“Có người con gái Cẩm Thanh/ Là Võ Thị Hóa rạng danh anh hùng/ Mười ba tuổi tham gia cách mạng/ Có sợ chi bom đạn kẻ thù…”.
Khi thực hiện tập phim tài liệu về cuộc chiến tranh cách mạng trên quê hương rừng dừa Bảy Mẫu, Cẩm thanh, TP.Hội An (địa phương đi đầu phong trào diệt ấp phá kèm, giải phóng hoàn toàn xã Cẩm Thanh, thị xã Hội An vào ngày 27.9.1964 với huyền thoại “Đứng lên bằng súng bẹ dừa/ Quê ta đồng khởi Mỹ thua ngụy ngào”), thật may mắn tôi đã được gặp những người con ưu tú của mảnh đất này từng kinh qua năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ấn tượng đặc biệt làm tôi nhớ mãi, đó là nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Hóa.
1. Với sự niềm nở, nhiệt tình và khá trẻ trung so với tuổi về hưu nên ban đầu tôi cứ ngỡ chị là cán bộ đang công tác ở địa phương, nhưng qua trò chuyện tôi mới biết, chị là nhân chứng lịch sử khá đặc biệt của mảnh đất này. Chị không chỉ là nữ anh hùng gan dạ quả cảm trong đánh giặc mà còn sở hữu giọng ca rất hay, từng sáng tác và thể hiện nhiều bài ca, câu hát, những làn điệu bài chòi, để những lời ca tiếng hát cùng đánh giặc trên trận tuyến binh địch vận... Những sáng tác, lời ca của chị một thời là vũ khí sắc bén vừa động viên tinh thần yêu nước căm thù giặc của quân dân ta vừa chỉ ra những tội ác, việc làm phi nghĩa của quân thù. “Nhớ người du kích Cẩm Thanh/ Nhìn quê cháy đỏ lòng anh căm hờn/ Ai về thăm lại Hiếu Nhơn/ Hai lần ngùn ngụt lửa hờn dâng cao…”, hay “Hội An đất mẹ của ta/ Đồng xanh mơn mởn reo ca bốn mùa/ Xưa giặc Pháp nay bầy cướp Mỹ/ Xéo giày lên ngõ xóm đường thôn/ Quê tôi rực lửa căm hờn/ Đạn bom giặc Mỹ chất chồng đau thương…”.
Lần nào cũng vậy, khi trở về viếng hương đồng đội, chị Hóa không quên hát lại khúc ca đi cùng năm tháng. Một khúc tưởng niệm chị dành cho những người còn sống hôm nay và những đồng đội, những người đã vĩnh viễn nằm lại đất mẹ rừng dừa. Đó cũng là cách để hồi ức lại một thời thiếu nữ, giấc mơ con gái đã đi qua trong ly loạn chiến tranh, song cũng rất đỗi tự hào về quê hương cách mạng: “Xưa kia Bùi Chát đánh Tây/ Anh Hòa diệt Mỹ ngày nay vang lừng/ Sáng ngời Xuân Diệm, Bồ Mưng/ Xuyên Thanh, Gò Nổi mấy lần lập công…” hay “Đất Thanh Quýt đứng lên cùng anh Trỗi/ Quê chị Nhâm Gò Nổi sáng bừng/ Điện Ngọc có Võ Như Hưng/ Duy Xuyên Trần Dưỡng vang lừng chiến công.../ Trên từng vạt ruộng bến sông/ Chiến công nối tiếp chiến công sáng ngời…”.
2. Máu, thịt xương của biết bao đồng bào, đồng chí, những người bà con ruột rà thân cật đã hòa cùng dòng nước làng quê sát biển Cửa Đại, góp sức cho những mạch nguồn và rừng dừa nước ngày một sinh sôi phủ xanh bóng mát. Chẳng ai ngờ rằng vùng quê phong cảnh hữu tình, nên thơ này từng là “tọa độ chết” trong những năm tháng chiến tranh. Lửa đã thử vàng trong 2 cuộc chiến Vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Những người con chân lấm tay bùn, một nắng hai sương với tình yêu quê hương, lòng căm thù giặc gày xéo, giết hại đồng bào đã đứng lên, không sợ hy sinh để làm nên những kỳ tích ngoài cả sức tưởng tượng của con người.
Hằng năm cứ đến kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sĩ (27.7), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Hóa lại cùng đồng chí, đồng đội, những người con kiên trung của đất rừng dừa Bảy Mẫu về viếng hương tại Di tích lịch sử Bến đò Thanh Nam. Chị Hóa cho biết, trong hai cuộc kháng chiến, bến đò này luôn giữ vai trò trọng yếu trên hành lang chiến lược kết nối Hội An và vùng đông Duy Xuyên. Đây là điểm đưa đón cán bộ, chiến sĩ, quần chúng cách mạng vượt sông qua lại hoạt động nhằm xây dựng phát triển phong trào và là điểm tập kết của các lực lượng cách mạng tiến quân vào nội thị Hội An đánh địch. Mặc dù ngày đêm bị địch kiểm duyệt gắt gao, đánh phá ác liệt, gây cho ta nhiều tổn thất, hy sinh nhưng tuyến giao thông huyết mạch này vẫn hoạt động thông suốt, góp phần lập nên nhiều chiến công xuất sắc.
3. Cuối năm 1970 sau một trận công đồn, chị Hóa bị địch bắt giam cầm từ nhà lao Hội An đến Kho đạn, Đà Nẵng rồi nhà tù ở Lâm Đồng. Với tinh thần “Dù cho giặc khảo giặc tra/ Cắn răng chịu đựng không xa Đảng mình”, biết không thể khai thác được gì, năm 1972 bọn địch đành thả chị ra.
Trở lại quê nhà, chị tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến ngày quê hương giải phóng.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Đinh Văn Hơn, 65 năm tuổi Đảng, nguyên Bí thư xã Cẩm Thanh thời chống Mỹ đã không tiếc lời ngợi khen khi nói về nữ du kích Võ Thị Hóa. Ông bảo chị Hóa là biểu trưng của lòng dũng cảm, mưu trí, xứng đáng là anh hùng ngay từ tuổi thiếu niên.
Chia tay nữ anh hùng Võ Thị Hóa và những người con ưu tú của mảnh đất Cẩm Thanh, trong tôi vẫn mãi suy nghĩ về đất và người nơi đây. Rừng dừa nước Cẩm Thanh trong chiến tranh là nỗi ám ảnh kinh hoàng với quân thù, song một đời dừa vẫn lặng lẽ như những người con ưu tú của mảnh đất này, như chuyện đánh giặc giữ làng là bổn phận của mỗi người dân vậy. Họ không muốn kể hay nói nhiều về bản thân của mình. Thôi đành mượn những lời ca, câu thơ nói hộ.
Làm thơ về nữ anh hùng
Rất tình cờ khi trở về Cẩm Thanh lần này tôi đã sưu tầm được bài thơ của một cựu chiến binh quê Cẩm Thanh viết về nữ du kích Võ Thị Hóa. Bài thơ khá dài, như một lời kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của chị.
Xin được chép lại nguyên văn bài thơ “Người con gái quê hương Cẩm Thanh”:
“Có người con gái Cẩm Thanh/ Là Võ Thị Hóa rạng danh anh hùng/ Mười ba tuổi tham gia cách mạng/ Có sợ chi bom đạn kẻ thù/ Hiến dâng tuổi trẻ cho đời/ Quản gì máu chảy thịt rơi xương tàn.
Càng thử thách Hóa càng mưu trí/ Có nhiều phen Mỹ - ngụy bị lừa/ Nhớ ba cán bộ năm xưa/ Bị địch ví bắt chạy tuôn vô nhà/ Hóa đưa các anh xuống hầm bí mật/ Sau địch vào đánh đập khảo tra/ Giấu đâu mày phải chỉ ra/ Không tao bắn chết cả nhà mày luôn/ Lần đầu tiên sa vào tay giặc/ Hóa vững vàng khí tiết đấu tranh/ Dù đau Hóa vẫn chối quanh/ Quân địch tưởng thật chúng đành bỏ đi/ Cấp trên thấy gan lỳ của Hóa/ Tuổi nhỏ mà mưu kế càng sâu/ Làm cho Mỹ - ngụy đau đầu/ Đúng sai thật giả biết đâu mà mò.
Sau lần ấy Hóa thành cán bộ/ Càng đấu tranh càng tỏ vững vàng/ Lần sau giặc lại đi càn/ Trực diện Mỹ - ngụy Hóa càng thêm lo/ Vài tiếng Anh tò mò học lõm/ Đàm thoại nghe lõm bõm cũng xong/ Buộc người chúng bắn bị thương/ Phải đưa bệnh viện Hội An kịp thời/ Người bị chết đền bù nhân mạng/ Mỹ - ngụy nghe chấp nhận cho xong/ Mùa Xuân sáu tám Mậu Thân (1968)/ Tiến công nổi dậy nhân dân xuống đường/ Hóa nòng cốt dẫn quân vào thị (thị xã Hội An cũ)/ Khiến quân địch hoảng trí bắn càn/ Không may trúng đạn bị thương/ Địch xông bắt Hóa trên đường tiến quân/ Ôn hòa lý lẽ đấu tranh/ Nói năng thuyết phục bó băng cho về.
Hóa lao vào đấu tranh hợp pháp/ Vận động xin vải vóc bà con/ Có ba hai (32) chiến sĩ hy sinh/ Lo toan chôn cất trọn tình quân dân/ Một lần khác địch càn vào xã/ Bắn anh Ảnh du kích gãy chân/ Lôi anh vào tới bìa sân/ Lên đạn đòi bắn chết anh tại nhà/ Hóa nhanh trí ào ra ôm khóc/ Các ông đừng bắn chết chú tôi/ Thường dân có tội gì đâu/ Địch nghe tin thật bỏ đi ra ngoài.
Cử vào binh vận Hội An/ Hóa tham gia chiến đấu diệt hàng chục tên/ Tên xã trưởng Trần Nuôi ác bá/ Nợ máu dân phải trả cho dân/ Năm sáu chín đánh nó trọng thương (1969)/ Chỉ điểm cảnh sát Hội An tới nhà/ Bắt Hóa về cực hình tra khảo/ Hai tháng ròng không một lời khai/ Chịu thua chúng thả Hóa về/ Lại làm binh vận không hề đắn đo.
Năm bảy mươi khu dồn bị đánh (1970)/ Diệt bọn tề khi chúng tập trung/ Nửa đêm khối thuốc nổ bùng/ Nhiều tên tan xác đồn tề tan hoang/ Hóa bị bắt giam cầm tra tấn/ Lao Hội An, Đà Nẵng, Lâm Đồng/ Giam đâu Hóa chẳng nao lòng/ Chúng phải thả Hóa ra tù bảy hai (1972).
Bao thiếu thốn khó khăn chồng chất/ Cố kiên trì cho đến bảy lăm (1975)/ Sau ngày giải phóng miền Nam/ Bầu Phó Bí thư, Chủ tịch xã Cẩm Thanh quê nhà/ Rút về thị xã làm Chánh Thanh tra/ Nuôi dưỡng mẹ già ngoài tuổi tám mươi/ Bây giờ Hóa đã về hưu/ Là tấm gương sáng, là người Cẩm Thanh/ Ôi người con gái quang vinh/ Là Võ Thị Hóa anh hùng vũ trang.
(Võ Thị Hóa nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 26.9.2015)