Nông Sơn nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học

HOÀNG LIÊN 22/08/2023 05:42

Công tác bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là bảo tồn loài voi rừng trong lâm phận huyện Nông Sơn đang được đặc biệt chú trọng, từ việc huy động nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp.

Voi rừng xuất hiện ở vùng rừng bảo tồn thuộc xã Quế Lâm, Nông Sơn. (Ảnh: Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi cung cấp)
Voi rừng xuất hiện ở vùng rừng bảo tồn thuộc xã Quế Lâm, Nông Sơn. (Ảnh: Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi cung cấp)

Nỗ lực bảo tồn

Theo kết quả khảo sát từ việc thực hiện Dự án VFBC (Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học) do USAID tài trợ, Nông Sơn có đa dạng hệ thực vật lẫn động vật rừng. Về hệ thực vật, đã thống kê được 586 loài thực vật bậc cao thuộc 349 chi, 111 họ của 4 ngành.

Về hệ động vật, đã thống kê được 215 loài động vật có xương sống trên cạn thuộc 84 họ, 27 bộ. Về thú, đã ghi nhận được 32 loài, 19 họ, 7 bộ; về chim ghi nhận được 134 loài, 45 họ, 17 bộ; bò sát ghi nhận 28 loài, 13 họ, 2 bộ; ếch nhái ghi nhận 21 loài, 7 họ, 1 bộ.

Qua khảo sát sơ bộ, đã ghi nhận được 4 loài đặc hữu Việt Nam. Trong đó có 1 loài thú (chà vá chân xám) và 3 loài bò sát, ếch nhái. Nông Sơn còn có Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi thuộc vùng sinh thái ưu tiên trong cảnh quan vùng Trung Trường Sơn.

 Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi thuộc lâm phận 2 xã Phước Ninh và Quế Lâm, với 18.977ha diện tích vùng lõi là các kiểu rừng nguyên sinh lá rộng thường xanh nên hệ động, thực vật ở đây rất đa dạng và phong phú. Vì vậy các biện pháp quyết liệt bảo tồn tính đa dạng sinh học, bảo vệ hệ thống rừng đầu nguồn và điều tiết nguồn nước đã được triển khai.

Theo ông Mai Văn Dưỡng - Giám đốc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, đã có nhiều chương trình, dự án đầu trực tiếp đây. Cụ thể, dự án của Chính phủ (Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg) triển khai từ năm 2018 đến nay, đã bảo vệ 9.691ha rừng. Dự án Hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm triển khai tại 22 thôn.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã triển khai trên 5.867ha rừng từ năm 2017 đến nay. Thực hiện Nghị định số 38/2016/NĐ-CP, đơn vị đã khoanh nuôi bảo vệ rừng không trồng bổ sung 1.500ha.

Ngoài ra, còn một số dự án phi chính phủ như: Dự án Trường Sơn Xanh đã tiến hành đặt bẫy ảnh hệ thống giám sát đa dạng sinh học; kiểm kê đa dạng sinh học; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững… Với sự hỗ trợ của tổ chức USFS, đơn vị đã tiến hành trồng rừng hàng rào xanh bằng cây bồ kết gai (giai đoạn 2019 - 2021) dài 2,7km, với tổng diện tích 23,3ha.

Cũng theo ông Dưỡng, Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học từ năm 2021 đến nay được triển khai với nhiều hoạt động như: thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thân thiện với bảo tồn cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng (Tiểu hợp phần 6); Tăng cường quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ (Tiểu hợp phần 7); Tăng cường hiệu quả hệ thống thực thi pháp luật đối với tội phạm hủy hoại rừng và động vật hoang dã (Tiểu hợp phần 8); Giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ thông qua phương pháp thay đổi hành vi (Tiểu hợp phần 9).

Ban quản lý Khu bảo tồn cũng phối hợp Dự án VFBC thực hiện tham vấn xác định mô hình sinh kế phù hợp cho nhóm hộ mục tiêu; khảo sát bổ sung địa điểm du lịch sinh thái cộng đồng; tổ chức tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm mô hình tháo gỡ bẫy chuyên nghiệp; đánh giá thực trạng phối hợp của nhóm công tác đa ngành và xây dựng quy chế phối hợp giữa các ban ngành có liên quan trong xử lý tội phạm về hủy hoại rừng và động vật hoang dã. Triển khai mô hình quản lý rừng hợp tác (CBM) tại khu bảo tồn...

Còn nhiều khó khăn

Việc tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo và cán bộ được Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi chú trọng. Theo ông Mai Văn Dưỡng, đơn vị đã tổ chức tập huấn đào tạo tiểu giáo viên (ToT) về SMART cho lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật. Tổ chức điều tra mật độ bẫy và đặt bẫy ảnh hệ thống trong lâm phận khu bảo tồn; thành lập 2 nhóm tháo gỡ bẫy chuyên nghiệp.

Đồng thời tái thành lập 3 nhóm bảo tồn cộng đồng tại 3 xã Quế Lâm, Phước Ninh, Quế Trung; thành lập mới 2 nhóm bảo tồn cộng đồng tại xã Hiệp Hòa (Hiệp Đức) và thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang).

Ban quản lý cũng tổ chức đặt bẫy ảnh giám sát đàn voi và thay pin, thẻ nhớ bẫy ảnh đợt 1 năm 2023. Đồng thời làm việc với Tổ chức Helvetas tham vấn hỗ trợ thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác xác định và thực hiện mô hình sinh kế cho nhóm hộ mục tiêu...

Tuy vậy, công tác bảo tồn đa dạng sinh học vẫn còn tồn tại, khó khăn. Khu bảo tồn hiện chưa có chương trình dự án đầu tư thực hiện đầy đủ và đồng bộ các nội dung bảo tồn đa dạng sinh học. Cơ sở vật chất và nhân lực của ban quản lý còn thiếu so với yêu cầu.

Nhận thức của người dân về vai trò và tầm quan trọng của đa dạng sinh học còn hạn chế. Công tác giám sát đa dạng sinh học gặp khó khăn do các điều tra đa dạng sinh học trước đây thực hiện dàn trải. Công tác bảo tồn sinh cảnh chưa sát với tình hình do chưa điều tra xác định phân vùng các dạng sinh cảnh.

“Để công tác bảo tồn đạt kết quả bền vững, cần thành lập trụ sở hoạt động điều hành công tác bảo tồn đa dạng sinh học gần lâm phận khu bảo tồn, đồng thời là trung tâm trưng bày giới thiệu và tuyên truyền đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Tập huấn và hỗ trợ kinh phí cho nhân lực chuyên môn về bảo tồn đa dạng sinh học. Hỗ trợ phương tiện thuyền máy để tuần tra rừng trên lòng hồ. Hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình sinh kế bền vững, mỗi huyện một mô hình. Hỗ trợ chòi canh lửa tại vị trí Nà Lau, Cán Dù và Sầm Nai, vừa có chức năng giám sát đàn voi...” - ông Dưỡng kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông Sơn nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO