Nông thôn khởi sắc

NGUYỄN SỰ 18/12/2020 08:01

Hôm nay 18.12, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 – 2020. Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể nói nông nghiệp - nông thôn xứ Quảng có bước chuyển biến mạnh mẽ.

Nhiều làng quê của xứ Quảng thực sự khởi sắc từ Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: VĂN SỰ
Nhiều làng quê của xứ Quảng thực sự khởi sắc từ Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: VĂN SỰ

Nông nghiệp chuyển biến tích cực

Nhờ lĩnh vực kinh tế phát triển mạnh, 10 năm qua đời sống người dân nông thôn xứ Quảng cải thiện đáng kể. Theo thống kê mới nhất, năm 2020 này thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn Quảng Nam đạt 40,5 triệu đồng, tăng 30,3 triệu đồng so với năm 2010 và tăng 19,4 triệu đồng so với năm 2015. Hiện tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5,3%, giảm hơn 18,9% so với năm 2010 và giảm hơn 4,73% so với năm 2015.

Trao đổi với PV Báo Quảng Nam, ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nói, trên hành trình xây dựng NTM 10 năm qua, địa phương đặc biệt quan tâm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập. Đây là đòn bẩy quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi chương trình NTM, nhất là tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 11 về hộ nghèo. Hiện mỗi vụ nông dân trên địa bàn huyện sản xuất 4.300ha lúa và 2.800ha hoa màu.

Những năm gần đây vụ nào năng suất lúa bình quân của Đại Lộc cũng đạt 62 - 64 tạ/ha, tăng 6 - 8 tạ/ha so với năm 2010 trở về trước. Nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, nhất là đẩy mạnh liên doanh, liên kết nên hằng năm các hợp tác xã nông nghiệp của huyện đứng ra làm khâu trung gian để nhiều doanh nghiệp “bắt tay” với nông dân địa phương sản xuất khoảng 1.500 - 1.700ha lúa giống hàng hóa.

Mô hình liên kết này không chỉ giúp người dân yên tâm về đầu ra sản phẩm mà thu nhập cũng tăng thêm từ 600 nghìn đồng đến 4 triệu đồng/sào/vụ, tùy vào việc sản xuất hạt giống lúa thuần hay lúa lai. Trong khi đó, nhờ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, nên hiện nay bình quân mỗi năm 1ha đất màu chuyên canh - xen canh - gối vụ các loại cây công nghiệp ngắn ngày, rau đậu chủ lực của Đại Lộc cho mức thu nhập khoảng 160 - 250 triệu đồng, tăng 50 - 70 triệu đồng/ha/năm so với cách đây 10 năm.

Không riêng Đại Lộc, tại các địa phương khác của tỉnh, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, thời gian qua quy mô và trình độ sản xuất của nông dân được nâng cao. Sản xuất chuyển mạnh sang hướng hàng hóa và phát huy tối đa lợi thế của mỗi địa phương, vùng gắn với thị trường trong nước cũng như quốc tế. Năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản tăng lên đáng kể. Toàn tỉnh đã tiến hành dồn điền đổi thửa 18.455ha đất nông nghiệp và huy động nhiều kênh vốn đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng... để hình thành hơn 140 cánh đồng mẫu lớn. Trên các cánh đồng mẫu lớn, chính quyền các địa phương và những hợp tác xã nông nghiệp hỗ trợ nông dân liên kết với hơn 45 doanh nghiệp sản xuất mỗi năm 4.000ha lúa giống và 2.000ha cây trồng cạn như bắp, đậu xanh, đậu phụng, ớt, dưa hấu...

“Thực tế cho thấy, so với làm lúa thương phẩm, liên kết sản xuất giống lúa thuần giúp thu nhập của nông dân tăng thêm 20 - 25%, còn sản xuất lúa lai thì giá trị kinh tế cao gấp 2 – 3 lần. Trong khi đó, mô hình liên kết sản xuất ớt tại Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc mang lại cho nhà nông từ 200 - 300 triệu đồng/ha/vụ” - ông Tích nói.

Nông thôn khởi sắc

Là địa phương có vùng nông thôn rộng lớn, có 9 huyện miền núi (trong đó 6 huyện miền núi cao thuộc diện nghèo) nên khi bắt tay vào triển khai xây dựng NTM, Quảng Nam đối mặt với nhiều thách thức. Thời điểm cuối năm 2010, toàn tỉnh có 163 xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó 48 xã chưa đạt tiêu chí nào; bình quân số tiêu chí NTM đạt chuẩn của tỉnh là 2,61 tiêu chí/xã. Trong khi đó, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng NTM còn nhiều tồn tại. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đầu tư chưa đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu, nhất là giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, nước sạch... ở hàng loạt xã còn rất khó khăn...

Trong 10 năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, tiến trình xây dựng NTM ở Quảng Nam gặt hái nhiều thành quả quan trọng. Theo ông Nguyễn Anh Tài - Trưởng phòng Kế hoạch & nghiệp vụ thuộc Văn phòng điều phối NTM tỉnh, giai đoạn 2010 - 2020, Quảng Nam đầu tư hơn 33.432 tỷ đồng cho chương trình NTM. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hơn 14.510 tỷ đồng (chiếm 43,4%), vốn tín dụng hơn 16.174 tỷ đồng (chiếm 48,4%), vốn huy động từ các doanh nghiệp và hợp tác xã hơn 882,4 tỷ đồng (chiếm 2,6%), vốn nhân dân đóng góp quy ra giá trị hơn 1.865 tỷ đồng (chiếm 5,6%).

“Với nguồn kinh phí trên, tỉnh ưu tiên hỗ trợ các địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu như hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, điện, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt văn hóa, khu thể thao, chợ, nước sạch... Đồng thời hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế hợp tác, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và một số lĩnh vực khác” - ông Tài nói.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết, tính đến giữa tháng 12.2020 bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của 200 xã xây dựng NTM trên toàn tỉnh là 16,02 tiêu chí/xã, tăng 4,52 tiêu chí/xã so với năm 2015 và tăng 13,41 tiêu chí/xã so với năm 2010. Dự kiến, đến cuối năm nay cả tỉnh có 116 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm tỷ lệ 58%), đạt mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 đề ra.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông thôn khởi sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO