Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, xã Ba - được xem là vùng đất của dân ngụ cư, đang dần đổi thay nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
Chuyển biến
Xã Ba có phần lớn dân cư là những công nhân Nông trường Quyết Thắng di dân từ những năm đầu giải phóng, hiện là một trong 3 xã điểm xây dựng NTM của huyện Đông Giang. Được đánh giá là địa phương có nhiều đột phá, lại sở hữu những đặc điểm thuận lợi về giao thông, vị trí địa lý, tài nguyên… nên xã Ba nhanh chóng gặt hái được nhiều thành quả từ chương trình xây dựng NTM. Với 6/19 tiêu chí đã đạt được, cùng những hiệu quả bước đầu trong việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, địa phương được coi là một trong những điểm sáng trong công cuộc xây dựng NTM tại vùng cao.
Thị tứ Trung Mang đang dần khởi sắc từ chương trình NTM. |
Tống Coói (xã Ba) là một trong 2 thôn triển khai thí điểm mô hình tổ hợp tác; sử dụng, vận hành máy cày tay D8 và ủ phân xanh với chế phẩm vi sinh Techoderma từ nguồn hỗ trợ trong chương trình NTM. Anh Mạc Văn Nhớ (một người dân hưởng lợi từ chương trình), phấn khởi: “Lâu ni làm lúa, làm rẫy bằng tay chân hết, giống cũ, làm theo truyền thống nên năng suất không cao. Nhờ được hỗ trợ, rồi tập huấn kỹ thuật, người trong thôn đã áp dụng máy cày, sử dụng phân bón, giống mới theo đúng quy trình nên năng suất tăng cao hơn rất nhiều so với trước”.
Ông Phan Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Ba cho biết, mô hình sản xuất ở thôn Tống Coói nằm trong đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn, giai đoạn 2012 - 2013 và định hướng đến năm 2020 của xã. Với phương án phát triển sản xuất theo nguồn vốn NTM, đến nay toàn xã đã duy trì sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích gieo trồng 207ha (đạt năng suất bình quân 3,06 tấn/ha), nâng tổng sản lượng hơn 633 tấn. Người dân cũng được đào tạo và cấp chứng nhận các lớp tập huấn nghề được chính quyền xã phối hợp Trường Dạy nghề Bắc Quảng Nam tổ chức. Ngoài ra, nhiều mô hình mới nhằm đa dạng sinh kế cho người dân như mô hình nuôi nhím sinh sản cho 26 hộ dân tại 6 thôn trên địa bàn xã, mô hình nuôi bò, phát triển đàn gia súc, gia cầm... đã mang lại những tín hiệu tích cực. “Từ nguồn vốn của chương trình NTM, chính quyền xã đã đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đa dạng các loại hình sinh kế giúp phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống cho người dân địa phương” - ông Bình cho hay.
Diện mạo mới
Nhận định về công tác triển khai xây dựng NTM trên địa bàn xã Ba, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng nói: “So với các địa phương khác ở miền núi, xã Ba là một trong những điểm sáng trong công cuộc xây dựng NTM. Những tiềm năng về vị trí địa lý, điều kiện kinh tế, xã hội sẽ tiếp tục là nguồn lực bền vững để địa phương phát huy lợi thế, hoàn thành các tiêu chí còn lại trong thời gian đến. Tuy nhiên cần cân nhắc về việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, lấy bản sắc văn hóa làm gốc trong công cuộc đổi mới”. |
Là cửa ngõ của huyện Đông Giang, nơi giáp ranh với TP.Đà Nẵng và nằm trên tuyến đường huyết mạch quốc lộ 14G lên đường Hồ Chí Minh, xã Ba có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình dịch vụ, vận tải, du lịch... Đặc biệt, thị tứ Trung Mang (trung tâm của xã Ba, xã Tư và xã A Ting) được xem là một trong những khu vực phát triển dịch vụ tương đối mạnh của vùng. Chương trình NTM trở thành nguồn lực đáng kể để phát triển các tiềm lực của vùng, như xây dựng chợ trung tâm kiên cố, khang trang, cải tạo các tuyến đường giao thông quan trọng, phát triển các loại hình thương mại – dịch vụ và bước đầu triển khai đầu tư cho du lịch tại một số địa điểm.
Ông Alăng Đinh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Ba cho biết, bên cạnh đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng, đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân dựa trên những lợi thế về nông - lâm nghiệp cũng đã bước đầu được triển khai và mang lại hiệu quả. Nhờ duy trì phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn là Công ty TNHH một thành viên Nông trường Quyết Thắng và Công ty Cao su Đông Giang, diện tích cây cao su, chè và keo lai được mở rộng lên đến hơn 1.500ha. Thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể so với trước. Mạng lưới đường giao thông nông thôn được bê tông hóa mở rộng với chiều dài hơn 22km, hệ thống kênh ương thủy lợi đạt chuẩn với 8,2km; trên 98% hộ dân sử dụng điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất; các công trình trường học, trạm y tế, chợ búa, nhà ở dân cư… từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp theo tiêu chuẩn mới, đảm bảo nhu cầu về đời sống sinh hoạt của người dân bản địa... Thị tứ Trung Mang - khu trung tâm hành chính xã Ba hôm nay đang khoác trên mình màu áo mới, ghi dấu một diện mạo mới đang dần khởi sắc.
P.GIANG - L. A CÚI