Núi Phú Sĩ "kêu cứu" vì quá tải du lịch

NAM VIỆT 11/09/2023 16:57

(QNO) - Ùn tắc, chân đồi ngập rác, tai nạn leo núi... là cảnh tượng mà hiện ít người có thể liên tưởng đến Phú Sĩ - đỉnh núi cao nhất Nhật Bản vốn từng là điểm trải nghiệm yên bình.

Dòng người chen chúc trên đường lên núi Phú Sĩ. Ảnh: 24newshd
Dòng người chen chúc trên đường lên núi Phú Sĩ. Ảnh: 24newshd

Núi Phú Sĩ nằm vắt ngang 2 tỉnh Shizuoka và Yamashi là một danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng của Nhật Bản được thêm vào danh sách Di sản văn hóa thế giới của UNESCO vào năm 2013. 

Số lượng du khách tăng hơn gấp đôi từ năm 2012 đến 2019, lên 5,1 triệu chỉ tính riêng tỉnh Yamanashi - điểm xuất phát chính.

Sự bùng nổ du lịch sau đại dịch COVID-19 thu hút thêm hàng nghìn người đến núi Phú Sĩ. Kể từ khi mùa leo núi hằng năm mở cửa vào tháng 7 vừa qua, khoảng 65 nghìn người đi bộ đường dài đã lên tới đỉnh núi, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2019.

Các nhà chức trách địa phương cho biết, cùng với số lượng xe buýt và xe tải chở hàng hóa, dòng người leo núi cả ngày lẫn đêm bước qua lớp đá đen của núi lửa trên đường lên ngọn núi cao 3.776m thực sự gây bối rối cho hệ sinh thái.

Ông Masatake Izumi - quan chức chính quyền tỉnh Yamanashi nói: "Du lịch quá mức. Hệ lụy kéo theo như rác thải, lượng khí thải CO2 tăng và một số người leo núi liều lĩnh là vấn đề lớn nhất mà núi Phú Sĩ phải đối mặt".

Vào ban đêm, hàng dài người vẫn trên đường lên núi để được ngắm bình minh hôm sau. Họ đi bộ với ngọn đuốc trên đầu. Tuy nhiên, do ùn tắc, những người đi bộ đường dài muốn ngắm bình minh đều tụ tập gần đỉnh núi và phải mất 4 tiếng đồng hồ để leo lên một đoạn mà trước đây họ leo lên chỉ trong 2 tiếng.

Tuần trước, ông Kotaro Nagasaki - Thống đốc của tỉnh Yamanashi cho biết: "Núi Phú Sĩ đang kêu cứu vì quá tải du lịch". Số người leo núi vào ban đêm bị hạ thân nhiệt và phải đưa trở lại trạm sơ cứu. Đã có ít nhất 1 người tử vong. 

Núi Phú Sĩ - biểu tượng của đất nước Nhật Bản. Ảnh: Gettyimages
Nhiều du khách muốn đặt chân lên núi Phú Sĩ - biểu tượng của đất nước Nhật Bản. Ảnh: Gettyimages

Với phí tùy chọn là 1.000 yên (6,8 USD), du khách sẽ nhận được một tập sách nhỏ bằng tiếng Nhật - có mã QR cho phiên bản tiếng Anh, trong đó hướng dẫn một số điều nên làm và không nên làm khi leo lên núi Phú Sĩ.

Tuy vậy, một số người không nhận ra chặng đường leo lên đỉnh núi kéo dài 5 đến 6 tiếng đồng hồ khó khăn như thế nào, nơi lượng ô xy thấp hơn và thời tiết có thể thay đổi nhanh chóng.

Rasyidah Hanan - một du khách 30 tuổi đến từ Malaysia nói: "Trên đó gần như là mùa đông, trời rất lạnh. Nhưng nhiều người leo núi đã không chuẩn bị trang phục phù hợp".

Trong những năm qua, các biện pháp đối phó được thực hiện để bảo vệ núi Phú Sĩ.

Ví dụ, các tình nguyện viên của Câu lạc bộ Fujisan - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo tồn núi Phú Sĩ thực hiện 992 hoạt động dọn dẹp ở chân đồi, với hơn 74 nghìn người tham gia thu gom 850 tấn rác từ năm 2004 đến 2018. 

Ông Yasuyoshi Okada - Chủ tịch Hội đồng quốc tế về di tích và địa điểm Nhật Bản (ICOMOS) cho rằng: "Để bảo tồn sự linh thiêng của núi Phú Sĩ và giá trị điểm đến của một di sản thế giới, du lịch quá mức phải được giải quyết”.

[VIDEO] - Núi Phú Sĩ quá tải vì khách du lịch (nguồn: YouTube):

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Núi Phú Sĩ "kêu cứu" vì quá tải du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO