Có thể còn không ít điểm nghẽn, chưa thể thu hút, bùng nổ đầu tư, nhưng nỗ lực thực hiện ba mũi đột phá chiến lược về “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” của Quảng Nam đã góp phần tạo sinh khí cho nền kinh tế địa phương phát triển.
1. Đại lộ 129 kết nối 2 Bắc - Nam Quảng Nam kéo từ Hội An đến tận Chu Lai đã biến đông Quảng Nam nghèo khó lâu đời trở thành khu vực kinh tế năng động bậc nhất, hay những con đường kết nối giao thông Đông - Tây đã mở là những hình dung dễ thấy nhất về sự thay đổi của địa phương trong vài năm qua.
Ý nghĩa to lớn của nỗ lực đầu tư hạ tầng không chỉ dừng ở kết nối giao thông mà còn mở ra sự hoàn thiện về mạng lưới cấp điện, nước, bưu chính viễn thông, hạ tầng kỹ thuật các khu - cụm công nghiệp, đô thị và những công trình trọng điểm về y tế, giáo dục, an sinh xã hội…
Theo Sở KH-ĐT, giai đoạn 2021 - 2023 tổng vốn đầu tư toàn xã hội hơn 102 nghìn tỷ đồng đã đổ vào xây dựng hạ tầng, phát triển đô thị (tăng bình quân 6,6% năm). Nhiều công trình giao thông lớn, mang tầm chiến lược quan trọng kết nối liên vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đã được đầu tư xây dựng.
Sông Cổ Cò, Trường Giang... đã được nạo vét. Hệ thống cảng biển, sân bay, hạ tầng các khu công nghiệp gắn nhóm dự án về dịch vụ vận tải, hậu cần cảng, logistics tạo đà thu hút các dự án quy mô lớn, trọng điểm, chiến lược, phù hợp với định hướng phát triển không gian xây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai đã được đề xuất, hợp tác với bộ, ngành Trung ương thực hiện.
Tỷ lệ lấp đầy của 13 khu công nghiệp khoảng 53% và 70,6% cho 53/59 cụm công nghiệp đã quy hoạch chi tiết. Tốc độ đô thị hóa tăng về số lượng và quy mô. Các thành phố, thị xã, thị trấn nâng chất đô thị, trở thành những trung tâm phát triển cả địa phương, khu vực tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dân cư...
Không chỉ phát triển hạ tầng. Một hệ thống trung tâm tích hợp dữ liệu ổn định của toàn Quảng Nam đã hình thành. Hệ thống mạng viễn thông, internet, hạ tầng công nghệ thông suốt đủ để đáp ứng yêu cầu triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của địa phương, kết nối trục liên thông văn bản Chính phủ.
Ứng dụng công nghệ điện tử đã xây dựng nên những văn phòng, cuộc họp hay các văn bản trao đổi “không giấy” tiết kiệm chi phí, thời gian. Những cuộc sát hạch thông qua các chương trình, đề án đã thu hút, tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện kế hoạch phát triển tương lai của địa phương.
Sự đột phá về cải thiện môi trường đầu tư thể hiện rõ một chính quyền phục vụ về lượng, lẫn chất trong việc hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp, cải thiện các điều kiện về tiếp cận đất đai, thủ tục thu hồi đất, chuẩn bị tốt hạ tầng, quỹ đất, mặt bằng sạch.
Mọi khâu thủ tục (từ quy hoạch, thủ tục hành chính, đầu tư, đất đai…) đã được công khai trên môi trường mạng, tăng cường số lượng thủ tục hành chính được cung cấp ở mức độ cao, văn bản liên thông 4 cấp.
Các hệ thống Egov - Quảng Nam, Smart Quảng Nam, tổng đài 1022 hay ứng dụng phản ánh hiện trường đã được thiết lập, kết nối chính quyền, cơ quan quản lý khi sẵn sàng tiếp nhận, trả lời mọi kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp.
Một hệ thống hóa quy trình, thủ tục, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư và quản lý đầu tư bằng một quyết định mới cho tất cả dự án trên địa bàn sẽ là một trong những bước đệm để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư tại địa phương trong tương lai.
Những tổ công tác đặc biệt (từ kiểm tra hiện trường, giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính…), sẵn sàng giúp doanh nghiệp vướng đâu gỡ đó. Bản đồ số phục vụ thu hút đầu tư đang được xây dựng. Chỉ cần một click, nhà đầu tư có thể biết ngay dự án Quảng Nam đang cần có phù hợp với mình không để có thể đề xuất, lập hồ sơ…
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, sự đồng bộ việc cải cách thực hiện ba mũi đột phá (hạ tầng, nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư) đã trở thành lợi thế của địa phương, sẽ được đo lường cụ thể bằng việc thu hút nhà đầu tư hay phát triển doanh nghiệp trong tương lai...
2. Quảng Nam hiểu nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, phát triển nhân lực thời công nghệ số hay chiến lược phát triển hạ tầng không phải là các phép cộng đơn giản. Mối quan tâm số 1 của các nhà đầu tư chính từ việc địa phương có thực hiện hiệu quả 3 mũi đột phá chiến lược này hay không? Đó chính là lý do và đồng thời là sức ép lớn nhất của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp dựa vào để thương thảo với địa phương trước khi quyết định có mở rộng đầu tư.
Tuy nhiên, chính quyền tỉnh cũng thừa nhận ngân sách chỉ mới đáp ứng 25 - 30% yêu cầu đầu tư. Hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ. Hàng trăm dự án nằm chờ vì thiếu nguồn lực để thực hiện.
Kế hoạch hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng đồng độ, kết nối giao thông liên vùng đông - tây, giữa đô thị - nông thôn, đường ven biển… hay hạ tầng đô thị, nông nghiệp (âu thuyền, đê biển, kè sông, biển…), giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới… không nằm ngoài các lĩnh vực ưu tiên.
Tất cả dự án đầu tư này đều cấp thiết, có khả năng tạo dựng nền tảng tăng trưởng kinh tế dài hạn hay phúc lợi xã hội, nhưng vẫn đang chậm được thực hiện. Và cải thiện môi trường nhìn từ chỉ số PCI đều đã sụt giảm liên tục trong hai năm gần đây.
“Kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận về đất đai và các dịch vụ tiện ích chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhìn nhận.
Những thống kê trên cho thấy năng lực thực hiện ba mũi đột phá chiến lược của địa phương vẫn chưa thực sự bứt phá như mong đợi. Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số gần 3.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường với tổng vốn đăng ký gần 23.770 tỷ đồng, cùng 1.126 doanh nghiệp tái gia nhập, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động gần 9.000 doanh nghiệp và 194 dự án FDI, 1.100 dự án đầu tư nội địa còn hiệu lực... cho thấy nỗ lực của địa phương đã ít nhiều thành công, tạo lực cho sự phát triển trong tương lai.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT nói, vẫn không ít doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoạt động hay phá sản, nhưng nếu không có niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh, hạ tầng đáp ứng và có đủ nguồn nhân lực chất lượng của địa phương cung cấp thì sẽ không có số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường hay các giấy phép đầu tư xuất hiện ngay trong thời “khủng hoảng kinh tế”.
Trong một góc nhìn khác, sau 20 năm luôn phải nhận trợ cấp từ Trung ương, Quảng Nam đã có thể tự chủ ngân sách, nằm trong số ít ỏi địa phương điều tiết ngân sách về Trung ương, kể từ năm 2017 chỉ điều tiết 10% thì năm 2023 đã lên đến 18%.
Những đồng vốn từ ngân sách đã trở thành động lực chính yếu, đặt nền móng cho doanh nghiệp gia tăng đầu tư vào địa phương ngày một sinh động hơn. Tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng dân trí, tăng việc làm, thu nhập và cải thiện đời sống...
Ngay như liên tục 3 năm bị đánh rớt hạng PCI, nhưng năm 2022 lại là năm tăng trưởng GRDP đến 2 con số và số thu ngân sách đạt kỷ lục (hơn 32.000 tỷ đồng). Quảng Nam vẫn đủ khả năng để cân đối được nguồn lực tài chính, gia tăng việc làm, mức sống và việc thụ hưởng an sinh xã hội mang lại từ các trụ cột phát triển kinh tế của người dân ngày càng gia tăng.
Khí chất tự cường xứ Quảng đã có sự kết nối, kết tinh từ quá khứ là điều không dễ gì bác bỏ, dù đôi khi phải đối mặt với nhiều dông bão. Nhưng, giống như một cây trồng cần thời gian để lớn thì “chiến lược phát triển dựa vào 3 mũi đột phá chiến lược” để tự lực, tự cường của Quảng Nam cũng cần gạn lọc của thời gian, chờ đợi đến ngày “thăng hoa”!