Người phụ nữ còn rất trẻ, để tóc dài. Tóc chị thật suôn, khá mượt. Nó vẫn còn giữ được cái màu đen truyền thống của người Việt Nam, không bị nhuộm đỏ hay nhuộm vàng như màu râu bắp mà người ta thường thấy. Bình thường, chị xõa tóc. Khi lên lớp dạy học trò, chị cũng để tự nhiên như thế. Để như thế khi cánh quạt quay, tóc chị bay bay cũng vui vui. Chỉ khi nào chạy xe, chị mới cột tóc lại bằng sợi dây thun.
Bây giờ thì chị đang cột tóc lại. Phải cột lại mới đội chiếc mũ bảo hiểm lên được. Chiếc mũ bảo hiểm của chị cũng thật lạ. Nó được trang trí bằng hình ảnh các loại hoa, vẽ bằng sơn dầu. Dường như đó là hình ảnh của hoa phượng. “Hoa phượng rơi đón mùa thu tới/ Màu lưu luyến nhớ quá thu ơi” – một ca khúc của Nguyễn Văn Đông đã viết như vậy. Có lẽ chị muốn vẽ như vậy để nhớ những ngày mình còn con gái. Chị nói: “Em vẽ được lắm. Chiếc mũ này là do em vẽ đấy”.
Chị ngồi lên xe, mở máy. “Ông lên xe đi!”. Người đàn ông nhẹ nhàng ngồi lên yên xe. Chị đang đeo chiếc ba-lô nhỏ sau lưng. Chiếc ba-lô chiếm một khoảng của yên xe. “Có chật không, em bỏ ba-lô ra trước nhé?”. “Không, không chật. Tôi đủ chỗ ngồi rồi. Cứ chạy đi”. Vậy là giữa người đàn ông và người phụ nữ cách nhau một cái ba-lô – một khoảng cách an toàn.
Xe chạy qua những đường phố đông. Giờ cao điểm buổi trưa đến rồi, chị tìm những con đường nhỏ, ít xe. Mười phút trước, trong hội trường của trường đại học, trước nhiều sinh viên, chị đã muốn chụp chung với ông một tấm ảnh. Hôm nay, khai giảng năm học; chị mặc áo dài. Chiếc áo dài thật nền nã với những đường vân nằm xuôi thân áo, có màu xanh nhẹ pha với màu vàng nhạt. Buổi lễ xong, một phóng viên – học trò cũ của chị, đưa máy ảnh lên chụp. “Vũ, em chụp cô với thầy một tấm nhé”. Và rất tự nhiên, chị ôm bó hoa bên tay mặt, tay trái đưa lên thân mật quàng qua vai ông, tựa sát người vào ông.
Người đàn ông thật sự xúc động. Nhiều năm qua rồi, ông không muốn chụp ảnh với ai, cũng không một người phụ nữ nào ôm ông. Ông lớn tuổi nhưng cũng có cái nhu cầu muốn được ôm, muốn được hôn, muốn được cưng chiều như một đứa trẻ. Nói đúng ra, trước sân khấu trong những đêm diễn, hay trong những dịp ký tên vào sách cho bạn đọc, cũng có những phụ nữ mang hoa tặng ông và ôm ông. Thế nhưng, mọi việc dừng lại ở cái ôm xã giao, chủ yếu là tạo dáng để làm kiểng. Họ chỉ muốn chụp với ông một tấm hình để khi có dịp là đem ra cho người khác coi. Ông thật sự chán nản và sợ hãi những cái ôm đó. Nó chẳng có một chút cảm tình; cảm xúc lại càng không có. Nó vô hồn như hoa giả bằng nhựa ni lông.
Thế nhưng, cái ôm này của người phụ nữ lại làm ông cảm xúc. Bởi vì nó rất tự nhiên, chân tình. Người đàn ông cũng đưa tay qua, ôm nhẹ vòng lưng eo của người phụ nữ. Dưới tay ông, ông nhận được cái cảm giác thân mật khi tiếp xúc với một làn da thanh xuân. Cảm giác đó thật mới mẻ, trong sạch, thánh thiện. Và lần đầu tiên trong mấy chục năm, ông cảm nhận được một niềm vui thực sự nhóm lên trong lòng. Cái gì cũng vậy, hễ có ở trong lòng thì mới hiện ra ngoài mặt. Ông cười, một nụ cười thật hiếm hoi. Tấm ảnh chụp được ngay cái giây phút hiếm hoi đó.
Người phụ nữ chở ông đi qua một khu phố thưa người. “Trưa rồi, mình nên ăn trưa và uống cà phê một chút chứ nhỉ?” – người đàn ông nói. “Ông không về nhà à?”. “Tôi về chứ. Nhưng 2 giờ chiều, tôi có một buổi hội ý chung với các anh chị bên tờ báo. Sau đó, tôi mới đi xe buýt về nhà. Mình ăn trưa đi nhé”. “Dạ. Em biết một chỗ khá hay”.
Chị chạy xe đến một quán tương đối lịch sự, có hàng trúc xanh lá bao bọc bên ngoài. Họ kiếm một cái bàn hướng tay phải của quán. “Ăn cái gì nào?”. “Em ăn một cơm chiên Dương Châu”. “Hai cái luôn đi”. “Không, ông nên gọi một thứ khác để mình chia ra làm hai, mỗi người ăn được hai món”. Ông cười: “Ồ, hay quá, cứ làm vậy đi”. Ông gọi một bún bò.
Trời mùa thu, mưa về trên thành phố buổi trưa. Ông ngồi đối diện với người phụ nữ và nhận ra khuôn mặt chị thật rạng rỡ khi có nụ cười hiện ra. Đôi mắt chị sáng, cái nhìn trong veo và đuôi mắt thật dài. Lạ quá, mình gặp ánh mắt này ở đâu rồi nhỉ? Ông lục lại ký ức. Sau cùng, ông nhớ ra hình ảnh rất xa mờ của đôi mắt một cô gái Khmer từng gặp ông một lần khi ông nằm bệnh viện. Đôi mắt ấy cũng thật hồn nhiên, trong sáng. Cuộc gặp gỡ ấy chỉ kéo dài mười hai ngày. Bây giờ, đôi mắt của người phụ nữ đối diện cũng mang theo tố chất hồn nhiên, trong sáng đó. Đặc biệt khi người phụ nữ cười, đuôi mắt dài ra, trông thật lãng mạn, dễ thương.
Ông kể cho người phụ nữ nghe chuyện cô gái Khmer quen ông. Người phụ nữ nói: “Thế nào em cũng đưa ba mẹ qua Cambodia du lịch. Ông có muốn đi thì đi chung”. Ông định nói: “Nếu chỉ có một mình em đi thì tôi mới đi” nhưng rồi ngăn lại kịp. Người phụ nữ nhìn ông cười như đoán định những ý nghĩ thầm kín trong lòng ông.
Họ chia nhau, mỗi người một chén bún và một chén cơm chiên. “Có quyết định chia phần ăn với em không nào?”. “Quyết định chứ. Chia đi”. Tự nhiên, ông nhớ lại một bài hát: “Chia nhau niềm hạnh phúc/Chia nhau niềm đau xót/Có đôi ta chia nhau chén cơm này/Chỉ đôi ta chia nhau gối chăn này”. Suốt quãng đời qua, ông chỉ mong bấy nhiêu thôi nhưng dường như hạnh phúc với ông thì không có; đau xót lại nhiều. Bây giờ, người phụ nữ nói chuyện chia đôi chén cơm khiến ông nhớ ra chuyện chia nhau gối chăn trong ca từ bài hát ấy. Mà làm sao có được? Có duyên mười năm mới gặp nhau. Có duyên trăm năm mới thân nhau. Có duyên ngàn năm mới thương yêu nhau.
Bữa cơm thật vui, khá ngon. Ông uống nước trà nóng, hút thuốc và nhìn khuôn mặt người phụ nữ qua làn khói. Ông chỉ biết chị được mấy tháng nay, qua công việc chung, đúng ra là chỉ qua điện thoại và nhắn tin. Thế rồi chị đến thăm ông. Ông để ý trong chất giọng đằm thắm của chị thường hay ủ ấp tiếng cười. Bao giờ, nghe được một ai cười dù qua điện thoại, ông cũng thấy an tâm. Nhân loại thể hiện niềm vui, hạnh phúc qua tiếng cười. Cho nên, nghe chị cười qua điện thoại hay trong câu chuyện trực tiếp, đặc biệt là khi dứt những câu nói, ông nghĩ đây là một người phụ nữ rất hạnh phúc.
Thế nhưng, ông nhầm. Một người đồng nghiệp cho ông biết chị cũng từng trải qua những trắc trở của cuộc sống. Bấy lâu nay, chị một mình làm việc nuôi con. Nghĩa là phía sau tiếng cười qua điện thoại, phía sau nụ cười trong những khi tiếp xúc và bàn bạc công việc, chị đang có một nỗi buồn. Đêm đêm, khi đứa con đã ngủ ngoan, chị có thể để một giọt nước mắt rơi ra lặng lẽ từ trái tim của mình. Nghĩa là phía sau nụ cười vẫn có giọt nước mắt rơi.
Một lần, ông nói qua điện thoại như nói với một người bạn thân: “Tôi viết xong chương cuối của một quyển sách dài”. Ông nhớ lại lời chị nói: “Gửi cho em đọc với. Em viết thì có thể là người viết không hay nhưng em đọc thì là một người bạn đọc tốt. Ông cứ gởi cho em đọc đi”. Ông đã nghe vậy và an tâm gởi chương cuối trong tác phẩm mới của mình cho người phụ nữ đọc. Chị nói: “Em chưa hình dung hết được toàn cục nhưng với một kết thúc như vậy thì em nghĩ cuộc đời của nhân vật này đau quá”. Người phụ nữ này cũng hiểu được tâm trạng mình ký thác qua tác phẩm – ông nghĩ. Điều này khiến ông có cảm giác ông và người phụ nữ gần nhau hơn. Nhưng ông vẫn nói: “Tôi viết tiểu thuyết. Tôi không viết hồi ký về đời mình”.
Mấy chục năm sống bằng nghề viết lách, ông đã viết hơn năm chục đầu sách, trong đó có những đầu sách ăm ắp tiếng cười. Bạn đọc đọc xong, nói lại cho ông biết nụ cười ấy của ông có duyên, làm cho họ cảm thấy thư giãn, thoải mái. Với giới báo chí và viết văn, ông được coi là một cây bút hài hước trào phúng thành công, thậm chí là thành danh. Và ông đã đi dạy cho sinh viên cách viết văn cười, cách làm hề trong chữ nghĩa. Trong những anh hề trên đời, anh hề bằng chữ nghĩa được coi là cao cấp nhất, bởi nó khó nhất.
Thế nhưng trên đời này, mấy ai biết được lòng ông đau? Ông như anh kép Tư Bền trên sân khấu, làm hề trong văn chương cho người ta cười nhưng đời ông thì chưa bao giờ có một nụ cười đúng nghĩa. Phía sau nụ cười của ông, có những giọt nước mắt lặng lẽ rơi dài trên đường đời. Những giọt nước mắt hư vô ấy rơi ra trong ca từ âm nhạc, trong những truyện ngắn, truyện dài của ông. Có khi, nó bất chợt xuất hiện trong những bài biên khảo, dù là biên khảo về văn học cổ điển.
“Em mua quyển sách của ông cho ba em đọc. Có lẽ đọc quyển này, ba em sẽ rất thích. Ông ký tên giùm nhé?” – người phụ nữ mở ba-lô đưa quyển sách ra. Ông ký tên và nói thật lòng: “Nếu tôi biết vậy thì đã gởi sách tặng ông rồi. Từ nay, tôi ra quyển sách nào cũng gởi tặng ông một bản cho ông vui”. Ông nghĩ, một người con gái đi mua sách tặng ba mình thì thật đáng quý. Những đứa con của ông chưa bao giờ biết mua sách tặng ông.
Tối hôm ấy ông về nhà, check mail. Người phóng viên gởi cho ông bốn tấm ảnh chụp quang cảnh lễ khai giảng, trong đó có tấm ảnh của người phụ nữ và ông. Ông bấm bỏ ba tấm kia, chỉ giữ lại tấm của hai người. Ông mở tấm ảnh ra và ngạc nhiên nhìn. Hậu cảnh của tấm ảnh là các em sinh viên đang ngồi, khuôn mặt hân hoan và rạng rỡ. Trên nền hậu cảnh đó, người phụ nữ cười thật tươi và ông cũng cười. Lạ quá, làm sao mà mình còn có thể cười được thế này nhỉ? - ông nghĩ. Ông rất quý tấm ảnh, ngắm mãi rồi nhắn tin cho chị: “Tấm ảnh chụp cô đẹp lắm”. Người phụ nữ trả lời: “Ông cười rất đẹp”. Nhưng rồi ông nghĩ cái đẹp thuộc về cô ấy. Cái đẹp không thuộc mình nữa. Ông nhắn tin thật lòng: “Tôi già rồi”.
Những đêm cuối tháng 9, trời mưa bão. Một đêm, ông bỗng thức giấc lúc 2 giờ sáng. Ông nằm mơ thấy người phụ nữ nắm tay mình, nói “Ông đi uống cà phê với em, nhé”. Ông đã định đưa tay nắm nhưng rồi bàn tay ông rời ra khỏi bàn tay người phụ nữ. Không hiểu làm sao mà hai bàn tay ấy rời ra. Bàn tay ông rớt xuống trên nệm và ông thức giấc.
Ông mở điện thoại, định nhắn tin cho chị. Nhưng rồi ông bỏ điện thoại xuống, hút một điếu thuốc và nghĩ: Đúng là mình với cô ấy có chỗ giống nhau, phía sau nụ cười có giọt nước mắt. Nhưng mình gia rồi; không có niềm vui, không có nụ cười là chuyện hiển nhiên. Cô ấy thì còn quá trẻ. Khuôn mặt cô ấy rất phúc hậu. Đời cô ấy mãi mãi sẽ có nụ cười, những nụ cười hạnh phúc đích thực. Rồi ông khởi động máy tính, mở tấm hình ra xem lại, thật lâu.
Lúc ấy, có lẽ người phụ nữ đang ngủ rất say. Và tất nhiên, chị không thể biết được giấc mơ mà ông đã gặp.
VŨ ĐỨC SAO BIỂN
Phía sau nụ cười, có giọt lệ rơi, con sáo ơi!
(Điệu buồn phương Nam)