiên, trong số này có khoảng 4.000 lao động đang làm ăn ở những thành phố lớn và các địa phương khác ngoài tỉnh. Còn 3.000 lao động trên địa bàn huyện, phần lớn đã có gia đình và phải chăm con nhỏ hoặc chỉ thừa thời gian trong những tháng nông nhàn.
Người dân tìm hiểu thông tin đào tạo nghề. Ảnh: PHAN VINH |
Theo ông Lê Văn Châu - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nông Sơn, việc đào tạo nghề theo hướng phục vụ ngành công nghiệp ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng lao động có chất lượng tại chỗ đa số đã có gia đình, vướng bận chuyện chồng con nên không thể đi xa làm ăn. Mặt khác, những doanh nghiệp đối tác, cam kết sử dụng tất cả số lượng học viên sau đào tạo nghề đều là các công ty công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Họ đòi hỏi rất cao về tác phong công nghiệp và đặc biệt, người công nhân dành hết thời gian lao động cho họ. Như vậy, số lao động tranh thủ thời gian nông nhàn rất khó có thể tiếp cận với cơ hội việc làm này.
“Khi nghe đến những ưu đãi, chính sách về việc tham gia khóa đào tạo nghề này thì ai cũng hào hứng. Tuy nhiên, sau đó, họ đều cảm thấy khó khăn về địa điểm đào tạo và làm việc sau khi hoàn thành khóa học. Đa số người dân đều mong muốn có một công việc ổn định tại địa phương nhưng hiện tại trên địa bàn huyện chưa có bất kỳ một công ty hoạt động ngành công nghiệp may mặc nào” - ông Châu cho biết thêm.
Được biết, ngày 23.9.2015, UBND tỉnh ký quyết định thành lập Cụm công nghiệp Nông Sơn với quy mô diện tích 15ha và giao UBND huyện Nông Sơn làm chủ đầu tư. Cụm công nghiệp Nông Sơn được quy hoạch xây dựng trên địa bàn xã Quế Trung. Các ngành nghề sẽ được bố trí trong cụm công nghiệp như công nghiệp may mặc, công nghiệp chế biến nông - lâm sản, công nghiệp cơ khí, sửa chữa ô tô, công nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, công nghiệp sạch và các dịch vụ ngành nghề khác. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một đơn vị nào đầu tư vào Cụm công nghiệp Nông Sơn.
PHAN VINH