Nữ phu gỗ

Văn Hào 30/01/2013 08:05

Khi những cây keo lá tràm được cưa hạ, họ nhanh nhảu tới chặt cành, lột vỏ rồi khuân vác chất lên xe tải. Ngày càng có nhiều phụ nữ ở các xã miền núi huyện Quế Sơn theo nghề này vì gánh nặng mưu sinh...

Nghề đi cây góp phần tăng thu nhập nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro, nhất là đối với phụ nữ.
Nghề đi cây góp phần tăng thu nhập nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro, nhất là đối với phụ nữ.

Sáng sớm những ngày cuối năm với cái lạnh cắt da thịt, tại ngã ba chợ Sơn Trung (xã Quế Hiệp, Quế Sơn) có tốp phụ nữ chuẩn bị lên núi “đi cây”. Chị em theo nghề này có tuổi đời từ 25 - 40, quan trọng là sức khỏe thật dẻo dai mới có thể trụ được. Những năm gần đây kinh tế rừng mang lại hiệu quả, góp phần thay da đổi thịt nhiều địa phương như Quế Long, Quế Hiệp, Phú Thọ… và giải quyết đáng kể lao động phổ thông tại đây. Chị Nguyễn Thị Diệu, 36 tuổi (Quế Thuận) đi cây được hơn 5 năm, cho biết: “Làm nghề này đòi hỏi phải bền sức, những ngày đầu mới đi làm ai cũng thấy toàn thân đau ê ẩm nhưng riết rồi quen. Trời nắng còn đỡ chứ trời mưa cây thấm nước trơn trượt rất khó vác lên xe”. Cũng theo người phụ nữ này, nghề làm cây không cố định thời gian. Đi sớm nhưng làm chưa đủ khối lượng yêu cầu thì chưa về được, nhiều lúc 9, 10 giờ tối mới về tới nhà. Tiền công được thương lái tính 200 ngàn/ tấn cây. Làm việc cật lực mỗi ngày chị em kiếm được từ 120 - 150 ngàn đồng.

Những người đàn ông theo nghề này thì bình thường, thế nhưng đối với phụ nữ không hề đơn giản. Không ít trường hợp bị tử vong do cây đè, mới nhất là trường hợp của chị Nguyễn Thị Mai (45 tuổi, thôn 2B, Quế Châu). Còn những trường hợp bị gãy xương, xây xát khi làm việc là chuyện... thường. Chị Nguyễn Thị Hồng, 40 tuổi (Quế Thuận), nhớ lại: “Khi thấy gió quật cây ngã đổi hướng, tui vội vàng chạy tránh nhưng không kịp, cũng may chỉ bị gãy xương vai và gãy chân”.

Những ngày cuối năm nên không khí làm việc cũng chộn rộn hơn. Chị Lê Thị Chi (Quế Châu) tâm sự: “Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng chạp là tụi tui làm gấp rưỡi, gấp đôi để kiếm tiền lo tết. Ở đây ai cũng có ruộng nương nhưng làm không đủ ăn nên phải theo cái nghề này để kiếm thêm thu nhập”. Chị Chi cho biết gia đình phải làm cật lực mới có tiền cho con cái ăn học đại học. Bà Trần Thị Trinh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quế Sơn cho biết: “Chị em theo nghề làm cây đều có gia cảnh rất khó khăn. Nếu xảy tai nạn lao động, hội vận động các hội viên ở cơ sở đến động viên, thăm hỏi thường xuyên, giúp họ ổn định cuộc sống. Trước đây, hội đã vận động chị em theo học nghề mây tre đan nhưng do thu nhập thấp, tốn thời gian học nghề nên họ không tha thiết”.

Tiếng máy cưa nổ không ngừng nghỉ, cây keo tràm đổ rầm rầm. Những người phụ nữ hối hả đẩy nhanh nhịp độ công việc để tăng khối lượng cây. Các chị cho biết tháng chạp phải lo toan với nhiều khoản tiền nên làm việc không biết nghỉ ngơi, giờ giấc. Oằn lưng vác cây qua những đoạn đường đồi dốc, lầy lội, mồ hôi ướt sũng lưng áo họ giữa tiết trời giá lạnh. Kết thúc ngày làm việc mệt nhoài khi trời đã nhá nhem tối, những người phụ nữ vội vã trở về nhà lo cơm nước cho chồng con…

Văn Hào

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nữ phu gỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO