Văn hóa - Văn nghệ

NSƯT Quang Hào: Nặng lòng với quê hương

TÚ PHƯƠNG 17/03/2024 13:43

Hơn 20 năm gắn bó cùng con đường âm nhạc, những nỗ lực không ngừng từ ca sĩ, sáng tác nhạc, đạo diễn - chỉ đạo nghệ thuật, cho đến làm công tác quản lý, Quang Hào vẫn..."máu lửa" bởi khí chất Quảng và tính cách con nhà lính anh thừa hưởng.

quang-hao-anh-9.jpg
NSƯT Quang Hào trong một chương trình nghệ thuật. Ảnh: NVCC

Quang Hào vừa được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (tháng 3/2024). Đây là sự tưởng thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của anh cùng hành trình làm nghệ thuật.

Lối rẽ ở tuổi 32

Năm 2012, Quang Hào từ Hà Nội về Đà Nẵng đầu quân cho Đoàn ca múa nhạc Nhà hát Trưng Vương. Bạn bè và khán giả yêu mến anh ở thủ đô đều cảm thấy tiếc nuối.

Sau hơn 10 năm học tập tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội và lập nghiệp xa nhà, Quang Hào chọn lối rẽ ở tuổi 32. Dẫu biết, sự lựa chọn ấy có phần mạo hiểm.

Bởi, miền Trung không hội đủ những điều kiện thuận lợi để làm nghệ thuật chuyên nghiệp như Hà Nội hay Sài Gòn. Nhưng chàng ca sĩ quê Hiệp Đức vẫn quyết định phát triển sự nghiệp ở thành phố sông Hàn, nơi cùng “khúc ruột” và cùng chảy mạch nguồn văn hóa với mảnh đất có rượu hồng đào, chưa mưa đà thấm.

Năm 2005, Quang Hào giành được giải Nhì cuộc thi Sao Mai toàn quốc. Đây là danh hiệu đã chắp cánh cho anh bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.

Nhưng có lẽ, cái nôi văn hóa xứ Quảng với điệu hò, điệu lý, tiếng trống chiến trống chầu… cùng tính cách Quảng ít nhiều góp phần định danh chàng ca sĩ Quang Hào. Một chất giọng nam trầm ngọt ngào, sâu lắng cùng tính cách hào sảng, khoáng đạt của người Quảng Nam.

Thừa hưởng từ nền văn nghệ dân gian xứ Quảng, Quang Hào chọn theo đuổi dòng nhạc dân gian là lẽ hiển nhiên. Anh nói rằng, đó là định mệnh.

Bởi tình cảm dành cho quê hương tựa con sóng, có lúc dịu êm, lúc cuộn chảy. Dù Quang Hào vẫn thăng hoa, bay bổng cùng rất nhiều dòng nhạc khác: nhạc cách mạng, nhạc nhẹ và cả bolero.

“Mình may mắn được học âm nhạc với các thầy như NSND Quý Dương, NSND Dương Minh Đức, NSND Mạnh Chung. Đồng thời có cơ duyên gặp gỡ những người thầy, là nhạc sĩ An Thuyên và nhạc sĩ Đức Trịnh.

Phong cách âm nhạc và cách làm nghệ thuật của mình chịu ảnh hưởng từ các thầy. Có thầy đã về cõi vĩnh hằng, nhưng mình đã và đang phấn đấu mỗi ngày để không phụ sự kỳ vọng của các thầy”, Quang Hào chia sẻ.

quang-hao-anh-2(1).jpg
NSƯT Quang Hào miệt mài với chặng đường nghệ thuật suốt 20 năm. Ảnh: NVCC

Thời gian đầu mới về Đà Nẵng, Quang Hào rơi vào trạng thái chông chênh. Anh nhớ giảng đường Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội, nhớ sân khấu Hà Nội, nhớ những người bạn gắn bó từ thuở hàn vi đến lúc cùng trưởng thành từ giải Sao Mai.

Đà Nẵng không có nhiều đất diễn cho ca sĩ. Thu nhập của Quang Hào theo đó giảm sút, nhưng nỗi khát khao làm nghệ thuật chuyên nghiệp vẫn cháy bỏng. Không ít lần anh muốn trở lại thủ đô. Tuy nhiên, thấy cha mẹ ngày càng cao tuổi, lại thêm tình cảm nồng hậu của khán giả và bạn bè ở hai vùng quê, anh cứ lần lữa.

Cho đến giờ, gần 12 năm trôi qua, chàng ca sĩ chân ướt chân ráo về quê ngày nào giờ đã là Giám đốc Nhà hát Trưng Vương. Một người đàn ông có nhiều trải nghiệm nên chính sự sáng tạo, tư duy làm nghề và giọng hát cũng chất chứa suy niệm về cuộc đời.

Song hành vai trò quản lý và nghệ sĩ

Với Quang Hào, vị trí giám đốc Nhà hát Trưng Vương là một vai đầy thử thách. Bởi người nghệ sĩ đứng trên sân khấu chỉ cần chú ý kỹ thuật thanh nhạc và cảm xúc qua mỗi ca khúc. Nhưng ở vai quản lý, anh phải vừa lo phát triển hoạt động nghệ thuật của nhà hát, vừa lo cơm áo gạo tiền cho hơn 70 người. Nhiệm vụ nào cũng không hề giản đơn.

