Núi Thành bảo vệ đàn chim di cư

PHƯỚC HIẾU - VĂN TÂY 02/12/2022 07:51

Những năm gần đây, nhiều đàn chim bay về cư trú trên địa bàn huyện Núi Thành khá đông đúc. Chính quyền và người dân đã có nhiều biện pháp để bảo vệ đàn chim, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.

Đàn chim cồng cộc di cư về hồ Thái Xuân trú đông. Ảnh: N.Q
Đàn chim cồng cộc di cư về hồ Thái Xuân trú đông. Ảnh: N.Q

Hiện nay trên các cánh đồng ở xã Tam Tiến, Tam Nghĩa, Tam Anh Bắc… không còn tình trạng người dân bẫy chim cò và các loại chim khác trong mùa di cư.

Hàng năm vào tháng 8 âm lịch, đàn chim từ phương Bắc bay về trú ngụ, tìm thức ăn ở các cánh rừng ngập mặn trên địa bàn những xã này ngày càng đông. Đàn chim cư trú, sinh sản, một phần nhờ ý thức bảo vệ của người dân và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Tấn Thưởng (thôn Đông Hải, xã Tam Anh Bắc) cho biết, hàng năm có tới hàng nghìn con cò trắng về cư trú trên cánh rừng ngập mặn ở thôn vào những tháng mùa đông.

Ban ngày bay đi ăn, chiều tối bay về đậu ngủ ở cánh rừng đước. Trước đây, nhiều người từ nơi khác đến săn bắn chim, cứ thấy họ mang dụng cụ như bẫy, súng là người dân báo cho chính quyền địa phương xử lý ngay.

“Tôi nghĩ đất lành chim đậu, không nỡ nào đi diệt chúng làm gì. Chim bay về cư trú không chỉ làm đẹp quan cảnh tự nhiên mà còn góp phần tiêu diệt nhiều loài vật gây hại mùa màng. Vì vậy, tôi và người dân ở đây luôn tích cực bảo vệ, năm nào chúng bay về ít là cảm thấy trống vắng” - ông Thưởng chia sẻ.

Ở hồ Thái Xuân (xã Tam Thạnh), đàn chim di cư gồm các loại như cồng cộc, cò trắng, sếu bay về cánh rừng trồng keo của người dân trú ngụ thường xuyên với số lượng rất lớn.

Ông Nguyễn Tấn Phục - người dân địa phương chia sẻ: “Đàn chim cồng cộc, cò bay về hồ săn mồi và cư trú quanh cánh rừng keo tràm. Lâu nay người dân địa phương không ai săn bắn, nếu phát hiện ai săn bắn sẽ báo chính quyền địa phương xử lý. Vì thế, năm nào đàn chim cũng bay về cư trú vào mùa đông”.

Tại xã Tam Tiến, tình trạng săn bắt chim di cư, hoang dã đã được kiểm soát. “Chính quyền địa phương cùng với cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, tiêu hủy các dụng cụ săn bắt trái phép chim hoang dã trong mùa di cư.

Ngoài ra, xã vận động nhân dân ký cam kết thực hiện đúng theo quy định về bảo vệ loài chim hoang dã” - ông Nguyễn Xuân Luận, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho hay.

Ngày 17/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT ban hành văn bản đề nghị các đơn vị và ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tăng cường triển khai tốt nhiệm vụ để bảo vệ các loài chim hoang dã.

Cụ thể là tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư theo chỉ đạo tại Công văn số 6461 ngày 27/9/2022 của Bộ NN&PTNT về tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, di cư và Công văn số 661 ngày 14/02/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam về tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; chủ động tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Núi Thành bảo vệ đàn chim di cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO