Truyện ngắn

Nửa mái âm dương

NGUYỄN BÁ HÒA 24/11/2024 10:11

Tiếng chim bìm bịp kêu phía sau vườn. Mấy hôm nay trong vườn có đôi bìm bịp không rõ từ nơi nào đến, trước đây chưa thấy bao giờ.

Ông định đi ra xem sao, nhưng rồi vẫn đứng im, nhìn đăm đăm ra cổng. Những dây leo dại bò ngang bò dọc phủ kín nửa mái ngói âm dương khiến cái cổng đã cũ trông tồi tội làm sao. Ông chép miệng chậc lưỡi thở dài rồi đi vào nhà.

MH Truyen (24-11)
Minh họa: VĂN TIN

Như mọi lần hễ có chuyện gì đó bận tâm, ông lại lục tìm quyển gia phả ngồi đọc. Ông cố của ông từ trong Nam ra đây làm quan, vậy là cái cổng và cái giếng của nhà ông tồn tại đã hơn hai trăm năm rồi. Không cổ thì cũng xưa, thế mà! Ông lại thở dài.

Nhớ hồi sau năm 1975, thôn trưởng dẫn du kích đến đòi đập bỏ cái cổng vì nó là tàn dư của chế độ phong kiến. Tức đến run người nhưng biết mình không chống nổi lệnh nên ậm ừ: “Đập thì đập, phá thì phá, chỉ yêu cầu mấy ông cho xin cái giấy có dấu đỏ”.

Một ngày, hai ngày..., chờ hoài không thấy đập phá gì, thì ra là tay thôn trưởng vì ghen ăn tức ở nên bày chuyện, chứ có lệnh lạc gì đâu. Tai qua nạn khỏi, ông tu bổ cái cổng cho dễ dắt xe lên xuống, cho người ta hiểu rằng nó không là tàn dư tàn thiếu gì, nó chỉ là cái cổng để đi ra đi vào...

Ờ mà thôi, mặc kệ người ta, việc mình mình làm. Nói tu bổ cho sang thực ra không dễ gì tu bổ. Những hàng chữ nho xưa bằng mẻ sứ mẻ sành gì đó bong tróc hơn nửa rồi. Có muốn gắn lại cũng phải nhờ đến thầy giỏi chữ chứ đâu tự làm được.

Ông để bụng nhất định phải phục dựng cái cổng xưa này, nó và mảnh vườn nhỏ là kỷ vật của cha ông còn lại. Thực ra nhiều lần ông cũng thấy mỏi mệt vì nó: mấy vuông hương hỏa vô thường đất đai tự sự khói hương quá tầm, nhưng không thể buông bỏ được.

Nhưng rồi công ăn việc làm cuốn ông vào guồng quay cơm áo gạo tiền, chuyện cái cổng đi vào quên lãng dù ngày nào ông và gia đình ông cũng chui ra chui vào qua đó.

Cho đến một ngày, ai đó dựng chiếc xe máy ngoài ngõ hỏi vọng vào, ông xếp quyển sách đang đọc dở, chạy ra xem thử. Ồ, là Phong! Nhà văn nhà báo gì đó, cũng có chút tiếng tăm, ông quen hắn qua một người bạn. Ông nhận ra ngay vì mái tóc bồng bềnh của hắn.

- Mời vào nhà chơi!

Hắn không vào nhà, lấy cái máy ảnh ra, cười hề hề.

- Cho tôi chụp cái cổng, chừ mà còn cái này hiếm lắm quý lắm!

Không cần ông đồng ý hay không hắn cứ việc chụp.

- Vào nhà uống nước, lâu quá không gặp!

Chừ hắn mới theo ông vào nhà, nghĩa là hắn đã xong việc.

- Anh đã xem ti vi chứ, tối qua đó.

- Không, lu bu công việc, mà có chuyện chi?

- Cái cổng nhà anh lên ti vi, thị xã mình còn hai cái cổng xưa cần gìn giữ, di sản văn hóa mà!

- Tôi không biết chi cả!

- Thì phóng viên người ta đến quay phim, chắc anh chị và mấy cháu không có nhà!

- Vậy anh cũng định viết bài về nó!

- Vâng! Xin anh một số tư liệu về nó, ý kiến của anh về niềm tự hào khi sở hữu nó, vân vân và vân vân.

Vậy là chuyện cái cổng xưa lại quay về trong suy nghĩ của ông. Ti vi đã đưa tin, báo đã đăng, không chỉ bài báo của hắn mà còn của mấy người nữa. Ông hiểu lờ mờ rằng cái cổng nhà ông bây giờ đã thành di sản cần được giữ gìn.

Ông vui lắm, những bữa cơm, ông kể cho con cái nghe chuyện ngày xưa, nào là tại sao cái cổng xưa thì còn mà ngôi nhà xưa năm gian thì mất, nào là truyền thống gia đình con cháu không những ra sức gìn giữ mà phải làm cho nó bừng lên, nào là di sản văn hóa vật thể phi vật thể đã ở ngay mảnh vườn này rồi...

Nói hoài nghe hoài cũng chán, ăn mất ngon, thế là chuyện cái cổng xưa lại thưa dần rồi mất hút. Mà đâu chỉ nó mất hút tại nhà ông, hình như mọi người cũng không còn nhớ đến những bài báo đã một thời khiến ông vui sướng tự hào.

Khu vườn nhà ông tuy nằm ở trung tâm thị xã nhưng trong một khu dân cư đông đúc, đường làng ngõ xóm chật hẹp nham nhở. Mùa mưa mới khổ làm sao. Nước từ xóm trên cứ theo con đường mà chảy, đi ngang qua nhà ông xuống xóm dưới đổ ra sông.

Con đường bị bào mòn thấp dần theo năm tháng. Cái cổng tự nhiên cao lên, mỗi lần dắt xe lên cổng thêm khó, khách đến chơi nhà cũng phải để xe ngoài đường. Cả nhà bàn nhau giải quyết chuyện này.

Không thể nâng mặt đường lên được, nên phải làm lại cổng mới thôi. Từ vợ con đến hàng xóm láng giềng khuyên ông phá bỏ cổng cũ và làm lại cổng mới. Đập bỏ thì dễ thôi nhưng ông sợ lắm, không phải sợ chuyện di sản cần phải bảo tồn, chỉ sợ ông bà quở trách, ông sợ người ta cho ông là đồ vô ơn bạc nghĩa...

Và ông quyết định vẫn giữ nguyên cái cổng xưa nhưng không sử dụng, làm thêm một cái cổng mới kề bên để ra vào cho tiện. Cái cũ nằm bên cái mới khiến kẻ khen người chê, mặc kệ. Ông vẫn nguyện với lòng một ngày nào đó sẽ nhờ người phục dựng cái cổng như xưa.

Ngược với chuyện thị xã lên thành phố, cái cổng nhà càng ngày càng xuống cấp. Thỉnh thoảng bạn đồng niên đến chơi người khuyên ông trùng tu cái cổng, nào là cổ xưa, nào là đặc biệt quý hiếm... cũng có người khuyên ông phá bỏ đi để làm gì nhếch nhác khó coi...

Một ngày vui ông thấy bỏ đi là đúng, một ngày buồn ông lại thấy cần phải trân trọng giữ gìn. Khi buồn khi vui, khi nắng khi mưa, cứ thế khiến ông mệt mỏi vô cùng. Con cái trong nhà thấy cha như vậy cũng chẳng dám góp ý kiến gì. Cũng may, chuyện gì rồi cũng qua, chính ông cũng quên hẳn cái cổng nhà mình.

Mấy ông văn hóa trên tỉnh trên thành phố cũng quên hẳn cái cổng nhà ông. Đùng một cái, con đường trước nhà được bê tông hóa, được mở rộng nâng cấp, vô tình cái cổng nhà ông trở thành chướng ngại vật của dự án công trình. Mở rộng đường ai mà không muốn, nhiều người đã hiến đất hiến vườn, nhưng cái cổng nhà ông thì... nhất định không thể bỏ đi được.

Mới đây thôi ông đã nhờ bác Tín, một thầy giáo già giỏi chữ Nho từ Huế vào xem cái cổng. Trên cao phía mặt tiền, có ba chữ, chỉ còn lại hai chữ, chữ “cát” và chữ “môn”, hai bên là hai câu đối, mỗi câu chừng hơn mươi chữ, nhưng còn nguyên vẹn chừng vài chữ, phía hậu cũng có hai câu đối, cũng bong tróc gần hết.

Bác Tín kỹ tính, cạo rêu bám, chụp hình, nghiên cứu gia phả... vẫn chưa biết chắc ba chữ trên cổng là gì làm sao phục dựng cả mấy câu đối đã mất hết chữ. Bác hứa sẽ nghiên cứu thật kỹ thật sâu rồi sẽ trả lời ông, càng sớm càng tốt.

Đã gần một năm rồi, không nghe bác Tín ư hử gì, ông hiểu là đang gặp khó nhưng vẫn chờ đợi. Thằng con trai lớn chuẩn bị sắm ô tô nên đồng tình chuyện mở đường cứ len lén nhìn ông, cứ ngập ngừng chuyện cái cổng.

Ông hiểu nó muốn ông bỏ cái cổng nhưng không dám nói, còn ông không biết ông đang nghĩ gì nữa. Một đoàn quân dân chính của xóm đến thuyết phục ông, lúc nào cần hy sinh cái mới để bảo tồn cái cũ, lúc nào cần hy sinh cái cũ để phục vụ cái mới..., khiến ông lùng bùng cả tai đau đầu nhức óc.

Không nghe theo mọi người thì thành kẻ bảo thủ ích kỹ xấu xa tồi tệ, mà nghe theo họ thì đau lòng quá, cái cổng của cha ông xưa chứ phải của ông đâu. Cuối cùng ông cũng lựa được một câu trọn vẹn đôi đường: tuy là cái cổng của nhà tôi nhưng tôi không quyết được bởi trước đây trên thành phố đã có ý bảo tồn gìn giữ nó, vậy bà con xóm mình muốn bỏ đi phải lên trên xin phép.

Thật không ngờ khi nghe ông nói vậy họ không bàn tới chuyện mở đường nữa, có lẽ họ ngại đụng đến di sản, cũng có thể họ không muốn gặp phải phiền toái rắc rối...

Một lần nữa tai qua nạn khỏi, nhưng càng ngày cái cổng xưa càng nhếch nhác hơn, càng xấu xí hơn bởi quang cảnh xóm làng ngày một xanh sạch mới mẻ hơn.

*
* *

Trời chuyển mùa, ông nghe xương khớp cũng chuyển răng rắc mỗi khi trở mình. Đôi chim bìm bịp ngày xưa chừ cũng con đàn cháu đống, kêu suốt ngày, khiến cái vườn nhà ngày một bí ẩn và hoang phế.

Bọn nhỏ ra riêng cả, hai vợ chồng ông không chăm sóc nổi mảnh vườn, cỏ dại um tùm. Nhớ hôm trước, thằng Cả về chơi có nhắc chuyện cái cổng xưa, mà là cái cổng xưa của ông Ấm Dậu, một trong hai cái quý hiếm của thành phố.

- Cha ơi! Cái cổng nhà ông Ấm không còn nữa, con cháu xây lại bờ thành cổng mới hoành tráng hiện đại đẹp lắm!

Ông hiểu nó muốn nói gì, thôi thì chiều theo ý nó, mà không theo cũng không được.

- Các con cũng nên làm vậy, vườn nhà cũng cần phải tu bổ, chỉnh trang lại.

Tưởng nói vậy là bọn trẻ sẽ vui ai ngờ thằng Cả rụt đầu le lưỡi.

- Cha đã từng dặn chuyện cái cổng xưa cũng như chuyện mồ mả, là chuyện của ông bà, là chuyện thiêng liêng, không tự ý muốn làm gì thì làm. Bọn con không dám đâu! Bọn con sợ lắm!

Nhìn mặt biết ngay là nó sợ thật. Thì ra ông đã gieo vào đầu óc các con nỗi ám ảnh không đáng có, nỗi sợ hãi vô cớ. Vậy là ông phải tự tay mình đập bỏ nó khi còn có thể. Ông gọi điện cho bác Tín ở Huế hỏi thăm sức khỏe đồng thời báo với bác về quyết định của mình.

Ông chọn ngày, là ngày giỗ của nội thằng Cả vào tháng sau, để thông báo với đại gia đình về chuyện ông sẽ thuê thợ đập bỏ cái cổng cũ, nâng cấp cái cổng mới... trước tết này.

Để cho bọn trẻ bất ngờ và không muốn chúng bàn ra bàn vô nữa, ông giữ bí mật những quyết định của mình. Sắp xếp đâu vào đó ông thấy nhẹ lòng. Nhưng những cơn mưa mùa đông mang theo cái lạnh ẩm ương khiến ông khó thở và khó ngủ.

Một đêm trước đông chí gió hun hút và tiếng bìm bịp kêu phía cuối vườn, lần cuối ông mở mắt nhìn qua ô cửa kính, cái cổng xưa vẫn còn đó, dây leo dại vẫn bò dọc bò ngang che kín nửa mái âm dương.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nửa mái âm dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO