(QNO) - Với kết quả bầu cử Quốc hội Đức diễn ra ngày 22.9, bà Merkel sẽ tiếp tục lãnh đạo nước Đức bốn năm tiếp theo. Đây cũng là lần đầu tiên lịch sử châu Âu có nhà lãnh đạo nữ cầm quyền liên tiếp nhiệm kỳ thứ 3.
Kết quả cuộc bầu cử, Đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU-CSU) của đương kiêm Thủ tướng Đức Angela Merkel chiếm được 42,5% số phiếu bầu, mức cao nhất kể từ năm nước Đức thống nhất (1990). Kênh truyền hình ZDF của Đức cho biết, khối liên minh của Thủ tướng Merkel đã tạo nên chiến thắng lịch sử khi nhận được 304 trong số 606 ghế tại Hạ viện. Sau chiến thắng, bà Merkel phát biểu: “Đây là một kết quả siêu đẳng. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để tạo nên thành công hơn nữa cho nước Đức trong bốn năm tiếp theo”. Quả vậy, với kết quả này cho thấy niềm tin của đại đa số người dân Đức vào vị lãnh đạo đương niệm của mình trong việc chèo lái đất nước thời gian qua cũng như trong tương lai. Bà Merkel đã chứng tỏ được tài lãnh đạo sắc bén của mình khi đưa nước Đức vượt qua cuộc khủng hoảng đồng euro. Ngân sách quốc gia của Đức đang tiến tới quân bình giữa chi và thu, mức thất nghiệp từ 5 triệu người đang giảm xuống dưới 3 triệu người. Không những thế, nước Đức dưới sự lãnh đạo của bà còn được ví như “ngọn hải đăng” dìu dắt châu Âu vượt qua cơn suy thoái và bước vào giai đoạn hồi phục hiện nay.
Bà Angela Merkel tham gia bỏ phiếu tại Berlin hôm 22.9. Ảnh: Reuter |
Các chuyên gia nhận định, bà Merkel là một chính khách thông minh, cương quyết, thận trọng và nhạy cảm. Bà Merkel lớn lên ở Đông Đức cũ và tốt nghiệp tiến sĩ vật lý. Khi nhậm chức Thủ tướng vào năm 2005, bà Merkel đã hưởng những thành quả rất tốt từ cuộc cải cách sâu rộng trong kinh tế, tài chính… của cựu Thủ tướng Schröder và biết cách duy trì cũng như phát triển thành quả ấy một cách hữu hiệu. Nhờ vậy, trong cơn biến động tài chính vừa qua, bà Merkel trở thành một trong số rất ít các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn trụ vững so với 19 đồng nghiệp đương nhiệm trong khối rời chức vụ kể từ đầu năm 2010. Vì vậy, cuộc bầu cử quốc hội lần này tại Đức đã thu hút sự chú ý của toàn châu Âu. Đối với bên ngoài, uy tín quốc tế của bà Merkel rất cao. Trong đó, sự kiện mà báo chí thế giới cũng như người dân Đức đánh giá cao là việc bà Merkel quyết định cho ngưng hoạt động nhiều nhà máy điện nguyên tử ở Đức, thúc đẩy nhanh năng lượng điện mặt trời và sức gió trước thảm họa tại một số lò điện hạt nhân ở Fukushima (Nhật Bản) vào đầu năm 2011.
Tuy nhiên, theo quy định của luật pháp Đức, các Đảng sẽ liên danh với nhau và nếu giành trên 45,5% tổng số phiếu bầu sẽ có quyền thành lập Chính phủ và chỉ định thủ tướng. Bà Merkel dự báo sẽ gặp khó khăn khi quốc hội bị chi phối bởi bên cánh tả như SPD và Đảng Xanh. Việc đàm phán với phe đối lập SPD có thể khiến bà Merkel phải nhường lại một số vị trí nội các quan trọng cho SPD và chấp nhận các chính sách của đảng này như về quy định mức lương tối thiểu và tăng thuế đối với những người có thu nhập cao nhất - điều mà bà Merkel đã phản đối trong chiến dịch tranh cử. Ngoài ra, bà Merkel cũng phải đối mặt với những thách thức lớn về chính sách năng lượng hạt nhân tái tạo, đặt ra tầm nhìn mới cho khu vực đồng euro trong giai đoạn thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao…
KIM OANH (tổng hợp)