Do ảnh hưởng của đợt bão lũ hồi đầu tháng 11 vừa qua, nhiều diện tích cây ăn trái của người dân huyện Nông Sơn bị hư hại nặng. Nhân dân địa phương đang nỗ lực khôi phục vườn cây trái trong điều kiện hết sức khó khăn.
Gia đình bà Nguyễn Thị Năm ở thôn Đại Bình, xã Quế Trung bị thiệt hại nặng khi nhiều gốc trụ hơn 10 năm tuổi bị bão lũ làm ngả rạp, bật gốc. Ảnh: TÂM LÊ |
Thiệt hại nặng
Do phải hứng chịu trận lụt lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 12 vào đầu tháng 11, toàn bộ vườn cây ăn quả hơn 1ha của gia đình bà Nguyễn Thị Năm (thôn Đại Bình, xã Quế Trung) bị hư hại nặng. Bà Năm cho biết, ngoài cam và bưởi trụ Đại Bình, năm 2016 gia đình vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư thêm các loại cây ăn trái khác cho vườn cây có tổng diện tích hơn 1ha, chưa kịp thu hoạch thì đã bị hư hại do bão lũ. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là gần 5 sào cam và bưởi trụ Đại Bình 3 năm tuổi bị chết hoàn toàn; nhiều gốc trụ hơn 10 năm tuổi bị ngập sâu trong nước và bùn non dẫn đến bệnh vàng lá, rụng trái, một số cây bị gió quật bật gốc nằm chỏng chơ trên đất. Điều đó đồng nghĩa với gia đình bà Năm mất trắng công chăm sóc, vun trồng bao năm nay, mất đi nguồn thu nhập của gia đình trong thời gian tới. “Những cây trụ lâu năm mùa này cho quả trái mùa phục vụ nhu cầu chưng Tết Nguyên đán, tuy nhiên hầu hết cây đều không còn quả, ước tính thiệt hại hơn 5 triệu đồng. Còn vụ quýt vừa rồi, vì bị ngập nước nên toàn bộ trái bị hư hại, mất nguồn thu hơn 20 triệu đồng” - bà Năm nói. Cũng như các chủ vườn khác ở Đại Bình, gia đình bà Trần Thị Kim Yến bị thiệt hại hơn 20 triệu đồng trong vụ quýt vừa qua; ngoài ra hơn 10 gốc trụ 13 năm tuổi bị chết do ngập trong nước lụt. Bà Yến cho biết, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào vườn cây ăn trái, bây giờ bị hư hại hết chỉ biết khắc phục được phần nào hay phần ấy. Trước đây gia đình bà có chiết cành các giống bưởi trụ và quýt để nhân rộng diện tích, nhưng số cành chiết này cũng đã bị hư hại khi bị ngập nước.
Tại xã Phước Ninh, gần 4 sào bưởi trụ Đại Bình 2 năm tuổi của gia đình bà Trịnh Thị Bích (thôn Bình Yên) cũng chết hoàn toàn do ngập lụt. Năm 2015, thấy cây bưởi trụ có giá trị kinh tế cao, gia đình đã đầu tư hơn 30 triệu đồng rào vườn, mua phân bón... để trồng hơn 70 gốc bưởi trụ Đại Bình (70 nghìn đồng/cây giống). Qua 2 năm bỏ công chăm sóc, sau đợt lũ vừa rồi, do bị ngâm nước thời gian dài, cây dần vàng lá rồi rụng sạch, thân khô dần từ ngọn tới gốc và chết. “Bao nhiêu tiền của, công sức của gia đình đều dồn vào đây với hy vọng có nguồn thu nhập ổn định từ vườn cây ăn quả để nuôi con ăn học nhưng bây giờ thì không còn gì nữa. Mong chính quyền các cấp có phương án hỗ trợ giúp gia đình sớm khôi phục vườn cây” - bà Bích nói.
Hỗ trợ người dân khôi phục vườn cây
Trước những hư hại do thiên tai gây ra, các chủ vườn đã thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục hậu quả, khôi phục vườn cây nhằm giảm thấp nhất thiệt hại và tạo nguồn thu cho gia đình trong thời gian tới. Để hỗ trợ người dân, ngành chức năng, chính quyền huyện Nông Sơn và các địa phương tuyên truyền chủ vườn có biện pháp phòng trừ sâu bệnh phát sinh gây hại, vận động tham gia các lớp tập huấn trồng cây ăn quả để có kiến thức, kỹ năng chăm sóc lại vườn cây, đảm bảo chất lượng loại cây thương hiệu bưởi trụ Đại Bình. Ông Nguyễn Đình Bá - Trưởng thôn Đại Bình cho biết: “Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - khuyến lâm tỉnh, 35 chủ vườn ở Đại Bình đã được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, đặc biệt là bưởi trụ Đại Bình. Trong đó, gần 20 hộ tham gia sẽ được hỗ trợ cây giống với diện tích 2ha. Trong đợt bão lũ vừa qua, toàn thôn có hơn 2ha diện tích bưởi trụ bị hư hại, chết cây. Chương trình hỗ trợ giống và kỹ thuật này kịp thời giúp các chủ vườn có điều kiện trồng mới, chăm sóc tốt hơn, giữ vững chất lượng thương hiệu bưởi trụ Đại Bình”.
Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn, bão số 12 và đợt mưa lũ kéo dài sau đó đã gây hư hại gần 9ha cây ăn quả, rau màu các loại trên địa bàn huyện. Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan, ban ngành giúp dân khôi phục vườn cây ăn quả, đặc biệt là cây bưởi trụ Đại Bình. Ông Trần Thiện Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn cho biết, trước khi lũ xảy ra, các địa phương đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi trụ Đại Bình cho người dân. Hiện nay, đơn vị tổ chức lồng ghép nội dung này trong các lớp tập huấn triển khai sản xuất vụ đông xuân 2017-2018 tại những địa phương có trồng cây ăn quả. “Để giúp người dân sớm khôi phục vườn cây ăn quả và giữ chất lượng thương hiệu, địa phương đã lồng ghép mọi nguồn lực, kể cả từ Chương trình 135, đồng thời nhân rộng việc trồng giống cây bưởi trụ Đại Bình ra các địa phương có thổ nhưỡng thích hợp. Năm 2018, địa phương tiếp tục tổ chức tập huấn thực tế cho nông dân nắm chắc kỹ thuật chăm sóc cây trụ lông và các loại cây ăn quả khác để mang lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao giá trị kinh tế” - ông Thắng cho biết thêm.
TÂM LÊ - MINH THÔNG