Quang Hào chia sẻ: “Việc xoay xở, chèo lái nhà hát, nhất là trong những năm dịch bệnh rất khó khăn. Mệt mỏi có, nản lòng cũng có, nhưng sợi dây nghĩa tình của đồng nghiệp và khán giả đã níu giữ, giúp mình vượt qua những chênh chao, va đập”.

Thời điểm đó, tân Giám đốc Nhà hát Trưng Vương bắt tay xốc lại đội ngũ, đề xuất cơ chế chiêu mộ các giọng ca, diễn viên múa, nhạc công từ khắp mọi miền đất nước.

Anh tổ chức mời các nghệ sĩ quốc tế đến nhà hát tập huấn thanh nhạc, kỹ năng biểu diễn sân khấu và kỹ năng giải phóng hình thể. Cạnh đó, Nhà hát Trưng Vương còn tổ chức cuộc thi “Giọng hát hay Đà Nẵng mở rộng” để tìm kiếm tài năng…

quang-hao-anh-1(1).jpg
NSƯT Quang Hào miệt mài với chặng đường nghệ thuật suốt 20 năm. Ảnh: NVCC

Song, COVID-19 bùng phát đã làm gián đoạn các kế hoạch. Quyết không để mọi hoạt động của nhà hát đình trệ, Quang Hào tổ chức những chương trình nghệ thuật không có khán giả và phát livestream nhằm lan tỏa năng lượng tích cực, cổ vũ người dân vững niềm tin. Có hôm trực nhà hát trong những ngày Đà Nẵng phong tỏa, Quang Hào đã một mình biểu diễn livestream.

Không những thế, anh còn lái xe chuyển vật phẩm hỗ trợ đến các trung tâm y tế thuộc vùng ven Đà Nẵng và tuyến đầu chống dịch ở Quảng Nam.

Các nghệ sĩ Nhà hát Trưng Vương giờ đây không còn xa lạ với khán giả Đà Nẵng. Lần đầu tiên nhà hát đưa các chương trình nghệ thuật mang tên “Âm nhạc và cuộc sống - Sắc màu Trưng Vương”, “Sing with me” xuống phố định kỳ, phục vụ người dân địa phương và du khách. Các nghệ sĩ của nhà hát cũng xuất hiện trong những chương trình nghệ thuật lớn của TP.Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.

Hành trình âm nhạc hơn 20 năm của Quang Hào được ghi dấu bằng hàng loạt sản phẩm, trong đó có nhiều album về quê hương cũng như rất nhiều ca khúc do chính anh sáng tác.

Thành quả lớn nhất trong hành trình của Quang Hào đến thời điểm này, là chính anh đã định vị được chỗ đứng trong lòng đồng nghiệp và công chúng ở các vai trò khác nhau. Quang Hào nói, niềm hạnh phúc của anh là Nhà hát Trưng Vương giờ đây có đủ năng lực tổ chức và biểu diễn những chương trình nghệ thuật quy mô lớn.

NSND Dương Minh Đức bày tỏ niềm tự hào về học trò của mình: “Là nghệ sĩ, Quang Hào luôn nỗ lực trở thành Nghệ sĩ ưu tú và sẽ tiếp tục phấn đấu thành Nghệ sĩ nhân dân. Chặng đường đó cần có thời gian nhưng tôi cảm nhận Quang Hào sẽ làm tốt những điều thầy mong muốn”.

Làm giám khảo nhiều cuộc thi âm nhạc và từng dẫn nhiều chương trình có Quang Hào tham gia, nhà báo Minh Đức luôn ấn tượng về chàng ca sĩ hát “Tiếng đàn bầu”, “Mái đình làng biển”, “Hồn đá quê tôi” ở giải Sao Mai 2005.

“Nghe Quang Hào hát, có lẽ chẳng ai nghĩ Quang Hào hát được nhạc xưa, vì năng lượng từ anh tỏa ra quá mạnh, dường như phù hợp với dòng dân gian đương đại đang lên ngôi lúc đó.

Sau này, khi Quang Hào ra album bolero “Chuyện thì thầm”, tôi đã chọn và phát sóng một số bài trong chương trình của mình. Nhiều thính giả phản hồi rằng họ tưởng Quang Hào chỉ hát nhạc cách mạng, không ngờ hát nhạc xưa ngọt và mùi đến thế.

Thành công mà Quang Hào có ngày hôm nay trong vị trí lãnh đạo Nhà hát Trưng Vương và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho thấy việc anh chọn trở về quê hương là hoàn toàn đúng. Một nghệ sĩ tài năng đích thực thì ở đâu cũng cống hiến được”, nhà báo Minh Đức nói.

Với Quang Hào, tình yêu nghệ thuật hẳn đã trở thành huyết quản trong anh. Dẫu chặng đường làm nghề có lúc tưởng là một dòng sông đứt đoạn, nhưng rồi dòng sông ấy cứ âm thầm, mải miết chảy và chở những con sóng tiếp tục vỗ vào bờ…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
NSƯT Quang Hào: Nặng lòng với quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO