Nữ nhà giáo sáng tạo

VĂN HÀO 12/03/2015 08:43

Hoạt động giao lưu “Nữ nhà giáo sáng tạo năm 2015” do Công đoàn ngành giáo dục tỉnh vừa tổ chức là cơ hội để nữ cán bộ, giáo viên các trường THPT trao đổi kinh nghiệm cũng như khích lệ tinh thần sáng tạo trong sự nghiệp giáo dục.

Cán bộ, giáo viên đến từ 25 trường THPT cánh Bắc Quảng Nam tham gia chương trình “Giao lưu nữ nhà giáo sáng tạo năm 2015” .  Ảnh: VĂN HÀO
Cán bộ, giáo viên đến từ 25 trường THPT cánh Bắc Quảng Nam tham gia chương trình “Giao lưu nữ nhà giáo sáng tạo năm 2015” . Ảnh: VĂN HÀO

Chia sẻ sáng kiến

Tham gia chương trình giao lưu tại 3 điểm trường đăng cai lần lượt tổ chức, lần đầu tiên 20 cán bộ, giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm đoạt giải cấp tỉnh trong các năm 2010 - 2014 có dịp chia sẻ đề tài về công tác giảng dạy, rèn kỹ năng sống cho học sinh, quản lý giáo dục… đến cán bộ, giáo viên bậc THPT của tỉnh, tạo điều kiện để đội ngũ nhà giáo giao lưu, học tập lẫn nhau.

“Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh thông qua một số trò chơi trong giờ học Lịch sử” là sáng kiến kinh nghiệm đoạt giải B cấp tỉnh vào năm 2012 của cô giáo Lê Thị Tuyết (Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, Quế Sơn). Đến với chương trình giao lưu do Trường THPT Nông Sơn đăng cai tổ chức, trước đông đảo cán bộ, giáo viên đến từ 25 trường THPT phía Bắc Quảng Nam, cô Lê Thị Tuyết đã thẳng thắn nêu lên thực trạng môn học Lịch sử đang ngày càng khiến học sinh không còn tha thiết. Từ đó, dẫn đến những hệ lụy như học sinh mất căn bản kiến thức về nguồn cội, thiếu kỹ năng sống hoặc khó thích ứng với những biến đổi của cuộc sống. “Một tiết học chỉ có thời lượng 45 phút nên mình phải canh đo thời gian hợp lý để lồng ghép một số trò chơi vào quá trình giảng dạy, từ đó phát huy khả năng tự tin, tính tự giác của học sinh. Chẳng hạn, với trò chơi có tên “Nhận diện lịch sử”, tôi sẽ đưa ra 3 bức ảnh và dành câu hỏi nhận diện tên nhân vật lịch sử đó cho những học sinh yếu kém. Tiếp đến, câu hỏi có độ khó hơn như “Nhân vật lịch sử đó gắn với sự kiện nào?” sẽ dành cho những em học khá hơn. Để động viên, mình có thể cho điểm cộng hoặc điểm ưu tiên vào những bài kiểm tra” - cô Tuyết chia sẻ.

Từ ngày 4 đến ngày 6.3 vừa qua, 56/61 trường THPT trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình “Giao lưu nữ nhà giáo sáng tạo năm 2015” tại 3 cụm đăng cai tổ chức: Trường THPT Trần Văn Dư (Phú Ninh), Trường THPT Nông Sơn và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Được biết, trong 20 sáng kiến kinh nghiệm được chia sẻ, tham luận tại các cụm, sẽ có 9 sáng kiến được chọn tham gia chương trình “Giao lưu nữ nhà giáo sáng tạo toàn ngành cấp tỉnh” vào tháng 5.2015.

Ở lĩnh vực hoạt động phong trào, cô Trương Thị Mỹ Nga (Trường THPT Sào Nam, Duy Xuyên) với đề tài “Một vài kinh nghiệm trong việc phối hợp tổ chức các hoạt động giữa ban nữ công và đoàn thanh niên” đã góp phần giúp các đoàn thể trường mình đang công tác xích lại gần nhau trong các hoạt động. Cô Nga chia sẻ, hầu hết học sinh rất thích các hoạt động ngoại khóa, chính vì vậy mà các đoàn thể phối hợp tổ chức những chương trình ngoài giờ như: câu lạc bộ phát thanh “Phút 46”, hoạt động giáo dục truyền thống, phòng chống tệ nạn trong trường học, tổ chức trò chơi Rung chuông vàng… được các em hứng thú tham gia. “Đây là công việc dễ dàng thực hiện, không tốn nhiều kinh phí. Chúng ta tổ chức là cho các em vui mà học chứ không nên gò ép các em theo ý kiến chủ quan của mình. Bản thân chúng tôi, khi tổ chức thường hỏi ý kiến các em về những yêu cầu, về nội dung hoạt động có đem lại sự thích thú hay không, thời gian như vậy hợp lý chưa? Chính nhờ đó mà có sự cộng tác, tương tác để những phong trào mang lại hiệu quả cao” - cô Nga nói.

Góp phần đổi mới giáo dục

Sáng kiến kinh nghiệm được chia sẻ tại các buổi giao lưu là những đề tài đã được ứng dụng, triển khai hiệu quả trong trường học nơi người có sáng kiến công tác. Qua thời gian ứng dụng, mỗi sáng kiến không chỉ mang lại hiệu ứng tích cực trong phong trào dạy - học mà còn góp phần thay đổi tư duy giáo dục. Cô Lê Thị Tuyết cho biết, hoạt động rèn kỹ năng sống cho học sinh bằng cách lồng ghép các trò chơi vào môn học được Bộ GD-ĐT quan tâm trong những năm trở lại đây. Từ việc đổi mới phương pháp dạy học, nhận thức của học sinh đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. “Học trò không còn cảm giác áp lực mà ngược lại sẽ tự tin, chủ động hơn để trang bị kiến thức cho bản thân, nhất là một môn học các em thường thấy “khó” như Lịch sử. Kết quả đó được kiểm chứng thông qua bảng điểm môn học này của học sinh tại những lớp tôi từng tham gia giảng dạy” - cô Tuyết cho biết.

Với đặc thù giảng dạy học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, qua hàng chục năm đứng trên bục giảng, cô Vương Thị Kim Quang (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh) đã dày công hoàn thành các đề tài “Khởi động tiết học tác phẩm văn chương” năm 2010 và “Góp phần nâng cao hiệu quả luyện thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Quảng Nam” năm 2013. Các đề tài này đều đoạt giải B cấp tỉnh. Cô Quang cho hay, nhờ có bước đột phá trong phương pháp dạy mà tỷ lệ điểm thi tốt nghiệp đạt khá môn Ngữ văn của học sinh nhà trường tăng cao theo từng năm. Là một trong 2 học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đoạt giải ba quốc gia môn Ngữ văn kỳ thi học sinh giỏi năm 2014, Hồ Thị Trởi (lớp 12.1) tâm sự: “Với cách giảng dạy của cô Quang, chúng em dễ dàng tiếp cận một tác phẩm văn học. Cùng một đề tài thông qua hình thức nghệ thuật ngâm thơ, kể chuyện khiến chúng em rất có hứng thú”.

Ông Nguyễn Văn Anh - Chủ tịch Công đoàn Sở GD-ĐT nói: “Những sáng kiến kinh nghiệm của các nữ cán bộ, giáo viên trong thời gian qua đã tạo nên động lực để nhân rộng điển hình lao động sáng tạo trong đội ngũ nhà giáo nói riêng và phong trào thi đua yêu nước của ngành giáo dục Quảng Nam nói chung”.

VĂN HÀO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nữ nhà giáo sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO