Nửa nhiệm kỳ thực hiện 5 nhóm dự án quan trọng tại vùng Tây: Cần gỡ khó, tạo sức bật

DIỄM LỆ 01/07/2023 22:13

Qua nửa nhiệm kỳ (2021 - 2023), Quảng Nam đã tập trung thực hiện 5 nhóm dự án quan trọng tại vùng Tây theo Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, tăng cường kết nối trong khu vực và với vùng Đông, phát triển sản xuất, đời sống cho người dân vùng Tây. Nửa nhiệm kỳ còn lại, chính quyền và nhân dân vùng trung du, miền núi phải tập trung tháo gỡ khó khăn, hoàn thành tốt các nhóm dự án trên để tạo sức bật phát triển lâu dài.

Phát triển kinh tế vườn ở khu vực trung du của tỉnh. Ảnh: D.L
Phát triển kinh tế vườn ở khu vực trung du của tỉnh. Ảnh: D.L

Nửa đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025, gần 40 nghìn tỷ đồng được đầu tư vào vùng Tây, tạo bước chuyển về hạ tầng, kinh tế và đời sống của người dân, tạo cơ sở để tập trung hoàn thành các chỉ tiêu trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

Tập trung 5 nhóm dự án trọng điểm

Các nhóm dự án được tập trung thực hiện bao gồm: dự án bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế rừng và lâm sản ngoài gỗ; sắp xếp dân cư, ổn định chỗ ở phòng tránh thiên tai và biến đổi khí hậu; phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng; phát triển du lịch kết hợp bảo tồn văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hình thành các khu du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao. 

Giai đoạn 2021 - 2023, giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản vùng Tây ước hơn 15 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 18,3% toàn tỉnh, tăng bình quân 3,6%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước hơn 27 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,8% toàn tỉnh, bình quân giai đoạn 2021 - 2023 tăng 2,7%/năm. Hoạt động thương mại dịch vụ phát triển hơn so với giai đoạn trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hơn 13 nghìn tỷ đồng, bằng 7% toàn tỉnh, bình quân hằng năm tăng trên 10%. Toàn vùng có khoảng 743 doanh nghiệp và hợp tác xã với gần 12,4 nghìn lao động, doanh thu thuần năm 2022 khoảng gần 9.000 tỷ đồng. (Nguồn: Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025).B.T

Qua nửa nhiệm kỳ (2021 - 2023), tổng vốn đầu tư thực hiện 5 nhóm dự án đạt gần 40 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 39% của tỉnh, tăng bình quân hằng năm hơn 8%, trong đó vốn đầu tư công 5.065 tỷ đồng, chiếm 33% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh.

Nguồn vốn này chủ yếu tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tăng cường kết nối trong khu vực và kết nối với vùng Đông, đáp ứng cơ bản hạ tầng thiết yếu cho người dân và tạo động lực phát triển.

Nhiều dự án được đầu tư như nhà máy chế biến dược liệu Trà My, nhà máy chế biến tinh dầu sả Tây Giang, các dự án chăn nuôi, các dự án sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, trồng rừng, nhà máy chế biến gỗ, các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng... Riêng trong năm 2022, có 9 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn 437,9 tỷ đồng. 

Theo ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các huyện vùng Tây thời gian qua đã phát triển trồng rừng, nâng cao chất lượng trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ Forest Stewardship Council, góp phần nâng cao chất lượng rừng trồng, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đưa ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu. Bước đầu hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng và hướng đi riêng của nông nghiệp miền núi, hình thành một số nhóm sản phẩm OCOP đặc trưng của miền núi gắn với thị trường tiêu thụ như sâm Ngọc Linh, quế Trà My, ba kích, đảng sâm. Phát triển kinh tế miền núi gắn với giảm nghèo trong nhân dân, khi có sinh kế thì giảm nghèo mới đạt được tính bền vững.

Sắp xếp dân cư gặp khó

Theo Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển vùng Tây Quảng Nam, tiến độ thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư miền núi giai đoạn 2021 - 2022 mới đạt 12,9% (1.009/7.821 hộ).

Nguyên do việc bố trí ngân sách còn chậm, giải ngân nguồn vốn đạt thấp, điều kiện tự nhiên của các huyện còn nhiều khó khăn, diện tích đất ở, đất sản xuất manh mún, phân tán gây khó khăn trong việc bố trí quỹ đất.

Trong đó một số huyện có tỷ lệ thực hiện/kế hoạch mức khá trở lên như Nam Trà My (74%) Nam Giang (89,2%), Đông Giang (89,6%), Bắc Trà My (93,6%), Hiệp Đức (78,5%), Tiên Phước (78%). 

Đầu tư cho miền núi không gì khác là đầu tư cho sinh kế của nhân dân. Ảnh: D.L
Đầu tư cho miền núi không gì khác là đầu tư cho sinh kế của nhân dân. Ảnh: D.L

Số hộ còn lại cần sắp xếp dân cư là rất lớn. Quỹ đất để khai hoang sản xuất và bố trí đất ở đối với các huyện miền núi ngày càng hạn chế. Địa hình miền núi của tỉnh phức tạp, độ dốc lớn; biến đổi khí hậu, sạt lở đất phức tạp dẫn đến việc lựa chọn địa điểm để bố trí dân cư đảm bảo ổn định lâu dài, an toàn trong mùa mưa bão rất khó khăn.

Một số huyện đã thực hiện sắp xếp dân cư lại tiếp tục bị sạt lở như Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My. Một số nơi người dân tự thỏa thuận tìm đất để bố trí xen ghép nên dẫn đến việc triển khai chậm.

Việc xây dựng các khu tái định cư tập trung chưa kịp thời do còn hạn chế về nguồn lực, tỷ lệ vốn đầu tư khu tái định cư miền núi từ ngân sách trung ương thấp (chỉ 1 dự án mới tại Nam Giang). Ngân sách tỉnh 2021 - 2025 chưa có danh mục đầu tư mới các khu tái định cư, do vậy kế hoạch xây dựng khu tái định cư chủ yếu từ nguồn vốn huyện.

Đầu tư tổng lực

Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển vùng Tây đã xác định, việc phát triển kết cấu hạ tầng gắn với phát triển vùng nguyên liệu là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài trong thực hiện 5 nhóm dự án quan trọng.

Do vậy việc xây dựng đề án phát triển kết cấu hạ tầng gắn với phát triển vùng nguyên liệu là rất cần thiết, tuy nhiên cần xây dựng trên cơ sở tổng kết thực hiện đầu tư thí điểm, đồng thời cần thay đổi phương thức thực hiện dựa trên nhu cầu thực tế về vùng nguyên liệu của các địa phương.

Đầu tư cho miền núi không gì khác là đầu tư cho sinh kế của nhân dân. Ảnh: D.L
Đầu tư cho miền núi không gì khác là đầu tư cho sinh kế của nhân dân. Ảnh: D.L

Không xây dựng đề án tập trung ở tỉnh, thay vào đó chỉ cần cơ chế hỗ trợ phát triển hạ tầng khi các khu vực sản xuất đã hình thành hoặc ở mức đề án phát triển vùng nguyên liệu, vùng sản xuất có tính khả thi đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, có nhu cầu sử dụng hạ tầng giao thông để đầu tư sản xuất, khai thác, vận chuyển sản phẩm. Việc lựa chọn công trình để đầu tư căn cứ vào đánh giá hiệu quả phục vụ của từng công trình cụ thể.

Ban chỉ đạo đã yêu cầu các huyện miền núi trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất, tiềm năng và lợi thế của địa phương, xây dựng các đề án phát triển sản xuất, đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, đồng thời thực hiện các giải pháp để chuyển đổi các loại cây trồng như cây dược liệu, rừng gỗ lớn hoặc chăn nuôi tập trung…, giảm diện tích cây keo để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, bền vững và bảo vệ môi trường, hình thành các vùng sản xuất mang tính khả thi cao để có cơ sở đề xuất nhu cầu đầu tư hạ tầng kết nối.

Nguồn lực đầu tư cho vùng Tây hiện nay có 3 chương trình lớn, gồm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, xây dựng nông thôn mới.

Từ nguồn lực đầu tư của 3 chương trình, cùng với các nguồn lực khác của tỉnh, các dự án phi chính phủ thực hiện trên địa bàn miền núi, tỉnh kỳ vọng sẽ hội đủ nguồn lực đầu tư cho vùng Tây phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững, kéo giảm khoảng cách chênh lệch vùng miền giữa vùng Đông - vùng Tây của tỉnh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nửa nhiệm kỳ thực hiện 5 nhóm dự án quan trọng tại vùng Tây: Cần gỡ khó, tạo sức bật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO