Trên tạp chí Life (Mỹ) số ra ngày 17/7/1970 xuất hiện bức ảnh nổi tiếng về một nữ tù chính trị người Quảng Nam ở nhà tù Côn Đảo. Đương thời, bức ảnh ấy cùng với các hình ảnh, tư liệu liên quan chế độ lao tù tàn bạo đã dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ và rộng lớn trên thế giới.
Bức ảnh chấn động từ “chuồng cọp”
“Chuồng cọp” - một khu trại giam biệt lập được xây dựng từ năm 1940 để thực dân Pháp giam cầm tù nhân chính trị mà chúng cho là đặc biệt nguy hiểm. Đây cũng là nơi tra tấn tù nhân dã man, tàn bạo nhất.
Sang thời đế quốc Mỹ, khu “chuồng cọp” tiếp tục mở rộng và phần mở rộng này gọi là “chuồng cọp Mỹ” với mức độ tàn khốc, cách thức tra tấn dã man hơn rất nhiều.
Đầu tháng 7/1970, Tom Harkin - một phi công kiêm nhiếp ảnh gia nghiệp dư 30 tuổi, với vai trò trợ lý cho một ủy ban của Quốc hội Hoa Kỳ, đã có chuyến đi thăm nhà tù Côn Đảo, cùng với nghị sĩ của bang California.
Khôn khéo vượt qua sự che giấu tinh vi của cai tù, Tom Harkin đã tận mắt chứng kiến tình cảnh vô cùng tồi tệ ở “chuồng cọp”, sau đó phản ảnh khá chân thực trên tạp chí Life, số ra ngày 17/7/1970.
“Bên dưới những thanh sắt này, các tù nhân ngồi co cụm. Hơn nửa trong số họ là phụ nữ, và có một cô bé mới chỉ 15 tuổi. Không khí hôi hám, cùng với hơi nóng hầm hập. Những thanh sắt bám đầy vôi. Những người tù kể rằng lính canh đã đổ vôi vào họ để trừng phạt. Vôi làm họ bỏng mắt và ngạt thở.
Tất cả tù nhân đều bị bệnh: lao phổi, đau mắt và suy dinh dưỡng… Những người ốm nặng nhất nằm trên sàn, trong khi những người khác dùng những miếng giẻ để quạt cho họ. Chẳng mấy ai có thể đứng được, bởi họ thường xuyên bị xích” - Tom Harkin mô tả.
Ống kính của Tom Harkin đã chụp rõ nét “chuồng cọp” cùng hình ảnh một nữ tù chính trị lớn tuổi gầy gò ngồi trên bệ xi măng, đôi mắt mù ngước lên phía trên.
Hàng chục tờ báo lớn ở 33 nước và truyền hình Mỹ đã đăng lại bức ảnh ấn tượng này, góp phần thổi bùng ngọn lửa phong trào phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam lan rộng trên chính nước Mỹ và trên toàn thế giới. Chính quyền địch buộc phải ra lệnh dỡ bỏ “chuồng cọp” Côn Đảo.
Người mẹ giữa chốn địa ngục
Đến với Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (số 28 đường Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.Hồ Chí Minh), khách tham quan có dịp tìm hiểu về mô hình “Chuồng cọp” của nhà tù Côn Đảo và tượng một nhân vật nữ tù chính trị - từng xuất hiện trên tạp chí Life (Mỹ) số ra ngày 17/7/1970. Đó là má Sáu mù - Nguyễn Thị Chỉ.
Theo tư liệu của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, má Sáu sinh năm 1918, quê ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sống ở Sài Gòn và là cơ sở cách mạng, má nuôi giấu cán bộ, làm công tác tuyên truyền, rải truyền đơn... Tháng 5/1968, cơ sở của má bị lộ, chính quyền Sài Gòn bắt má và đày ra Côn Đảo.
Được xem là hình tượng “người mẹ giữa chốn địa ngục”, má Sáu đã để lại nhiều tình cảm gần gũi, thân thương đối với các tù nhân Côn Đảo. Bị bọn cai ngục lấy mủ cây xương rồng nhỏ vào mắt làm cho mắt bị mờ dần và sau đó mù hẳn do bị khủng bố bằng vôi bột. Cái tên bà Sáu mù có từ đấy.
Bị giam trong “chuồng cọp” và dù sống trong bóng tối nhưng má Sáu vẫn sát cánh đấu tranh cùng bạn tù, luôn lạc quan, tin tưởng cuộc kháng chiến sẽ thành công. Trong trại giam má thường ngâm các câu thơ: “Vì rủi phải mắc vành xiềng xích/Đành cắn răng thà chết không khai/Chết là chết cái hình hài/Sắt son một tấm gương đời treo cao...” (Kinh nhật tụng của người chiến sĩ - Khương Hữu Dụng).
Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, người từng bị địch giam ở phòng giam số 35 nhà tù Côn Đảo, chia sẻ cùng báo giới, khi được hỏi về những ngày tháng chiến tranh: “(...) tôi nhớ má Sáu mù - một trong những người ở “chuồng cọp” cùng tôi.
Trong những ngày tháng bị giam cầm, má Sáu luôn nói về những ngày hòa bình. Dù mạng sống đang nằm trong tay kẻ thù, mắt mù không thấy gì nhưng má luôn có ước mơ. Má từng nói với tôi, chừng nào hòa bình, má sẽ trở về quê hương Quảng Nam để thăm lại bà con họ hàng. Má cũng mong được một lần ra thăm Hà Nội để viếng Bác Hồ...”.
Sau khi vụ “chuồng cọp” bị phanh phui và bị dư luận thế giới lên án gay gắt, chính quyền Sài Gòn buộc phải nới lỏng chế độ giam cầm, một số tù nhân được trả tự do, trong đó có má Sáu. Thoát khỏi “địa ngục trần gian” Côn Đảo, trở về Sài Gòn, má tham gia ngay vào cuộc đấu tranh của Ủy ban cải thiện chế độ lao tù miền Nam Việt Nam.
Mặc dù mắt mù, khó khăn khi di chuyển nhưng nơi đâu có phong trào đấu tranh là má tìm cách đến để tham gia. Dáng mỏng manh, đôi mắt mù ngơ ngác và giọng nói uất nghẹn của má khi nào cũng khiến cử tọa rơi nước mắt.
Khi đất nước hòa bình, má Sáu không ngại khó, tham gia các hoạt động của Hội Người mù TP.Hồ Chí Minh. Là thành viên của Ban Chấp hành, má góp phần đưa cuộc sống của người khiếm khuyết hòa nhập với cộng đồng.
Má không quên quan tâm, thăm hỏi các nữ tù đã cùng mình chia sẻ khó khăn trong thời gian bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo. Má nhận chăm sóc con của bạn tù để họ yên tâm công tác.
Ngày 8/3/2011, trái tim má Sáu - Nguyễn Thị Chỉ đã ngừng đập ở tuổi 93, để lại nỗi tiếc thương khôn nguôi trong lòng đồng chí, đồng đội, đồng bào về hình ảnh một nữ tù chính trị Côn Đảo người Quảng Nam kiên trung, bất khuất nhưng cũng rất giàu lòng nhân ái.