Tác giả Phạm Thông vừa ra mắt tập bút ký mang tên Núi Chúa hòn Rơm (NXB Văn học, 4.2018). Đây là tập sách thứ 7 với thể loại bút ký chiến tranh của anh, sau Cát đỏ, Ám ảnh vùng Đông, Tam Kỳ thời lửa đạn, Những bình thường lấp lánh, Quế Sơn đất và người kiên trung...
Núi Chúa hòn Rơm gồm 15 câu chuyện: Bà mẹ Kỳ Sanh, Người con trung hiếu, Một gia đình kiên trung, Người anh hùng đặc công, Vua mìn Võ Phố, Một thời không quên, Người hùng Khương Vĩnh, Lên đường từ tuổi trẻ thơ, Bắt đầu từ những con cúi, Người có công đầu, Tám Quy trong căn cứ cách mạng, Chuyện của xóm tôi, Anh hùng của miền sơn cước... Đây là tập bút ký có nhiều yếu tố mới hơn so với các tập trước qua các phương diện như đề tài, cách đặt vấn đề…, như viết nhiều hơn về những người phụ nữ anh hùng, đó là bà Hai đô, bà mẹ Kỳ Sanh, bà Tám Quy, bà Bốn Cân... Tác phẩm tập trung vào vùng đất có trận đánh Mỹ đầu tiên, Kỳ Sanh ở phía nam Tam Kỳ, là mảnh đất mà Phan Tứ đã từng lấy hình mẫu dựng tiểu thuyết Mẫn và tôi, Gia đình má Bảy trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đặc biệt, tác giả đã chạm đến cảm xúc thẩm mỹ với câu chuyện của Út Phận - người phụ nữ đã từng hoạt động cách mạng với nhiệm vụ binh vận nhưng sau chiến tranh lại bị nghi oan là người của phía bên kia. Út Phận cũng chính là hình mẫu của nhân vật Mẫn trong tiểu thuyết Mẫn và tôi.
Qua Núi Chúa hòn Rơm, ta thấy hiện lên vùng quê cách mạng bất khuất của những con người mưu trí, quả cảm, giàu đức hy sinh. Đồng thời chúng ta cũng thấu hiểu tấm lòng của tác giả, người đã tha thiết, nồng nhiệt lưu giữ những câu chuyện chân thật, đẹp đẽ về những người con kiên trung của núi Chúa hòn Rơm.
HUỲNH THU HẬU