Nông thôn mới ở Nam Giang: Không thể... trắng mãi

TRUNG VIỆT 16/02/2023 07:14

Nam Giang là một trong hai huyện của cả nước chưa có xã nông thôn mới. Nhiều người xem đây là điều lạ, thậm chí… nghĩ không ra, là tại sao như thế, khi Nam Giang so với Nam Trà My, Tây Giang thì lợi thế hơn nhiều?

Thu nhập của dân Nam Giang còn phụ thuộc vào nông nghiệp với kỹ thuật canh tác còn lạc hậu. Ảnh: T.V
Thu nhập của dân Nam Giang còn phụ thuộc vào nông nghiệp với kỹ thuật canh tác còn lạc hậu. Ảnh: T.V

Con số thống kê cho thấy, đến cuối năm 2022, về tiêu chí nông thôn mới (NTM) thì Nam Giang đạt trung bình 13,18 tiêu chí/xã, trong đó cao nhất là Tà Bhing 17/19 tiêu chí, La Dê 15/19 tiêu chí, các xã còn lại từ 10 - 14 tiêu chí. Số thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu năm 2022 là 0/8 thôn… Câu trả lời cho thắc mắc trên là do điều kiện miền núi khó khăn, thu nhập của dân còn phụ thuộc vào nông nghiệp với kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Đánh giá của UBND huyện Nam Giang cho thấy, khó khăn từ cán bộ và chính sách còn nhiều, cụ thể là văn bản lĩnh vực này được ban hành nhiều, trong khi đó địa phương xử lý, cập nhật lại chậm; ban chỉ đạo, điều hành các cấp chưa được phân công rõ ràng, vào cuộc chưa quyết liệt; thiếu cán bộ chuyên trách ở ngay cấp huyện nên tham mưu, lập kế hoạch, thông tin báo cáo chưa kịp thời; cán bộ chuyên trách NTM tại các xã thay đổi thường xuyên nên không nắm hết công việc; đầu tư từ lúc lập hồ sơ báo cáo đến thanh quyết toán chậm; các địa phương không thực hiện đánh giá tiêu chí và báo cáo định kỳ; triển khai tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, giảm nghèo còn khó khăn; chỉ đạo lúng túng…

 

Ông Hồ Viết Căn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện thông tin, trong các tiêu chí, thì tiêu chí từ 1 đến 9, 15 đến 19 cơ bản thuận lợi; khó khăn nhất là các tiêu chí 10, 11, 13. Ông Căn nói: “Đó là các tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập, tổ chức sản xuất. Nguyên nhân vẫn là xuất phát điểm thấp. Cả huyện còn hơn 44% hộ nghèo”.

Năm 2023, huyện quyết tâm dồn sức ưu tiên để hai xã La Dê và Tà Bhing về đích NTM. Theo ông Căn, giải pháp ưu tiên là tập trung nguồn lực phát triển sản xuất, thu hút doanh nghiệp, tạo việc làm để La Dê năm 2025 về đích, còn Tà Bhing là năm 2024. Trong đó, ưu tiên làm theo nhóm hộ để người có kiến thức, tiềm lực kinh tế khá giúp người không kiến thức, nghèo.

Quan điểm của huyện là không phân bổ nguồn lực tràn lan, không có chuyện đưa cây con đại trà; ai không làm được hoặc không quyết tâm làm là không giao. Bởi thực tế nhiều năm qua cho thấy đầu tư dàn trải từ tiền đến nguồn giống thì chỉ đưa đến thất bại. Huyện chỉ đạo làm theo cộng đồng, liên kết chuỗi giá trị chứ không thể làm riêng lẻ, mạnh ai nấy làm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không hề dễ, nếu soi kỹ lại các xã đạt tiêu chí cao, đều có lỗ hổng. Vậy, nếu 2 xã trên của Nam Giang về đích, thì mối lo “hậu” NTM là gì? Ông Căn nói: “Sợ nhất là tiêu chí thu nhập sau khi hoàn thành, rất dễ rớt. Ngoài chuyện thu nhập ở miền núi khó ổn định, thì quy định của Trung ương là NTM thì thu nhập phải tăng 3 triệu đồng/năm.

Ví dụ năm 2025, bình quân sẽ là 48 triệu đồng/người/năm. Gia đình 4 người, thì vợ chồng phải làm ra ít nhất 16 triệu đồng/tháng/2 người, chia đều ra cho 4 người. Bà con phần lớn làm nông, hoặc gia đình có người dù làm công nhân, thì chắc chắn cũng không bao giờ đạt được số tiền đó. Rất khó”.

Bài toán cam go. Nhưng phải quyết tâm xóa “trắng NTM”, bởi không làm thì sẽ không có đầu tư từ tiền bạc đến chính sách và phương hướng, cách thức làm ăn, tạo bước chuyển ở miền núi. Nhưng bài học tại các địa phương cho thấy: đã làm là phải căn cơ, đừng vì áp lực chỉ tiêu mà làm cho xong, sau đó lại phải gồng lên làm lại.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông thôn mới ở Nam Giang: Không thể... trắng mãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO