Huyện Nông Sơn đã huy động các nguồn lực hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho trẻ; triển khai nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác chăm sóc, xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
Huy động nguồn lực chăm lo trẻ
Nông Sơn hiện có 6.801 trẻ em (3.281 nam, 3.520 nữ), trong đó số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 387 em, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 105 em.
Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Nông Sơn, công tác truyền thông, phổ biến các quy định pháp luật về trẻ em, công tác chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh từ cấp huyện tới xã/thị trấn.
Nhiều hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng được triển khai.
Huyện cũng tổ chức các hoạt động quảng bá Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), Tổng đài Trung tâm Công tác xã hội Quảng Nam (số 18001581) để mọi người dân và trẻ em liên hệ miễn phí khi có nhu cầu…
Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Nông Sơn phối hợp với các đơn vị tổ chức, các xã/thị trấn trao tặng hàng nghìn suất quà, học bổng, xe đạp cho trẻ em nghèo, trẻ em vượt khó với số tiền hàng trăm triệu đồng. Ban vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em huyện xuất quỹ 42,5 triệu đồng hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, ốm đau đột xuất.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp; sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện.
Huyện cũng tạo điều kiện chăm lo xây dựng đời sống vật chất lẫn tinh thần, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để trẻ em thực hiện quyền, trách nhiệm và phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức. Phong trào bảo vệ, chăm sóc trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được xã hội hóa sâu rộng, thu hút sự quan tâm của các cấp, ngành và xã hội.
Tuy nhiên, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở Nông Sơn còn đối diện với nhiều khó khăn như kinh phí đầu tư cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cấp xã không ổn định, chủ yếu là cán bộ không chuyên trách đảm nhận. Dịch COVID-19 gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, thu nhập, đời sống của nhiều gia đình, chất lượng đời sống không đảm bảo. Nguồn lực đầu tư xây dựng các điểm vui chơi dành cho trẻ em, các trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em còn hạn chế...
Môi trường sống an toàn với trẻ
Gần 2 năm triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, hội LHPN từ huyện đến cơ sở ở Nông Sơn đã nhận đỡ đầu 19 trong tổng số 94 trẻ mồ côi đang được các cơ quan, đơn vị, trường học, cá nhân trong và ngoài huyện nhận đỡ đầu (200 - 300 nghìn đồng/em/tháng).
Theo bà Phan Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội LHPN huyện Nông Sơn, để có thêm kinh phí hỗ trợ cho trẻ mồ côi, cán bộ, hội viên phụ nữ cơ sở còn triển khai các hoạt động gây quỹ như: mô hình “Bữa sáng yêu thương” (Hội LHPN xã Phước Ninh), mô hình “Điểm tâm sáng” (Hội LHPN xã Quế Lâm), mô hình “Nuôi heo đất” (Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Nông Sơn, thị trấn Trung Phước)… Qua đó, động viên, tiếp sức để các em vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Trong 3 năm qua, tại xã Quế Lâm, mô hình “Ngôi nhà an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại thôn Tứ Nhũ, do Hội LHPN xã Quế Lâm xây dựng là một điểm sáng trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Thành lập từ năm 2020, mô hình thu hút 24 cặp thành viên tham gia xây dựng mái ấm an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Qua các buổi sinh hoạt, các cặp vợ chồng đã thay đổi về nhận thức và hành động, biết lắng nghe và sẻ chia hơn. Năm 2022, mô hình đã nhận chăm sóc nuôi dưỡng em Phạm Trúc Ly, một trẻ em mồ côi cha với mức hỗ trợ 200 nghìn đồng/tháng và hỗ trợ 1 bồn chứa nước trị giá 2,5 triệu đồng cho gia đình em.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ, huyện tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường quản lý nhà nước của các cấp, ngành đối với công tác bảo vệ trẻ em; phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước.
Tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh để mọi trẻ em đều được bảo vệ, giảm nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Chú trọng bảo vệ trẻ em để không bị xâm hại; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội để phát triển.
“Cùng với hoạt động thăm, tặng quà cho trẻ em, huyện chỉ đạo các trường, địa phương ra mắt câu lạc bộ bơi lội, bóng đá, bóng chuyền, tiếng Anh. Qua đó, trang bị kiến thức, tạo điều kiện cho trẻ tham gia các sân chơi lành mạnh, bổ ích” - bà Thủy nói.