(QNO) - Sáng 3.7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì buổi làm việc với UBND huyện Nông Sơn và các sở, ban ngành về phát triển kinh tế - xã hội của huyện 6 tháng đầu năm; tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, công tác quản lý tài nguyên... cũng như bàn giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn ước đạt 130,15 tỷ đồng, đạt 52,55% kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước đạt 285,24 tỷ đồng, trong đó công nghiệp khai thác đạt 76,29 tỷ đồng; công nghiệp chế biến - chế tạo đạt 46,45 tỷ đồng; công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước, gas đạt hơn 104 tỷ đồng...
Hiện diện tích trồng rừng tập trung bình quân 4.000ha/năm, độ che phủ rừng đạt 65%. Diện tích vùng trồng keo nguyên liệu đạt 6.900ha. Về trồng rừng gỗ lớn, năm 2019, theo chỉ tiêu huyện thực hiện được 49,64/53ha, nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa phân bổ kinh phí để hỗ trợ các hộ tham gia dự án, gây ảnh hướng rất lớn đến việc triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2020. Năm nay kế hoạch trồng rừng gỗ lớn của huyện là 75ha, đến nay có 4 xã đăng ký nhu cầu trồng gồm Quế Lâm, Ninh Phước, Phước Ninh và Quế Trung với tổng diện tích 77,8ha.
Nông Sơn nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây dược liệu của tỉnh song nhu cầu phát triển từ các xã còn ít. Năm 2020 là năm đầu tiên huyện được tỉnh phân bổ 310 triệu đồng để trồng 13ha cây dược liệu với 2 loài cây sa nhân (6,4ha) và ba kích (6,6ha), nhưng hiện chỉ có UBND xã Phước Ninh đăng ký triển khai với diện tích 5,75ha trồng cây sa nhân...
Trong xây dựng nông thôn mới, đến nay tổng số tiêu chí đạt được là 92, bình quân 15,3 tiêu chí/xã. Trong đó, Quế Lộc, Quế Trung, Sơn Viên đều đạt 19 tiêu chí, Phước Ninh 15 tiêu chí, Ninh Phước 10 tiêu chí, Quế Lâm 10 tiêu chí. Quế Lộc đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018, Quế Trung đạt chuẩn vào năm 2019 và Sơn Viên đang hoàn chỉnh hồ sơ công nhận, dự kiến công nhận đạt chuẩn vào năm 2020.
Toàn huyện có 19 ngành nghề nông thôn, có 312 cơ sở sản xuất, kinh doanh góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Đã xây dựng được 5 chuỗi giá trị đang triển khai thực hiện và 4 hợp tác xã tham gia liên kết hỗ trợ từ nguồn vốn nông thôn mới.
Tại buổi làm việc, huyện Nông Sơn kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ban ngành nhiều nội dung như: kiến nghị tỉnh phân bổ kinh phí hỗ trợ các hộ dân tham gia dự án trồng rừng gỗ lớn và chỉ đạo quản lý hiệu quả diện tích rừng KFW6 trên địa bàn huyện thời gian tới; thu hồi dự án suối nước nóng Tây Viên, tạo điều kiện cho địa phương quản lý, tổ chức đấu giá, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển du lịch.
Ngoài ra, kiến nghị tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT có kế hoạch tổ chức đo đạc lại hiện trạng 990ha được Công ty Cao su Quảng Nam thuê đất trồng cao su nhằm chỉnh lý lại diện tích hoặc cấp đổi giấy chứng nhận; quan tâm đầu tư nâng chất nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong các cơ quan, đơn vị...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020. Đồng thời nhấn mạnh, Nông Sơn là địa bàn giàu tiềm năng trong phát triển kinh tế, du lịch và thương mại - dịch vụ như: có lễ hội Bà Thu Bồn, làng trái cây Đại Bình, suối nước nóng Tây Viên, hạ tầng giao thông tương đối phát triển..., song việc khai thông, phát huy thế mạnh còn hạn chế.
Vì vậy thời gian tới huyện cần làm tốt khâu quy hoạch khu du lịch suối nước nóng Tây Viên theo tỷ lệ 1/2.000 để thu hút đầu tư, khai thông tiềm năng du lịch, gắn kết với làng du lịch sinh thái Đại Bình, gắn với quần thể khu du lịch Mỹ Sơn ở Duy Xuyên, khu đèo Le - suối Nước Mát. Ông Hồ Quang Bửu cũng đề nghị Sở NN&PTNT lập hồ sơ công nhận cây đầu dòng, giống gốc đối với một số cây đặc sản Đại Bình.