Những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Nông Sơn đã xây dựng, phát triển nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại phù hợp với điều kiện địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.
Những mô hình điểm
Sau nhiều năm làm ăn ở TP.Hồ Chí Minh, năm 2018, anh Đặng Văn Minh (thôn Trung Nam, xã Quế Trung) quyết tâm về quê lập nghiệp với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương. Qua nhiều lần tham quan vườn cây ăn quả ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, anh Minh đã mạnh dạn đầu tư cải tạo 3ha vườn đồi của gia đình, trồng các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, mãng cầu thái, quýt đường, mít Thái…
Tính đến nay, anh Minh đã đầu tư hơn 300 triệu đồng trồng gần 600 cây ăn quả các loại cùng hệ thống tưới tiêu tự động tại mỗi gốc cây. Anh Minh chia sẻ đến nay, nửa số cây ăn quả trong vườn đã cho quả. Vì năm đầu thu hoạch nên các loại cây ăn quả có năng suất thấp, năm 2019, anh Minh chỉ thu nhập hơn 50 triệu đồng từ bưởi da xanh, trụ lông, quýt đường…
Bên cạnh đó, thời gian đầu chưa có thu nhập cao từ vườn cây ăn quả, để lấy ngắn nuôi dài, anh Minh chăn nuôi thêm gà thả vườn và bò, mỗi năm cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Đồng thời thử nghiệm mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng kết hợp ao nuôi cá trê.
Cũng chọn con đường phát triển kinh tế trang trại, gia trại, song gia đình ông Nguyễn Nam ở thôn Đại Bình, xã Quế Trung lại lựa chọn mô hình trồng mít Thái Lan xen chuối mốc. Ông Nam cho biết trước đây, gia đình ông trồng mía, sắn, thơm trên diện tích 6.000m2 nhưng không hiệu quả. Trên có sở hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và học hỏi kinh nghiệm những người đi trước, tháng 4.2018, gia đình ông Nam đã đầu tư trồng 40 cây mít Thái Lan, xen 20 gốc chuối mốc.
Theo đó, mít được trồng với mật độ 400 cây/ha, cự ly hàng cách hàng là 5m, cây cách cây 5m, trồng xen cây chuối mốc cấy mô xung quanh vườn mít. Đến nay, cây mít sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống hơn 90%, bắt đầu cho trái; cây chuối trổ buồng trung bình 6 - 7 nải/buồng. “Nhận thấy mô hình kinh tế này có thể mang lại hiệu quả cao và ổn định, thời gian tới, tôi sẽ đầu tư đóng giếng để chủ động nguồn nước tưới, tạo điều kiện mở rộng diện tích cây trồng thuận lợi” - ông Nam nói.
Nhân rộng
Việc mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế trang trại, gia trại ở vùng đất phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cũng theo anh Đặng Văn Minh (thôn Trung Nam), đến nay gia đình anh mới trồng cây ăn quả trên diện tích 1,5ha đất vườn; trong thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư trồng cây ăn quả trên diện tích 1,5ha đất còn lại. “So với trồng lúa, trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao hơn 4 - 5 lần. Hơn nữa, thị trường trái cây sạch đang rộng mở, đó là điều kiện để tôi và nhiều hộ nông dân có thể phát triển mô hình trồng cây ăn quả này” - anh Minh nói.
Còn đối với ông Nguyễn Nam ở thôn Đại Bình (xã Quế Trung) cũng cho hay, từ thực tế hiệu quả của việc trồng mít Thái Lan xen chuối mốc, diện tích 4.000m2 còn lại đang trồng keo trong vườn, sau khi thu hoạch sẽ chuyển sang trồng mít và chuối.
Ông Trần Nhượt - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nông Sơn cho biết thời gian qua, nhiều diện tích đất vườn đồi trồng các loại cây kém năng suất được chuyển sang mô hình trang trại, gia trại với các loại cây trồng, vật nuôi đa dạng, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Toàn huyện có khoảng 5.200 vườn đang tập trung cải tạo, phá bỏ cây trồng không hiệu quả để bố trí cây trồng có thu nhập cao đáp ứng với yêu cầu thị trường như bưởi trụ Đại Bình, sầu riêng, măng cụt, bơ, chuối mốc… Tại các xã như Quế Trung, Quế Lộc, Sơn Viên… việc phát triển kinh tế trang trại, gia trại được thực hiện gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
“Toàn huyện hiện có 21 tổ hợp tác, 9 hợp tác xã, một số mô hình có hiệu quả kinh tế, 3 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại, gia trại, sản xuất theo chuỗi liên kết, tạo ra sản phẩm có giá trị. Việc phát huy hiệu quả từ các mô hình kinh tế trang trại, gia trại vừa mang lại thu nhập, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động vừa khai thác những lợi thế về đất đồi rừng của địa phương” - ông Nhượt cho biết thêm.