Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới tại huyện Núi Thành đã tạo diện mạo mới cho các làng quê, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Diện mạo mới
Nhà văn hóa thôn Phú Bình (xã Tam Xuân 1) rất khang trang. Ông Lê Ngọc Dũng - Bí thư kiêm Trưởng thôn Phú Bình cho biết, địa phương đã vận động người dân, các nhà hảo tâm đóng góp 30 triệu đồng để dọn dẹp khuôn viên, đổ đất, san ủi, làm nền, khoác “áo mới” cho nhà văn hóa thôn.
Bằng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới (NTM), UBND xã Tam Xuân 1 đã hỗ trợ 270 triệu đồng để láng bê tông sân, xây tường rào, cổng ngõ. Người dân trong thôn tiếp tục đóng góp để trồng 7 cây lộc vừng. Một cá nhân đã góp thêm 15 triệu đồng để xây các bồn hoa. “Nhà văn hóa thôn là bộ mặt của làng quê Phú Bình, nên được xây dựng rất kiên cố, đẹp đẽ” - ông Dũng nói.
Ông Huỳnh Văn Cường - Trưởng phòng VH-TT huyện Núi Thành cho biết, huyện xác định nhiều nội dung triển khai để tạo đòn bẩy cho xây dựng đời sống văn hóa gắn với NTM. Huyện sẽ sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 122 về xét tặng danh hiệu “gia đình văn hóa”, “thôn văn hóa”, “làng văn hóa”, “tổ dân phố văn hóa” để tạo cú hích mới. Kiểm tra, phúc tra thực hiện phong trào tại các địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao; phát triển sâu rộng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở các địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Thôn Phú Bình vừa được UBND huyện Núi Thành khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng đạt chuẩn văn hóa NTM. Ông Lê Văn Dũng cho biết, các tuyến đường ở thôn đều được điện thắp sáng vừa tạo cảnh quan vừa đảm bảo an ninh.
Hằng tháng, người dân tự nguyện gọi nhau ra quân dọn dẹp đường làng lối xóm xanh sạch đẹp. Đến nay, 99% người dân tham gia bảo hiểm xã hội và trang bị tủ thuốc gia đình. Trẻ em đều được tiêm chủng đầy đủ; không có trẻ em suy dinh dưỡng. Phong trào thể dục, thể thao của người dân Phú Bình sôi động, đoạt nhiều giải ở xã và góp nguồn lực cho xã trong các cuộc thi cấp huyện. Sân nhà văn hóa luôn sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ.
“Người dân đều đặn chơi cầu lông buổi sáng, bóng chuyền buổi chiều, còn tối tập thể dục dưỡng sinh. Toàn thôn luôn đảm bảo an ninh trật tự, người dân đoàn kết, tương thân tương ái” - ông Dũng cho biết.
Tam Mỹ Đông là xã duy nhất được UBND huyện Núi Thành khen thưởng trong đợt vừa qua nhờ đã có các thành tích nổi bật trong xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa NTM.
Bà Ngô Thị Bé - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Đông cho biết, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư gắn với xây dựng NTM trên địa bàn đã mang lại sức sống mới cho làng quê.
Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo vươn lên khá, giàu; nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được nhân rộng; nhiều tấm gương lao động, sản xuất được biểu dương. Công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng đời sống văn hóa, giáo dục, y tế ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy sáng tạo, năng động của người dân.
Vai trò người dân
Xây dựng đời sống văn hóa gắn với NTM giữ vai trò cốt yếu trong nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp.
Bà Ngô Thị Bé cho rằng, nếu như đầu tư các yếu tố hạ tầng cần kinh phí lớn thì các tiêu chí liên quan đến văn hóa không cần nhiều kinh phí và thu được hiệu quả cao nếu biết cách làm và biết vận động người dân hưởng ứng.
Tiêu biểu như cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” triển khai thường xuyên, được nhân dân hưởng ứng, góp phần tiêu thụ hàng nội địa, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế của mỗi hộ gia đình.
Về bảo vệ môi trường, khi xã phát động, đông đảo người dân tham gia với các phần việc dọn vệ sinh làng xóm, trồng cây xanh ở các nhà văn hóa, phân loại rác thải, hạn chế sử dụng bao nu lon...
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với NTM ở huyện Núi Thành đã thực sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo môi trường đáng sống ở các làng quê.
Ông Nguyễn Chí Dân - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho rằng, để phong trào ngày càng lan tỏa, phát huy thêm các giá trị, rất cần sự đồng thuận, thống nhất cao của đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhất là các tầng lớp nhân dân. Bởi vậy, các ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức.
Cần lồng ghép tuyên truyền, vận động qua các hoạt động sinh hoạt tập thể, các hội nghị, cuộc họp tại khu dân cư, qua hệ thống truyền thanh, băng rôn, pa nô, khẩu hiệu... để người dân xác định rõ trách nhiệm, vai trò chủ thể trực tiếp.