Nữ bác sĩ trên sóng Hoàng Sa

XUÂN KHÁNH 12/04/2016 09:13

Nhìn lại, thoáng cái đã mười mấy năm đạp sóng dữ, nhiều lần miết tận Hoàng Sa để cấp cứu cho ngư dân, nữ bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng vẫn bình thản mà rằng: “Các ngư dân cần mình lắm!”. Rồi cười như xua bao khổ nhọc đã qua.

Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng hướng dẫn sơ cứu cho ngư dân qua điện thoại. Ảnh: XUÂN KHÁNH
Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng hướng dẫn sơ cứu cho ngư dân qua điện thoại. Ảnh: XUÂN KHÁNH

Vừa nôn, vừa…   cấp cứu

Chuyến đi biển cấp cứu đầu tiên của chị cách đây hơn 10 năm, cùng với Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, sau khi nhận thông tin khẩn cấp từ một tàu cá có 2 ngư dân bị nạn. Khi chị xuống tới cảng Tiên Sa để lên tàu đi cấp cứu là khoảng 11 giờ đêm. Biển đang động. Từ cảng Tiên Sa đến chỗ tàu cá bị nạn hơn 60 hải lý, nhưng do sóng to, gió lớn, phải hơn 3 tiếng đồng hồ sau mới đến nơi tàu cá có người bị nạn. “Trời không mưa lạnh, nhưng sóng to quá, tàu biên phòng không thể áp sát tàu cá được. Mình phải xuống ca nô để sang đó, với sự hỗ trợ của các chiến sĩ biên phòng. Khi qua tàu cá này, mới biết một ngư dân đã tử vong vì chấn thương quá nặng. Thì ra, khi nghe báo bão, 2 ngư dân này đi chằng, cột lại những thứ trên tàu và không may bị nạn. Người gặp nạn trên bờ đã nguy hiểm, gặp nạn trên biển thì càng nguy kịch hơn, rủi ro quá lớn” - bác sĩ Hồng nhớ lại.

Căng thẳng nhất là giai đoạn Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 ở vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bởi lúc này chị Hồng không những sẵn sàng tham gia cấp cứu, mà còn chỉ đạo đồng nghiệp cũng đang làm nhiệm vụ trên biển. Có những chuyến đi biển làm nhiệm vụ dài ngày trở về, tối ôm con ngủ, chị nghĩ mình vừa thoát chết, lại thương con, định rằng sẽ không đi biển nữa. Thế mà hôm sau, có cuộc gọi, là chị tất tả đi ngay. Vì chị biết rằng, ngoài kia, giữa muôn trùng khơi, ngư dân mình đang phải đối mặt với bao hiểm nguy, sinh tử…

Nhưng chuyến biển mà chị “ớn” nhất và nhớ nhất đến lúc này là đi cấp cứu cho một ngư dân huyện Thăng Bình gặp nạn ở Hoàng Sa trong lúc chống chọi với bão. Trưa hôm ấy, khi tàu 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) ra khỏi phao số 0 của biển Tiên Sa, sóng gió bắt đầu nổi lên. Gần một tiếng đồng hồ sau, chị và một điều dưỡng đi cùng say sóng, nôn mửa liên tục. Nửa đêm, tối như mực. Tàu 412 lắc dữ dội, việc tiếp cận tàu cá để cứu người là nhiệm vụ bất khả thi. Không còn cách nào khác, chiến sĩ tàu 412 ném bình ô xy qua tàu cá, rồi lai dắt về bờ. Trên đường về, nhân lúc biển bớt sóng gió, chị Hồng mới qua tàu cá cấp cứu cho ngư dân. Nhưng sóng dữ đã làm chị kiệt sức, chỉ có thể cấp cứu bằng y lệnh.

Ngồi ở bờ, nghe chị kể, rồi mường tượng những cảnh ấy mà chúng tôi cũng… say sóng. Vậy mà chị cười khan, bảo đi miết rồi quen. Những năm gần đây, khi có tàu của Danang MRCC, việc đi cấp cứu có nhiều thuận lợi và đỡ bị sóng “hành” hơn. Còn trước đó, khi đi cùng bộ đội biên phòng, do tàu nhỏ, lại chưa quen biển, có nhiều khi về tới bờ mới biết mình còn sống. “Những lúc đó, mặc dù rất đuối sức, nhưng nghĩ đến ngư dân đang trong lúc sinh tử, mình phải gắng gượng. Cũng may, là có các anh chiến sĩ biên phòng luôn hỗ trợ hết mình. Nhiều khi các anh phải dìu mình, rồi cầm bao ny lon để cho mình vừa nôn vừa… cấp cứu” - chị Hồng chia sẻ.

Sơ cứu qua… Icom

Ở Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng, bác sĩ Hồng còn có một biệt tài, đó là sơ cấp cứu cho ngư dân bằng y lệnh qua Icom. Theo lời chị, cấp cứu trên biển khó bao nhiêu, thì qua Icom còn khó hơn mấy lần. Khi thì do thời tiết xấu, sóng chập chờn, không nghe rõ. Những lúc trời êm, sóng vô tuyến tốt, chuyện hướng dẫn sơ cứu lại vấp phải rào cản ngôn ngữ vùng miền. “Vì nhiều ngư dân ở tỉnh khác, họ dùng phương ngữ nhiều quá, mình chịu! Những lúc như thế, phải nhờ cô tổng đài viên trực ở Đài Thông tin duyên hải miền Trung “dịch” giùm. Dần rồi cũng quen” - bác sĩ Hồng cho hay. Theo lời chị, ngư dân 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi là được chị cấp cứu và hướng dẫn sơ cứu qua Icom nhiều nhất.

Vì “nhận” sơ cứu bằng hình thức này, nên chiếc điện thoại của chị không được phép “chết lâm sàng” bằng bất cứ hình thức nào. Hễ có cuộc gọi kêu sự trợ giúp là chị sẵn sàng. Qua những lần hướng dẫn như thế, chị thấy ngư dân mình thiếu thốn nhiều quá, ngay cả bông thấm, thuốc sát khuẩn và một số thuốc cơ bản vẫn không được trang bị trên tàu. Thế là chị lên kế hoạch, rồi đề xuất Sở Y tế Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí, tổ chức các lớp dạy sơ cấp cứu cho ngư dân thông qua chương trình “Tiếp sức cho ngư dân ra khơi”. Năm 2015, chị đã dạy được 10 lớp với khoảng 200 ngư dân. Kế hoạch trong năm 2016 chị sẽ dạy 8 lớp và đang dạy lớp thứ 3. Thông qua chương trình này, các ngư dân sẽ được tập huấn những kiến thức cơ bản nhất; biết cần phải trang bị cho tàu những thiết bị, thuốc men cần thiết để có thể sơ cấp cứu trên biển mỗi khi xảy ra tai nạn. “Do đặc thù sản xuất trên biển của ngư dân nên để mở lớp tập huấn mình phải ngó mùa, canh thời tiết, rồi còn phải đến tận nhà để động viên họ đi học. Rất mừng là những ngư dân sau khi tham gia lớp học này đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề sơ cấp cứu trên biển” - bác sĩ Hồng chia sẻ.

XUÂN KHÁNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nữ bác sĩ trên sóng Hoàng Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO