Nữ trưởng thôn "điểm 10"

THIÊN NGA - THIÊN XUÂN 06/05/2013 08:27

Bén duyên với thôn nghèo Pà Nai II, xã Tà Lu (huyện Đông Giang) khi tham gia mở đường giao thông từ thời còn xuân xanh, cô Dương Thị Hòa đã có những việc làm thiết thực như mở lớp xóa mù chữ, vận động bà con xóa bỏ hủ tục, giúp nhân dân vươn lên thoát nghèo.

Cô Dương Thị Hòa trong vườn nhà.Ảnh: NGA XUÂN
Cô Dương Thị Hòa trong vườn nhà.Ảnh: NGA XUÂN

Duyên với quê nghèo

Sinh năm 1957, quê ở huyện Điện Bàn; năm 17 tuổi, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô Dương Thị Hòa vào thanh niên xung phong, tham gia xẻ núi đắp đường từ Túy Loan lên huyện Hiên cũ (ĐT604), nay là Quốc lộ 14G từ Đà Nẵng lên Đông Giang. Những ngày ấy, song hành với công việc mở đường là cái lạnh như cắt da cắt thịt, những cơn sốt rét rừng hành hạ. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, mặc cho gian khổ, hiểm nguy, cô Hòa quyết tâm bám trụ, mong góp công sức nhỏ bé của mình để tuyến đường được khai thông.

Thời gian trôi, ban ngày cô tham gia mở đường, đêm đến thắp đèn làm cô giáo dạy chữ cho đồng bào Cơ Tu. Cô còn hát hay, múa đẹp, biết làm thơ nên được mọi người tặng cho biệt danh “chim họa mi”. Đến năm 1980, cô lập gia đình với chàng trai cùng đơn vị. Và rồi, cái duyên cái tình đã giữ hai người ở lại với bà con Cơ Tu xã Tà Lu, dù con đường đã xong, nhiều đồng đội đã về xuôi. Vừa giỏi công việc gia đình, vừa tận tâm với công việc xã hội, cô được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã. Tháng 6.2011, cô về hưu, được bà con thôn Pà Nai II tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, là đại biểu HĐND xã Tà Lu.

Người phụ nữ của xã hội

Trong hôn nhân của người Cơ Tu nổi lên vấn đề “trả nợ hồi môn”. Nghĩa là, cha mẹ bên nhà gái có tục thách cưới, người con trai phải đem nhiều sính lễ có giá trị như trâu, bò, heo, chum, ché… tới hỏi cưới. Chính sự tốn kém này nên đàn ông Cơ Tu có quan niệm cưới vợ về nhà là để làm thay mình. Vì thế, người phụ nữ Cơ Tu trở thành lao động chính trong gia đình để trả nợ cho những sính lễ mà gia đình mình đã nhận. Để gạt tư tưởng đó ra khỏi cuộc sống đồng bào Cơ Tu, cô Hòa đã đến từng nhà vận động, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tư vấn về Luật Hôn nhân gia đình, chỉ cho bà con cái gì đúng, cái gì chưa hay… Với sự tích cực vận động, tuyên truyền lại có tài thuyết phục nên những hủ tục, thói quen chưa tốt của bà con trong thôn dần được xóa bỏ; đặc biệt, sự bất bình đẳng giới không còn như trước nữa.

Cô Hòa còn tích cực vận động bà con trong thôn thực hiện kế hoạch hóa gia đình, hưởng ứng phong trào xóa mù chữ. Với sự vận động của cô, từ đầu năm 2013 đến nay, vào các đêm thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu, lớp học xóa mù chữ (gồm 15 người, tuổi từ 15 đến 30) được tổ chức tại gươl làng, do thầy cô trường Tiểu học xã Tà Lu đứng lớp. Ngoài lớp học xóa mù chữ dành cho người lớn, cô và các thành viên trong Ban nhân dân thôn còn xây dựng Câu lạc bộ đọc truyện cho trẻ tại nhà gươl. Mỗi tháng 2 lần, ban nhân dân thôn phối hợp với thầy cô trường Tiểu học Tà Lu tổ chức đọc truyện kể về lịch sử, những câu chuyện về tấm gương vượt khó học giỏi… cho trẻ em trong thôn nghe nhằm rèn luyện kỹ năng sống và sự hiểu biết cho các em.

Để người dân có cuộc sống ổn định, đẩy lùi đói nghèo, cô Hòa dành nhiều thời gian hướng dẫn cho bà con cách trồng trọt, chăn nuôi. Chị Chu Thị Mộc, người dân trong thôn, cho biết trước đây do không biết cách làm ăn, nhà có đất vườn nhưng bỏ cho cỏ mọc, dắt díu nhau xuống xã Ba làm thuê, nên khó khăn thiếu thốn vẫn đeo bám. Nhờ có cô Hòa tận tình chỉ vẽ, bày cho cách trồng hoa màu mà giờ gia đình tôi đã có của ăn của để, con cái có điều kiện học hành. “Để mọi người tin tưởng và làm theo, mình phải là người đi đầu thực hiện”. Từ suy nghĩ đó, cô Hòa đã biến 4 sào đất vườn nhà mình thành mô hình trồng rau kết hợp chăn nuôi. Nhờ mô hình này mà vợ chồng cô có tiền để trang trải cuộc sống gia đình và nuôi 2 con đang theo học đại học ở Huế và đứa út học lớp 11.

Phần thưởng lớn nhất

Không riêng gì công tác phụ nữ, cô Hòa còn kiêm luôn các công tác “không lương” như Chủ tịch Hội Khuyến học, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã… nhiệm vụ nào cô cũng hoàn thành xuất sắc. Nhà cô treo rất nhiều bằng khen, giấy khen ghi nhận đóng góp như kỷ niệm chương của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, kỷ niệm chương vì sự nghiệp khuyến học, giấy chứng nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở… Tuy nhiên, cô bảo phần thưởng lớn nhất của mình là đã thay đổi được nhận thức của bà con Cơ Tu trong việc kế hoạch hóa gia đình, định canh định cư, làm kinh tế gia đình, xóa mù chữ…; và phần thưởng từ gia đình là những đứa con chăm ngoan, học giỏi.

Một người đã đi qua những năm tháng tuổi trẻ cùng với con đường mở lên vùng cao giờ đây vẫn tươi nguyên nhiệt huyết với công việc “vác tù và hàng tổng”. Cô Hòa như con ong cần mẫn giữa đại ngàn đang chắt chiu góp giọt mật cho đời. “Người phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” là lời chị em phụ nữ và bà con ở xã Tà Lu nói về cô với cả niềm tin yêu, mến phục.

THIÊN NGA - THIÊN XUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nữ trưởng thôn "điểm 10"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO