Tại buổi làm việc với huyện Nông Sơn mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị Nông Sơn cần tập trung phát huy thế mạnh kinh tế vườn rừng kết hợp với phát triển gia trại, trang trại và phát triển du lịch.
Thế mạnh từ vườn rừng
Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, kinh tế vườn kết hợp với trang trại, gia trại, trồng cây ăn quả đang mang lại hiệu quả cao, tăng thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân, góp phần giảm nghèo bền vững tại Nông Sơn.
Hiện, diện tích trồng rừng tập trung bình quân của huyện là 4.000ha/năm, diện tích trồng keo nguyên liệu đạt 6.900ha, bình quân mỗi năm khai thác khoảng 1.500ha, năng suất 50m3/ha, khối lượng khoảng 70.000m3. Về trồng rừng gỗ lớn, năm 2019, huyện thực hiện được hơn 49,6/53ha. Năm 2020, kế hoạch trồng của huyện là 75ha, có 4 xã đăng ký trồng là Quế Lâm, Ninh Phước, Phước Ninh và Quế Trung với tổng diện tích gần 78ha.
“Bên cạnh thuận lợi, việc phát triển trồng rừng gỗ lớn tại Nông Sơn gặp khó do tỉnh vẫn chưa phân bổ kinh phí để hỗ trợ các hộ tham gia, trong khi chu kỳ trồng quá dài” - ông Hòa cho biết.
Diện tích phát triển vùng cây ăn quả tại Nông Sơn, đặc biệt là các giống cây đặc hữu như bưởi trụ, bưởi da xanh, sầu riêng... không ngừng tăng lên nhờ các cơ chế, chính sách giảm nghèo. Không chỉ vùng Đại Bình (Quế Trung) chuyên về trồng cây ăn quả, mỗi xã được định hướng phát triển từ 30 - 50ha cây ăn quả.
“Tin vui là làng Đại Bình đã được tỉnh công nhận là làng nghề trồng cây ăn quả. Huyện Nông Sơn cũng thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ vùng cây ăn quả, từ các sản phẩm nông nghiệp kết hợp với làng nghề, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển” - ông Hòa chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị Sở NN&PTNT lập hồ sơ công nhận cây đầu dòng, giống gốc đối với một số cây đặc sản Đại Bình; gấp rút truy xuất nguồn gốc các loại đặc sản Đại Bình, lưu giữ giống gốc, bảo tồn gen, mở rộng diện tích vùng trồng cây ăn quả đặc hữu. Sở NN&PTNT cần nghiên cứu đề xuất tỉnh ứng trước kinh phí hỗ trợ nhân dân triển khai các dự án trồng rừng gỗ lớn; hỗ trợ xây dựng đề án phát triển kinh tế trang trại, nông trại, kinh tế vườn cho khu vực miền núi, trong đó có Nông Sơn.
“Hiện tỉnh chủ trương cho Công ty CP Ô tô Trường Hải xây dựng nhà máy, vùng sản xuất nông sản với 3 loại cây chính, trong đó có cây xoài keo dễ trồng, cho thu nhập cao, đầu ra rộng rãi. Nông Sơn nên nghiên cứu, hợp tác phát triển vùng trồng” - ông Bửu nói.
Động lực cho du lịch
Nông Sơn giàu tiềm năng về du lịch với nhiều di tích, thắng cảnh đẹp như khu suối nước nóng Tây Viên, làng cây ăn quả Đại Bình, di tích Dinh Bà Thu Bồn, thủy điện Khe Diên, làng trầm mỹ nghệ, có thắng cảnh Hòn Kẽm Đá Dừng... Dự án suối nước nóng Tây Viên đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng - phát triển quỹ đất huyện Nông Sơn quản lý, xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.
Huyện Nông Sơn cũng chủ động xây dựng đề án phát triển du lịch Đại Bình, đề án xây dựng khu vực Dinh Bà Thu Bồn thành điểm di tích. Cùng với đó, chú trọng nâng cấp hạ tầng giao thông, cảnh quan môi trường, đa dạng dịch vụ và sản phẩm du lịch...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, Nông Sơn cần làm tốt khâu quy hoạch khu du lịch suối nước nóng Tây Viên tỷ lệ 1/2000 để thu hút doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư theo hướng khu nghỉ dưỡng sinh thái, có sân gofl, gắn kết với làng du lịch Đại Bình, quần thể khu du lịch Mỹ Sơn ở Duy Xuyên, khu Đèo Le - Suối Mát, tạo tính lan tỏa...
“Vấn đề là phải tìm ra hướng khai thác du lịch với các di tích, danh thắng. Phải bảo vệ các di tích, không “cứng hóa” di tích, phát huy truyền thống lễ hội dân gian, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch. Đề nghị Sở VH-TT&DL phối hợp giữa huyện Nông Sơn và Duy Xuyên phục dựng, mở rộng phạm vi lễ hội Bà Thu Bồn, tạo điểm nhấn phát triển du lịch” - ông Bửu nói thêm.