Nụ cười bệnh nhân nơi "cổng trời"

Ghi chép của ALĂNG NGƯỚC 06/01/2018 08:06

Chúng tôi đến khu điều trị nội trú Trung tâm Y tế huyện Tây Giang một ngày cuối năm 2017. Rất đông bệnh nhân cùng người nhà xếp hàng chờ đến lượt nhận áo quần từ các nhân viên y tế của bệnh viện. Trên gương mặt của họ, nụ cười đã bắt đầu lấp lánh. Ở nơi này, những nỗi lo toan thường thấy đang dần vơi đi…

Kể từ khi áp dụng lắp đặt chuông báo, nhiều người bệnh đã giảm bớt thời gian, công sức để trực tiếp gọi nhân viên y tế. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Kể từ khi áp dụng lắp đặt chuông báo, nhiều người bệnh đã giảm bớt thời gian, công sức để trực tiếp gọi nhân viên y tế. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Tơ Viêng, cuối chiều. Sau cơn mưa bất chợt, hơi sương lạnh cóng như hắt vào da thịt, rét buốt. Nhưng bên trong khu điều trị bệnh nhân của trung tâm y tế huyện, một không gian rất khác, cùng những câu chuyện cảm động về y đức và tình người giữa các chiến sĩ khoác trên mình màu áo blouse với bệnh nhân nơi rẻo cao biên giới.

1. “Ring! Ring! Ring!”… Từ khu điều trị của người bệnh, tiếng chuông báo nhân viên y tế ngân vang kéo dài. Bác sĩ Zơrâm Thân Lập nhìn lên tấm bảng điều hành được đặt tại phòng trực, rồi vội vã chạy đến một phòng bệnh vừa “nháy đèn” trên hệ thống báo hiệu. Phòng số 5, nơi bác sĩ Lập bước vào, có một ca bệnh nhân vừa mổ chân, còn sưng, đau nhức nên bấm chuông gọi nhân viên y tế đến kiểm tra vết thương. Tiếng chuông cứ lặp lại nhiều lần ở khu điều trị. Chỉ chừng hơn một giờ đồng hồ, tôi ước đếm, có đến chục lần tiếng chuông reo từ các phòng bệnh. Chuông reo, bất kể giờ nào, các nhân viên y tế cũng đều nhanh chóng có mặt. Vì thế, người nhà bệnh nhân cũng đỡ mất nhiều thời gian, công sức trực tiếp đến phòng trực để gọi bác sĩ, như trước đây.

Thứ trưởng Bộ Y tế gửi thư động viên

Ngày 18.9.2017, sau khi biết tin đội ngũ y, bác sĩ của trung tâm cứu sống sản phụ người Cơ Tu Bh’ling Thị B. bị thai ngoài tử cung vỡ (một cấp cứu sản khoa nghiêm trọng, diễn biến cực kỳ nhanh và nguy cơ tử vong bà mẹ cao), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã gửi thư động viên. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến bày tỏ khen ngợi và biểu dương tập thể y, bác sĩ của trung tâm đã khẩn trương triển khai các biện pháp tích cực để cứu sống sản phụ trong tình trạng nguy kịch. Đồng thời mong muốn các y, bác sĩ của trung tâm tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, cải tiến chất lượng bệnh viện hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang chia sẻ, mô hình “Chuông báo nhân viên y tế” được lắp đặt tại các phòng bệnh, là tâm huyết chung của ông cùng lãnh đạo trung tâm, sau những lần đi học hỏi kinh nghiệm tại các bệnh viện tuyến trên. Nhưng ban đầu, mô hình này cũng chỉ được lắp đặt tại khoa cấp cứu, ngay trên mỗi đầu giường bệnh nhân để thử nghiệm. Sau một thời gian, từ hiệu quả bước đầu đã khuyến khích trung tâm áp dụng ở hầu hết phòng bệnh, như bây giờ. Bác sĩ Thông bảo, trước đây, ở tuyến biên giới như Tây Giang, việc áp dụng chuông báo để phục vụ chăm sóc bệnh nhân là điều chưa ai nghĩ tới. Mà thật. Ngó sơ, cũng chưa thấy có bệnh viện nào ở miền núi áp dụng. Tây Giang tiên phong, mong đó là mô hình để các địa phương khác học tập, nhân rộng, mở hướng đưa công nghệ vào ứng dụng tại các bệnh viện để phục vụ tốt hơn việc khám chữa bệnh. “Bên cạnh hệ thống cố định đặt tại phòng trực bác sĩ, chúng tôi còn hỗ trợ đồng hồ đeo tay kết nối với hệ thống đường truyền tín hiệu cho nhân viên, giúp chủ động nắm bắt thông tin và nhu cầu của người bệnh nhằm kịp thời xử lý tình huống cần thiết, ngay cả khi không có mặt tại phòng trực” - bác sĩ Thông chia sẻ.

Tiếng chuông báo hiệu lại reo. Tôi theo chân bác sĩ Lập đến một phòng người bệnh đang “gọi”. Một phụ nữ trong cơn sốt cao, cần hỗ trợ. Sau thời gian được chăm sóc và cho uống thuốc, bệnh nhân đã hạ sốt. Ai cũng nhẹ người.

