Thực hiện quyết định của HĐND tỉnh về việc tạm dừng hỗ trợ phụ cấp hàng tháng cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, tại huyện Nông Sơn đã có trường hợp xin nghỉ việc, một số trường hợp cũng đang có ý định tương tự.
Đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở xã đảm nhận khối lượng công việc khá nặng nề nhưng hưởng công chưa tương xứng. Ảnh: PHAN VINH |
Nghỉ việc vì phụ cấp thấp
Ông Trà Tiến Tài - Bí thư Đảng ủy xã Quế Trung cho biết, địa phương là đơn vị xã loại 1 nên được quy định 25 định biên cán bộ, công chức và 22 người hoạt động không chuyên trách. Tuy nhiên, thời gian qua nhờ tăng chức danh kiêm nhiệm nên Quế Trung chỉ có 18 cán bộ không chuyên trách. Ngay sau khi quyết định của HĐND tỉnh về tạm dừng việc hỗ trợ thêm phụ cấp hằng tháng cho cán bộ không chuyên trách cấp xã có hiệu lực vào ngày 1.1.2018, Đảng ủy, UBND xã Quế Trung đã nhanh chóng có kế hoạch phối hợp thực hiện. Đồng thời lãnh đạo địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm động viên cán bộ không chuyên trách cố gắng tiếp tục đảm nhận công việc và chờ cơ chế mới từ cấp trên. “Động viên là vậy, nhưng khi bị cắt giảm các chế độ bảo hiểm và 30% - 50% hỗ trợ trong phụ cấp 1.0 mức lương tối thiểu thì cán bộ không chuyên trách của xã rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Bởi trước đây, nhờ khoản hỗ trợ từ Nghị quyết số 30/2011/NQ-HĐND ngày 9.12.2011 của HĐND tỉnh, cán bộ không chuyên trách cũng cơ bản đảm bảo cuộc sống. Còn mức phụ cấp theo đúng Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22.10.2009 của Chính phủ thì quá thấp. Hiện xã đã có 1 trường hợp cán bộ không chuyên trách công tác ở vị trí phó chủ tịch hội cựu chiến binh và phó ban tuyên giáo xin nghỉ việc” - ông Tài nói.
Thu nhập không đủ chi phí sinh hoạt “Khối lượng công việc của một cán bộ văn phòng khá nhiều nhưng mức hưởng công lại không tương xứng khiến tôi gặp nhiều khó khăn. Khi thực hiện quyết định cắt giảm hỗ trợ của UBND tỉnh, tôi nhận được 1,3 triệu đồng, cộng với 400 nghìn đồng tiền hỗ trợ từ nguồn “chia sẻ” chế độ theo Nghị định 116 của những cán bộ định biên. Sắp đến nguồn “chia sẻ” hỗ trợ không còn, sau khi trừ chi phí đóng bảo hiểm, tôi chỉ nhận được khoảng 1,2 triệu đồng mỗi tháng. Chừng đó tiền chỉ đủ xăng xe, điện thoại chứ chưa kể đến những chi tiêu khác”. (Cán bộ không chuyên trách Nguyễn Thị Kiều Loan - công tác tại Văn phòng Đảng ủy xã Quế Lộc) |
Ở xã Quế Lộc, ông Nguyễn Đình Tân - Chủ tịch UBND xã cho hay, nhằm động viên, hỗ trợ thêm cho cán bộ không chuyên trách ở địa phương, ngay sau khi Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 116) về hỗ trợ chế độ cho cán bộ, công chức các xã vùng khó khăn năm 2013, cán bộ xã nằm trong định biên của địa phương đã thống nhất chia sẻ 20% chế độ này (khoảng 400 nghìn đồng) cho cán bộ không chuyên trách đang làm việc tại xã. Tuy nhiên, Nghị định 116 cũng chỉ được áp dụng đến hết ngày 1.10.2018. “Đầu năm 2018, UBND xã Quế Lộc đã xin ý kiến UBND huyện về việc cho địa phương trích ngân sách hỗ trợ thêm cho cán bộ không chuyên trách 400 nghìn đồng mỗi tháng nhưng không được chấp thuận. Vừa qua, cán bộ không chuyên trách là phó bí thư đoàn xã đã xin nghỉ việc vì mức thu nhập không đảm bảo đời sống. Chúng tôi lo lắng trong thời gian tới sẽ còn nhiều cán bộ không chuyên trách khác xin nghỉ việc, dù địa phương đã cố gắng động viên tinh thần” - ông Tân nói.
Lo thiếu cán bộ
Ông Mai Văn Bảy - Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Nông Sơn cho hay, thời gian qua các xã Sơn Viên và Quế Lâm cũng sử dụng cách thức “chia sẻ” như Quế Lộc, chủ động trích nguồn hỗ trợ từ Nghị định 116 để hỗ trợ lại cán bộ không chuyên trách tại địa phương. Đây là việc làm tự nguyện, thể hiện tình đoàn kết, chia sẻ khó khăn của cán bộ trong cùng đơn vị với nhau và mang lại nguồn động viên rất lớn đối với cán bộ không chuyên trách. Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc hỗ trợ này sẽ không còn nữa, cùng với thực hiện quyết định của HĐND tỉnh về tạm dừng việc hỗ trợ thêm phụ cấp hằng tháng cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, thì họ sẽ đứng trước áp lực rất lớn về thu nhập. Dù là cán bộ không chuyên trách ở xã nhưng khối lượng công việc trong vai trò tham mưu, tổng hợp không hề ít so với cán bộ nằm trong định biên.
Ông Bảy cho biết, sau khi thực hiện cắt hỗ trợ phụ cấp, trong tổng số 7 xã của huyện đã có 5 cán bộ không chuyên trách xin nghỉ việc. Qua thăm dò, con số này khả năng sẽ còn tăng nếu không có chủ trương, chính sách mới phù hợp. Vừa qua, Phòng Nội vụ huyện đã có văn bản đề nghị đảng ủy, UBND các xã chủ động làm công tác tư tưởng, trấn an tâm lý và động viên đội ngũ cán bộ không chuyên trách cố gắng tiếp tục đảm nhận công việc. Đồng thời tăng việc kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách để tránh bị khuyết vị trí việc làm và cán bộ kiêm nhiệm cũng được nhận thêm được khoản hỗ trợ kiêm nhiệm. “Nói thì vậy, nhưng về lâu dài cũng rất khó. Bởi có nhiều người làm việc ở vị trí không chuyên trách hàng chục năm nay, thậm chí ngoài giờ hành chính như chức danh Phó Trưởng công an xã hay Phó Ban chỉ huy Quân sự xã mà chỉ nhận được mức phụ cấp hàng tháng hơn 1 triệu đồng. Thực hiện quyết định chung của cấp trên thì không riêng gì huyện Nông Sơn, nhưng chúng tôi vẫn mong muốn thời gian đến sẽ có những cơ chế, chính sách mới nhằm giải quyết nỗi lo lắng này của địa phương cấp xã. Vì tư tưởng của cán bộ không chuyên trách không vững vàng thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến giải quyết công việc ở cấp cơ sở, vốn đã nhiều và nặng” - ông Bảy nói.
PHAN VINH