Nụ cười hè phố

LIÊU HÂN 16/09/2018 02:25

Nhà thơ Byron than rằng cả đời ông chỉ có được ba giờ thật sự vui. Nhà thơ Đỗ Mục thì than “Trần thế nan phùng khai khẩu tiếu” (Ở cõi trần gian, khó khăn lắm mới mở được nụ cười). Hai nhà thơ lớn đó thật đáng thương. Giá như hai ông có cơ duyên đi loanh quanh theo các con phố Tam Kỳ rồi ghé vào một quán cóc nào đó, ngồi nghe chuyện tào lao trên trời dưới đất, đôi khi họ có thể tìm được những nụ cười rất đỗi “dân gian Quảng Nôm”! Óc hài hước, dí dỏm của những người dân lao động xứ Quảng, qua cách nói lái, qua các câu chuyện khôi hài đôi khi khiến ta phải ngạc nhiên lẫn thán phục.

Minh họa: VĂN TIN
Minh họa: VĂN TIN

Tôi có lần ghé vào quán cà phê cóc của một người quen. Quán này có một cái sân vườn, bày vài bộ bàn ghế nho nhỏ trông giống như gỗ gõ. Ngồi chuyện phiếm cùng cô chủ quán vì vắng khách. Hỏi thăm tình hình buôn bán, cô chủ quán bảo:

- Quán cà phê của em chừ định đổi tên quán thành Tần Lệ Lệ đó anh.

Tôi ngạc nhiên:

- Ủa, quán cà phê mà sao đặt tên nghe cải lương, giống tiểu thuyết Quỳnh Dao quá vậy, em? Cô này e bộ nhiễm phim sến của Tàu nặng quá rồi đó nghe.

Cô cười :

- Mô có anh. Dạo này ế ẩm quá, buôn bán ngày càng tệ, khách ngày càng ít, cho nên “Tần lệ lệ” là tệ lần lần đó anh!

Tôi cười muốn sặc cà phê ra ngoài! Phải thầm phục cái đầu dí dỏm và thông minh của cô chủ quán. Cũng có thể đó là một câu nói mà cô nghe được ở đâu đó.

Tôi ngừng cười, chỉ bộ bàn, nói :

- Quán cà phê cóc có mấy bộ bàn ghế gõ này ngoài trời là sang quá rồi còn gì!

- À mấy bộ bàn gỗ bông đó mà, nhằm nhò gì.

Tôi trố mắt :

- Trời! Bàn ghế cà phê cóc mà bằng gỗ gõ bông lau là sang quá rồi, còn ưng chi nữa!

Cô cười :

- Lau liếc chi anh, gỗ “bông tê” đó chớ bông lau chi!

À! Đó là loại bàn ghế làm bằng bê-tông giả gỗ. Tôi lại được thêm một phen phì cười với cách nói rất tự nhiên của người dân Quảng Nam.

Còn một đặc điểm nữa của người Quảng Nam mà tôi đôi lần bị biến thành... nạn nhân. Đó là người Quảng Nam thường vô tình... tra tấn người khác bằng cái nạn đọc thơ của mình nơi đông người. Trong tiệc cưới, nơi bàn nhậu, hễ có người Quảng là thế nào ta cũng bị tra tấn bằng thơ. Thơ luôn có giá trị của nó. Làm thơ là chuyện bình thường, thậm chí đáng quý. In thơ để tặng, dù theo dạng sách bốn triệu (biếu trọn) cũng không sao. Đó là tâm tình và tư duy của tác giả. Hay hay dở đều đáng trân trọng. Nhưng làm được một vài bài nửa thơ, nửa vè mà cứ đem ra tra tấn người khác thì đúng là thảm họa! Dân gian xứ Quảng có lưu truyền hai câu thơ trào phúng điểm đúng tâm bệnh này. Rất tiếc không biết tác giả là ai.

Quảng Nam rất đỗi tự hào, quanh năm bão lụt mà người nào cũng mần thơ!

Có lần tôi ngồi với bè bạn trong một bàn nhậu nơi vỉa hè. Cuộc gặp tình cờ nên có đủ mọi thành phần. Dĩ nhiên là có màn... tra tấn nhau bằng thơ. Những người đọc thơ thì say sưa như người Nam Bộ uống rượu đế hát cải lương! Có một bạn trẻ có vẻ khoái uống bia hơn là nghe thơ, vẻ mặt khôi hài, ngồi im  nghe đọc thơ, rồi chờ khi cơn “say thơ” trên bàn lắng dịu, bèn nói:

- Nãy giờ các anh bàn thơ, ngâm thơ em nghe nể quá. Mấy anh làm thơ lục bát, thơ bảy chữ, năm chữ, thơ tự do... đủ các loại. Em cũng là nhà thơ có tuổi mà chưa có tên, em chỉ làm một loại thơ thôi, mà em tin chắc các anh nhà thơ ở đây không một ai biết thể thơ em làm đâu.

Tôi nhìn thấy một vài người lộ vẻ khó chịu. Có lẽ đó là một số nhà thơ đọc nhiều, tự cho mình uyên bác, thông thạo nhiều thể loại thơ ca. Cậu ta thủng thẳng nói tiếp:

- Thơ em làm là thơ nậm, em lấy bút hiệu Bá Nhàn.

Cả bàn ngạc nhiên vì chưa một ai từng nghe nói đến loại thơ nậm. Và dĩ nhiên cái bút hiệu Bá Nhàn thì quá xa lạ, chưa từng nghe nói đến. Nhưng sau một lúc thì cả bàn hiểu ra và cười ầm lên. Dĩ nhiên phải “dzô 100%” để thưởng cho câu nói. Làm thơ nậm (thâm nợ) mà không bá nhàn (bán nhà) mới là chuyện lạ!

Khi trên bàn đã dọn ra món cháo cá cu. Chủ quán thấy mọi người trên bàn ai cũng khen ngon, nên tham gia trò chuyện cho thêm phần rôm rả:

- Các anh không biết chớ con cá ni là loại cá đặc biệt, có tới bốn tên lận đó.

Chúng tôi suy nghĩ một hồi mà cũng không ai biết đó là bốn cái tên gì. Chủ quán cười hề hề, giải thích:
- Hồi nhỏ thì mình kêu hắn là con cá cu, lớn lên thì kêu là con cá chim, khi về già thì kêu là con cá đuối, lúc gần chết thì kêu là con cá liệt.

Tôi ôm bụng cười mà không khỏi thầm thán phục cách chơi chữ ngộ nghĩnh của người dân xứ Quảng.
Chỉ ngồi ở quán cóc vỉa hè một đôi lần mà tôi đã nghe được đủ thứ chuyện cười lý thú. Đủ để quên đi vài điều muộn phiền vặt vãnh trong cuộc sống.  Nhưng có lẽ cũng không nên lạm dụng tiếng cười, vì dù “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, nhưng nếu “cười lộn chỗ thì thành mười thang thuốc xổ” ắt nguy tai!

LIÊU HÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nụ cười hè phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO