(QNO) - Nữ tiến sĩ Kate Nguyễn (38 tuổi, người Việt) - chuyên gia vật liệu hàng đầu tại Australia vừa được vinh danh với đóng góp về hạn chế thiệt hại do cháy rừng cho các ngôi nhà ở nông thôn của Australia.
Theo trang web theaustralian.com.au, Kate Nguyễn lấy bằng kỹ sư hóa học và kỹ thuật vật liệu của các trường đại học ở Việt Nam. Vào năm 2011, chị tốt nghiệp tiến sĩ kỹ thuật dân dụng của Đại học Melbourne, Australia.
Khi đến Australia, Kate Nguyễn thường nghe nói về những đám cháy rừng dữ dội bùng phát trên toàn Australia trong những tháng hè nắng gắt.
Chị nói: “Khi tôi nhìn thấy các vấn đề xung quanh cháy rừng, điều đó khiến tôi phải suy nghĩ về một giải pháp chuyên môn, khoa học như vật liệu chống cháy. Bởi vì đó là lĩnh vực mà tôi nghiên cứu”.
Kate Nguyễn được ghi tên trong tạp chí nghiên cứu của Australia - The Australian’ 2021 Research với tư cách là nhà nghiên cứu hàng đầu của nước này về vật liệu tổng hợp. Theo đó, chị phát triển một lớp phủ dạng xịt cho các tòa nhà nông thôn, giúp chúng chống lại sự tàn phá của cháy rừng.
Tần suất và mức độ nghiêm trọng của cháy rừng đang gia tăng cùng với biến đổi khí hậu và ngày càng trở thành mối nguy hiểm đối với cuộc sống, môi trường và ngôi nhà của người dân tại nhiều khu vực, gây thiệt hại về người cũng như khiến diện tích rừng bị thu hẹp.
“Đó là lý do tại sao tôi nảy ra ý tưởng có một lớp phủ bổ sung bên trên bề mặt cơ sở hạ tầng hiện có để bảo vệ cấu trúc đó, giúp chúng có thể chịu được cường độ cháy, giảm thiệt hại” - nữ tiến sĩ cho biết.
Kate Nguyễn hiện là giảng viên cao cấp tại Đại học RMIT và là kỹ sư trưởng của Cladding Safety Victoria - sáng kiến của chính quyền bang Victoria (Australia) nhằm chống cháy cho các công trình bằng vật liệu phủ.
Nữ tiến sĩ Kate Nguyễn đang phát triển lớp phủ chống cháy cho các tòa nhà nông thôn như một dự án độc lập, được tài trợ bởi tổ chức L’Oréal-UNESCO vì phụ nữ trong khoa học.
Lớp phủ giống như gốm mà chị đang phát triển như một chất chống cháy sẽ phủ lên các bức tường của các tòa nhà và tạo ra một lớp vỏ bảo vệ bên ngoài, lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào trong lớp vỏ của tòa nhà để vừa chống cháy vừa giảm nhiệt và áp suất cần thiết.
Đáng chú ý, vật liệu được chị phát triển làm từ chất thải công nghiệp và xây dựng, qua đó cũng góp phần bảo vệ môi trường. Làm việc với các đối tác trong ngành, Kate Nguyễn hy vọng vật liệu phủ chống cháy sẽ được bán trên thị trường trong vòng một năm tới.
“Niềm đam mê của tôi là mang lại sự an toàn, bền vững trong phòng cháy và chữa cháy cho các ngôi nhà, công trình” - Kate Nguyễn nói.