2. Khoa ngoại điều trị, thời điểm chúng tôi có mặt, cũng đúng lúc các nhân viên y tế của trung tâm mở cửa tủ áo quần cấp phát cho bệnh nhân và người nhà. Những bộ áo quần được xếp gọn trong tủ, đủ đầy theo từng lứa tuổi, giới tính, thời tiết…, là công sức của các cán bộ, y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tây Giang dành cho những bệnh nhân của mình. Hơn 30 năm công tác ở vùng cao, bác sĩ Thông nói, rằng ông đã quá thấu hiểu với những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào nơi vùng đất vốn được mệnh danh là “cổng trời” này. Ông kể với tôi về những lần chứng kiến người bệnh, dù trời đông lạnh cóng, nhưng vẫn phong phanh một chiếc áo thun đến khám. Trong số đó, rất nhiều trẻ nhỏ, mặt mày nhem nhuốc bùn đất. Nỗi trăn trở cứ thế lớn dần. Ông quyết định tìm nguồn để quyên góp, rồi đặt tủ áo quần cố định tại từng khoa trong bệnh viện, theo đặc thù cho phù hợp, giúp người bệnh đủ ấm cơ thể chống chọi trước cơn rét núi rừng. “Ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến lấy”. Phương châm của bệnh viện, như một lời kêu gọi và sự sẻ chia đầy trách nhiệm của các y, bác sĩ ở nơi này.

Các bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang lựa chọn những bộ áo quần phù hợp từ mô hình tủ áo quần miễn phí. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Các bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang lựa chọn những bộ áo quần phù hợp từ mô hình tủ áo quần miễn phí. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Mưa vẫn rả rích. Rét buốt theo từng cơn gió tràn về. Có lúc tưởng chừng nhiệt độ xuống đến mức âm. Alăng Gơơih, một bệnh nhân Cơ Tu mang quốc tịch Lào, ngồi co ro ở góc giường vì lạnh. Vài ngày trước, từ cụm bản Tà Vàng (huyện Kà Lừm, Sê Kông), Gơơih một mình lặn lội đến Trạm xá Quân dân y kết hợp xã A Xan để khám bệnh, rồi được đưa xuống Trung tâm Y tế huyện để điều trị. Dù tủ áo quần được đặt ngay phía trước cửa phòng, nhưng Gơơih không dám đến lấy, nên các nhân viên y tế phải giúp mang đến tận nơi. Nhận áo quần, Gơơih cười. Nụ cười bẽn lẽn của chị như xua đi cái rét lạnh giá ở khu phòng. Bà Bh’riu Thị Atiếp, một bệnh nhân cùng phòng với Gơơih kể, hồi mới chuyển viện, Gơơih chỉ mặc đúng bộ đồ trên người. Trời rét, nên Gơơih được các bác sĩ chọn lựa vài cái áo ấm. Mà cũng đâu chỉ riêng Gơơih, kể từ khi tủ áo quần miễn phí cho bệnh nhân được hình thành, hàng trăm người bệnh ở Tây Giang đều đã có thêm áo quần để mặc, bớt lo lắng hơn trong những ngày giá rét, khi nhiệt độ liên tục giảm xuống còn dưới 10 độ C như thời gian gần đây. “Người dân đến khám bệnh, bây giờ không chỉ được chăm sóc sức khỏe chu đáo, mà còn có quần áo để mặc, có chăn gối để ngủ nên ai cũng hài lòng” - bà Atiếp nói, rồi bước sang căn phòng bên cạnh để hỏi thăm một người hàng xóm của bà vừa mới nhập viện vì bong gân trong lúc đi rẫy. Từ trong giường bệnh, những tiếng cười phát ra, nghe ấm áp lạ thường.

3. Nếu không đến tận giường bệnh, có lẽ tôi cũng không thể tin rằng người bệnh ở đây được quan tâm như những vị khách. Mà đâu có nói ngoa, ở vùng cao khó có một trung tâm y tế cấp huyện nào lại có thể trang bị đủ đầy chăn ga, gối đệm cho bệnh nhân của mình. Hơn 150 giường bệnh, được phủ đệm, vượt hơn gấp đôi số giường bệnh mà Sở Y tế giao cho địa phương tuyến huyện. Tôi ngạc nhiên. Thật sự ngạc nhiên ở Trung tâm Y tế Tây Giang này, sau những gì mà các y, bác sĩ đã làm được cho bệnh nhân. Một kiểu cách phục vụ rất mới, rất hiện đại và cũng rất chuyên nghiệp. Tôi ngồi với bệnh nhân Bh’ling Nhân (ở thôn Arầng 2, xã A Xan) ngay trên giường bệnh. Ông bị mắc chứng đau lưng từ nhiều năm nay, rất khổ sở. Đó cũng là căn bệnh thường gặp ở người vùng cao, khi công việc cõng, gùi là chủ yếu. Rồi ông nằm trên đệm, nói đã thoải mái hơn nhiều. Không như trước đây, khi dịch vụ “chăn ga, gối đệm” cho bệnh nhân chưa được triển khai, đau ốm, bệnh tật gì cũng đều nằm trên giường inox. Mùa lạnh, buốt đến tận xương tủy. “Bây giờ thì hết lo rồi. Đến bệnh viện, ai cũng yên tâm vì được chăm sóc tốt. Tâm lý e ngại của người dân vùng cao cũng không còn nữa. Thiệt đấy!” - ông Nhân bộc bạch.

Tôi tình cờ bắt gặp người quen cũ ở làng A Duông 1 (thị trấn P’rao, huyện Đông Giang) vừa đến khám bệnh. Bác sĩ Thông vỗ vai tôi, cười, bảo đã có rất nhiều người bệnh từ các huyện lân cận tìm đến khám chữa tại trung tâm. Cùng tuyến, họ được quyền lựa chọn nơi khám chữa bệnh, bất cứ nơi nào, miễn là cảm thấy hài lòng, tin tưởng ở đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện…

Ghi chép của ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nụ cười bệnh nhân nơi "cổng trời"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO