Đang vào cao điểm hạn hán nên vấn đề thiếu nước sạch sinh hoạt diễn ra khá nghiêm trọng ở nhiều địa phương, trong đó có 5 xã: Quế Trung, Quế Phước, Quế Ninh, Phước Ninh và Quế Lâm (Nông Sơn).
Giếng đào trơ đáy, giếng khoan bỏ hoang
Theo lãnh đạo huyện Nông Sơn, vấn đề thiếu nước sạch ở địa phương không phải mới xảy ra mà đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, những năm gần đây, do ảnh hưởng khắc nghiệt của biến đổi khí hậu và nhiều nguyên nhân chủ quan như phá rừng, làm thủy điện… nên nước sạch trở thành vấn đề bức thiết nhất đối với nhiều người dân Nông Sơn. Toàn bộ 5 xã: Quế Trung, Quế Phước, Quế Ninh, Phước Ninh và Quế Lâm đều thiếu nước sạch trầm trọng. Đặc biệt là vào mùa hè, nước sông xuống thấp khiến cho các giếng đào hàng chục mét dưới lòng đất cũng trơ đáy. Hầu hết người dân phải chắt chiu nguồn nước mưa, nước tự chảy dự trữ vào bể hoặc ra sông gánh nước về dùng.
Nhà máy nước Quế Trung chỉ đáp ứng nhu cầu của 1/3 hộ dân trên địa bàn xã Quế Trung. Ảnh: VINH ANH |
Theo Phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn, năm 2012, huyện đã trích kinh phí 654 triệu đồng để tiến hành thuê người đào 20 cái giếng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân tại 4 xã Quế Lâm, Quế Phước, Quế Ninh và Quế Trung. Nhưng sau 2 năm hoàn thành, chỉ có 17/20 giếng có nước để dùng, mà chủ yếu vào mùa mưa, còn mùa hạn thì khoảng một tháng không có mưa là giếng phần lớn đều trơ đáy. Do tầng nước ngầm thấp nên trung bình mỗi giếng đào phải trên 12m mới hy vọng có nước. Đào giếng khó khăn, tốn kém và chưa chắc có nước nên số lượng giếng do người dân tự đào không nhiều. Người dân vẫn quen dùng nước mưa dự trữ và nước được gánh từ sông lên.
Trong khi đó, số lượng giếng khoan trên địa bàn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trung bình mỗi giếng khoan sâu hàng trăm mét, tốn chi phí khoảng 100 triệu đồng nhưng không phải giếng nào khoan xong cũng có nước và chất lượng không đảm bảo. Tại thôn Dùi Chiêng 2, đầu năm nay, huyện đầu tư hơn 100 triệu đồng để khoan giếng cung cấp nước sạch cho 64 hộ dân trong thôn. Đây là một trong 5 giếng khoan được đầu tư từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và vốn 755 (vốn hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn) với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng/5 giếng. Giếng khoan sâu đến 80m, nước khá nhiều nhưng lại có màu đục và mùi lạ. Phòng NN&PTNT huyện đang đưa nước đi kiểm nghiệm chất lượng nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Trưởng thôn Dùi Chiêng 2, ông Đoàn Ngọc Kim cho biết: “May mắn lắm thôn chúng tôi mới được đầu tư một cái giếng khoan. Nghe tin, người dân ai cũng mừng và mong mỏi chờ đến ngày được dùng nước sạch. Nhưng buồn thay nước lại bị nhiễm phèn, huyện bảo đưa nước đi kiểm nghiệm nhưng mãi không thấy thông tin gì cả”.
Huyện không đủ sức
Hiện nay, Nông Sơn mới có một nhà máy nước sạch được đầu tư. Đó là Nhà máy nước sạch Quế Trung, được xây dựng từ năm 2004 với công suất thiết kế 600m2/ngày đêm, đến năm 2012 - 2014 được đầu tư gần 5 tỷ đồng để nâng cấp. Tuy nhiên, hiện tại nhà máy cũng chỉ đáp ứng nhu cầu nước sạch cho khoảng 750/2.600 hộ dân của xã Quế Trung. Do đó, dù là xã trung tâm của huyện nhưng Quế Trung vẫn thiếu nước sạch như các xã khác. Ông Phan Quang Trung - Đội phó phụ trách Đội quản lý trật tự xây dựng (đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy nước Quế Trung) cho biết: “Công suất thiết kế là 600m2/ngày đêm nhưng thực tế hiện nay chỉ đạt 450m2/ngày đêm. Do đó, lượng nước không đủ cung cấp, đáp ứng nhu cầu cho người dân toàn xã. Với số hộ dân như hiện nay thì phải ít nhất 3 nhà máy nước như thế này mới đủ cung cấp cho người dân”.
Mới đây, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ 1 tỷ đồng cho huyện Nông Sơn để tiến hành khoan 4 giếng, nhằm cung cấp nước sạch kịp thời cho người dân xã Quế Phước và Quế Trung. Ngoài ra, huyện cũng tiến hành khảo sát lại toàn bộ nhu cầu thực tế về nước sinh hoạt của người dân trên toàn huyện để xây dựng đề án riêng về nước sạch giai đoạn 2016 - 2020, trình các cấp xem xét, với 9 công trình nước sinh hoạt. Ông Phạm Phú Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết: “Ngoài thu nhập và những vấn đề khác thì nước sạch là một nhu cầu bức thiết nhất hiện nay đối với người dân Nông Sơn. Nhưng để giải quyết bài toán phải cần phương án dài hơn, có sự đầu tư kinh phí lớn. Điều này một mình huyện không thể làm được mà rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, trung ương và các tổ chức, đơn vị”. Cũng theo ông Thủy, để đầu tư về nước sạch thì huyện xác định không chỉ dựa vào nguồn ngân sách cấp trên mà còn phải tranh thủ từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó huyện cũng tính đến việc kêu gọi xã hội hóa vào lĩnh vực cấp nước. Còn nếu Nhà nước đầu tư thì phải theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tức là Nhà nước đầu tư công trình nước sạch còn người dân phải đóng góp kinh phí để lắp đặt đường ống, trả tiền điện…
VINH ANH