(QNO) - Hãng tin Bloomberg cho biết, thời tiết cực đoan, xung đột và lệnh cấm xuất khẩu khiến an ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa.
Thời tiết khắc nghiệt bao gồm hạn hán, mưa lớn kéo dài, lũ lụt nặng nề đang tàn phá các trang trại từ châu Á, châu Âu đến Bắc Mỹ. Mùa màng thất bát, sản lượng trái cây và sữa đều đang chịu áp lực.
Sự xuất hiện gần đây của kiểu thời tiết El Nino có thể gây thêm thiệt hại cho ngành nông nghiệp, khó khăn chồng chất lên nhà nông.
Lũ lụt đến ngay sau những đợt nắng nóng kỷ lục tại Ấn Độ đang là thời điểm quan trọng của vụ mùa hè thu đang gây quan ngại đối với việc bảo đảm nguồn cung lương thực toàn cầu.
Giá gạo ở châu Á gần đây đạt mức cao nhất trong hai năm do các nhà nhập khẩu tích trữ hàng tồn kho.
Tuần trước, Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới cấm bán ra nước ngoài loại gạo trắng thường, chiếm 25 - 30% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Đây cũng là mặt hàng lương thực chính của khoảng một nửa dân số thế giới.
Ấn Độ cho biết đây nỗ lực của chính phủ nhằm kiểm soát giá lương thực đang tăng mạnh tại nước này. Giá gạo bán lẻ ở Delhi tăng khoảng 15% trong năm nay trong khi giá trung bình trên toàn Ấn Độ tăng 9%.
Những trang trại tại Nam Âu - nơi cung cấp phần lớn sản lượng rau củ cho châu lục cũng báo cáo thiệt hại khi bò sản xuất ít sữa hơn, cà chua đang bị hủy hoại, sản lượng ngũ cốc giảm nhiều...
Cạnh đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, việc Nga tuyến bố chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.
Thái Lan yêu cầu nông dân hạn chế trồng lúa chỉ một vụ trong năm nay do nguy cơ hạn hán. Ở Trung Quốc, nhiệt độ cao có thể sẽ khiến vụ mùa chín sớm, ảnh hưởng đến năng suất.
Ông Tim Benton - chuyên gia an ninh lương thực tại Tổ chức tư vấn Chatham House ở London (Anh) nói: "Tất cả chúng ta đang chống chọi tác động của lạm phát. Dù lạm phát đang giảm dần, nhưng không có nghĩa là giá cả sẽ giảm, mà chỉ là tăng chậm hơn".
Bloomberg nhận định, những rủi ro đe dọa an ninh lương thực toàn cầu vừa nêu trên là "một đòn mới đối với người tiêu dùng - những người mới bắt đầu nhận thấy một số tin tốt hơn sau một thời gian dài siết chặt chi tiêu".
Theo Hội Nông dân Coldiretti của Italia, thiệt hại liên quan đến thời tiết đối với nông nghiệp năm nay tại nước này sẽ vượt xa mức thiệt hại 6 tỷ euro của năm ngoái.
Hạn hán khiến sản lượng ngũ cốc ở Italia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ thấp hơn tới 60% so với năm ngoái, góp phần vào vụ thu hoạch ngũ cốc tồi tệ nhất của châu Âu trong 15 năm qua.
Nhà nông học Lorenzo Bazzana của Coldiretti nói: “Đây không chỉ là một mùa hè nóng bức bình thường. Người ta cho rằng thực vật nên thích nghi với sự thay đổi khí hậu, nhưng chúng không thể thích nghi với khí hậu liên tục thay đổi nhanh chóng và đột ngột như vậy".
Ngày 19/7 vừa qua, giá lúa mì ở châu Âu tăng 8,2% lên mức 253,75 USD/tấn, giá bắp tăng 5,4%, giá lúa mì tương tại Mỹ tăng thêm 8,5% - mức tăng hằng ngày cao nhất kể từ tháng 2/2022 khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra.