(QNO) - Song song việc người dân chủ động các phương án sẵn sàng ứng phó thì sự chỉ đạo tích cực của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) huyện Nông Sơn theo phương châm “4 tại chỗ” sẽ đảm bảo giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.
Gia đình anh Ngô Hiền (thôn Tứ Trung 2, xã Quế Lâm) vừa bỏ ra 8 triệu đồng để sửa sang lại chiếc ghe. Ảnh: LÊ THÔNG |
Sắm sửa ghe thuyền
Do địa thế nằm ven sông Thu Bồn nên việc sống chung với lũ hằng năm là chuyện quen thuộc đối với gia đình anh Ngô Hiền cũng như nhiều hộ dân khác ở thôn Tứ Trung 2, xã Quế Lâm. Với tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, gia đình anh Hiền cũng như người dân nơi đây luôn tìm cách để chủ động ứng phó. Ba đứa con anh Hiền còn nhỏ, vì vậy anh sớm sửa soạn lại chiếc ghe để gia đình không bị động khi ứng phó với lụt bão.
“Chiếc ghe nhà tôi mua cách đây hơn 10 năm và đã bắt đầu hư hỏng. Năm nay gia đình dành dụm 8 triệu đồng để sửa mới lại. Có ghe mới, mùa mưa bão năm nay gia đình cảm thấy yên tâm hơn. Hễ nghe thông tin tình hình thời tiết xấu là tôi đưa vợ con lên chỗ cao, đã có sẵn trại dã chiến để trú ẩn” - anh Hiền nói. Hiện nay, toàn thôn Tứ Trung 2 có khoảng 10 chiếc ghe và hầu như nhà nào cũng xây gác lửng để làm nơi trú ngụ khi mưa bão xảy ra.
Không riêng gì anh Hiền, gia đình anh Võ Thành Diệu (cùng thôn) cũng đầu tư gần 13 triệu đồng để đóng mới một chiếc ghe máy. Anh Diệu tâm sự: “Những năm trước, gia đình chưa trang bị phương tiện di chuyển, mỗi lần nghe thông tin lụt bão là cảm thấy lo sợ. Năm nay, vợ chồng tôi quyết tâm đóng một chiếc ghe mới có gắn động cơ. Đây là phương tiện đảm bảo an toàn cho gia đình và sau đó có thể đưa người cùng tài sản của những hộ gần nhà lên chỗ cao ráo”. Hiện nhiều gia đình khác trong thôn Tứ Trung 2 cũng đang kiểm tra lại ghe thuyền, gác xếp, các vật dụng cần thiết để sẵn sàng ứng phó trong mùa mưa lũ sắp tới.
Xác định việc giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân khi có bão lũ xảy ra là một trong những nhiệm vụ quan trọng nên Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão xã Quế Lâm đã ban hành những phương án, kế hoạch cụ thể để chính quyền và người dân chủ động khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Ông Trần Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Quế Lâm, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống lụt bão xã cho biết: “Đến nay, toàn xã đã thành lập 8 đội xung kích ở 5 thôn với 110 thành viên, sẵn sàng ra quân ứng cứu, giúp đỡ nhân dân bị bão lụt đến nơi ở mới an toàn. Đồng thời tuyên truyền, vận động những hộ dân ở vị trí cao sẵn sàng giúp đỡ những hộ vùng thấp lụt đến trú ngụ khi có lũ lụt xảy ra”.
Cảnh giác cao với lũ
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, năm nay tình hình thời tiết thay đổi bất thường, nguy cơ xảy ra thiên tai rất cao. Do đó, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện Nông Sơn đã tiến hành kiểm tra các công trình hồ chứa, các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng, các tuyến giao thông xung yếu để có biện pháp xử lý khi cần thiết.
Lực lượng dân quân tự vệ xã Quế Ninh kiểm tra phương tiện phục vụ khi có bão lũ. Ảnh: LÊ THÔNG |
Năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, trên địa bàn huyện Nông Sơn xảy ra 4 đợt lũ và lốc xoáy làm 3 người chết, 2 người bị thương, 23 ngôi nhà bị sạt lở, 223 ngôi nhà bị ngập. Ngoài ra thiệt hại hơn 217ha lúa mới gieo sạ, 44,4ha bắp bị chìm trong nước và hư hại gần 45ha cây trồng khác. Mưa lũ cũng làm thiệt hại 1ha ao cá, chết 107 con trâu bò… Tổng giá trị thiệt hại 6,25 tỷ đồng. |
Ông Đồng Vĩnh Long - Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ Quế Lộc cho biết: “Hợp tác xã đã chủ động phối hợp với các địa phương có công trình hồ đập là thôn Phước Bình Đông (xã Sơn Viên) và thôn Lộc Tây 2 (xã Quế Lộc) để đưa ra phương án chủ động ứng phó. Ngoài ra tổ chức kiểm tra, sửa chữa các hồ đập, kênh mương dẫn nước trước, trong và sau thiên tai để phục tốt cho sản xuất của nhân dân trên địa bàn; tổ chức trực ban 24/24 giờ nhằm kịp thời ứng phó khi có thiên tai xảy ra”.
Ông Trương Văn Tâm - Phó Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Quế Sơn (phụ trách cả địa bàn Nông Sơn) cho biết, hằng năm Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, Chi nhánh Thủy lợi Quế Sơn thường xuyên quan trắc phát hiện các sự cố rò rỉ để xử lý, kiểm tra kỹ càng các dụng cụ cần thiết, chuẩn bị đầy đủ các vật dụng phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. “Ngoài ra chúng tôi còn xây dựng phương án ứng phó khi có tình huống mất an toàn đập có thể xảy ra và các giải pháp kỹ thuật để dự báo, phát hiện, đối phó, cảnh báo lũ lụt…” - ông Tâm nói.
Ông Lê Ngọc Trung - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, Trưởng ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện cho biết: Nông Sơn đang tập trung chỉ đạo, vận động, tuyên truyền các cấp ngành, địa phương chuẩn bị mọi điều kiện để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng, phương tiện, chỉ huy và hậu cần tại chỗ); tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân địa phương có phương án cụ thể ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị bố trí lực lượng xung kích tổ chức canh gác các điểm giao thông bị ngập lụt. Đồng thời, các địa phương nắm chắc tình hình trước, trong và sau thiên tai để có phương án ứng phó kịp thời; sẵn sàng tổ chức cứu hộ cứu nạn, chăm lo và đảm bảo ổn định đời sống nhân dân; kiểm tra những vùng có nguy cơ sạt lở, di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn.
TÂM LÊ - MINH THÔNG