Những ngày qua, một số loại dịch hại nguy hiểm có nguy cơ bùng phát mạnh trên nhiều ruộng lúa và sắn của Nông Sơn. Địa phương đang tập trung hướng dẫn, hỗ trợ nông dân triển khai những biện pháp phòng trừ.
Khảo sát nhiều cánh đồng ở xã Sơn Viên của huyện Nông Sơn, chúng tôi thấy nông dân tất tả phun thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu để xử lý bệnh khô vằn gây hại những ruộng lúa đông xuân đang trổ đòng rộ. Theo thống kê sơ bộ của ngành chuyên môn, tại địa phương này hiện có khoảng 60 sào lúa bị nhiễm bệnh khô vằn với tỷ lệ hại tương đối cao.
Ông Trần Văn Lưu – Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Nông Sơn thông tin, vụ đông xuân năm nay nông dân toàn huyện sản xuất 1.021ha lúa, trong đó diện tích chủ động nước tưới là 719ha và phụ thuộc nước trời là 302ha.
Thời điểm này, hầu hết ruộng lúa của các địa phương đang trong thời kỳ trổ đòng tập trung. Tuy nhiên, những ngày qua bệnh khô vằn xuất hiện và gây hại trên diện rộng, nhất là đối với các ruộng lúa gieo sạ dày, bón thừa đạm.
Theo ông Trần Văn Lưu, bệnh khô vằn trên cây lúa do nấm đất Rhizoctonia solani gây ra. Mầm bệnh lây lan theo nước tưới, đất mang bệnh và tàn tích thực vật của cây lúa bị bệnh.
Nấm Rhizoctonia solani phát triển tốt nhất ở nhiệt độ từ 28 - 32 độ C. “Qua kiểm tra cho thấy, ngoài 60 sào lúa ở xã Sơn Viên, hiện nay tại các xã Quế Lộc, Quế Trung... cũng có 80 sào lúa bị nhiễm bệnh khô vằn. Tỷ lệ bệnh bình quân khoảng 4%, những nơi cao 20 - 30%. Nguy cơ cao nấm bệnh Rhizoctonia solani sẽ tiếp tục lây lan mạnh” – ông Lưu nói.
Cùng với bệnh khô vằn, thời điểm này rầy nâu đã xuất hiện và gây hại cục bộ 20 sào lúa nước trời trên xứ đồng Sơn Rú thuộc xã Quế Lộc. Đặc biệt, trong tổng số 360 sào sắn trên toàn huyện Nông Sơn (chủ yếu nông dân sử dụng nguồn hom giống không rõ nguồn gốc) có đến 140 sào ở 2 xã Quế Trung và Ninh Phước bị nhiễm bệnh khảm lá với mức độ gây hại từ 50 – 70%.
Đáng chú ý, hiện nay bệnh khảm lá sắn chưa có thuốc đặc trị để phun trừ. Nếu ruộng sắn bị nhiễm bệnh hơn 70% thì huyện sẽ vận động nông dân tiêu hủy cả đám...
Trước tình hình trên, trong những ngày qua Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn cử nhiều cán bộ kỹ thuật về các địa phương phối hợp với đội ngũ khuyến nông viên cơ sở tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân triển khai hiệu quả những biện pháp phòng trừ sâu bệnh.
Theo ông Trần Văn Lưu, đối với bệnh khô vằn, nhà nông cần tập trung vệ sinh đồng ruộng, phát dọn cỏ xung quanh bờ và tiến hành phun thuốc bằng một trong các loại thuốc Validacin 5L, Anvil 5SC, Tilt Super 300EC...
Còn đối với rầy nâu và rầy lưng trắng, nông dân nên thường xuyên thăm đồng, vạch gốc lúa kiểm tra thật kỹ để kịp thời phát hiện các ổ rầy cục bộ. Khi phát hiện rầy trên ruộng lúa với mật độ bình quân từ 2 con/dảnh (khoảng 1.000 con/m2) trở lên thì phải dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu như Actara 25WG, Butyl 10WP, Applaud 2WP, Chess 50WG, Alika 247SC, Map Jono 700WP... để phun trừ.