Sau 35 năm thành lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Núi Thành đã vượt qua chặng đường khó khăn ban đầu, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Một góc thị trấn Núi Thành hôm nay. Ảnh: THÀNH CÔNG |
Bước qua gian khó
Ngày 3.12.1983, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 144-HĐBT chia huyện Tam Kỳ thành hai đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đó là thị xã Tam Kỳ và huyện Núi Thành. Ngày đầu thành lập huyện là sự thiếu thốn, nghèo đói. Điện không, nhà máy không, giao thông đi lại cách trở, những con đường dọc, đường ngang của huyện đầy “nắng bụi, mưa lầy” và hình ảnh người dân vùng cát với đôi gánh trên vai, hàng ngày qua lại trên nỗng cát “hai bước tiến một bước lùi”. Nền kinh tế của huyện chủ yếu là nông nghiệp, sản xuất nhỏ, manh mún, bấp bênh, cả huyện chỉ có 25% diện tích trồng lúa chủ động nước tưới, phần lớn là nước trời, năng suất không vượt 21 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực bình quân mới đạt 28 tấn. Đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn, có xã diện đói nghèo chiếm tỷ lệ 60 - 70%; công tác giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, hệ thống an sinh xã hội còn nhiều thiếu thốn, bất cập…
“Lòng dân đồng thuận” Là địa bàn trọng điểm xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, trong những năm qua, Núi Thành hết sức chú trọng công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, ổn định cuộc sống cho nhân dân đã nhường đất đai, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư. Đến nay toàn huyện đã giải tỏa hơn 2.535ha đất, với gần 33.500 hộ bị ảnh hưởng, có 2.573 hộ phải di dời đến nơi ở mới. Đặc biệt có rất nhiều gia đình đã sẵn sàng nhường mảnh đất quý báu của mình cho sự nghiệp phát triển của quê hương. Ông Nguyễn Tri Ấn cho rằng: “Những dự án triển khai, cản trở lớn không phải là thiếu tiền mà là sự đồng thuận. Do đó quan trọng nhất là phải vận động nhân dân đồng thuận chủ trương. Sau đó tuyên truyền nhân dân ý thức về pháp luật, tư duy vì cộng đồng, vì cái chung...”. |
Ông Nguyễn Quốc Vũ - Bí thư Đảng ủy thị trấn Núi Thành nhớ lại: “Vùng đất hình thành nên thị trấn Núi Thành ngày nay, trước là một khu vực nghèo khó, đất đai cằn cỗi. Khi mùa khô đến, đất “há mồm” chờ nước và mùa mưa nước lại trắng đồng. Những ngày đầu khi mới thành lập trung tâm huyện lỵ, thị trấn Núi Thành chỉ có con đường quốc lộ chạy ngang là được thảm nhựa còn lại là những con đường đất, đá, hệ thống điện chưa có, cán bộ chưa có nơi làm việc ổn định, đời sống người dân còn nhiều cơ cực”.
Để khắc phục khó khăn, bên cạnh thực hiện phương châm “đi từng bước vững chắc, tự lực là chính”, huyện Núi Thành cũng tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, nhất là về cơ chế, chính sách để phát triển hạ tầng kinh tế, tập trung kinh phí và nguồn lực đầu tư các công trình: điện, đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi và các công trình phúc lợi xã hội. Huyện xác định, nông - lâm - ngư nghiệp là ngành sản xuất chính, là mặt trận hàng đầu. Chỉ trong 3 năm 1984 - 1986, hàng chục công trình thủy lợi đã được xây dựng, phục vụ tưới tiêu cho nhiều cánh đồng. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh, tăng năng suất cây trồng, con vật nuôi được nông dân thực hiện hiệu quả. Sau năm 1984, huyện thành lập một số công ty, xí nghiệp đặt nền móng cho phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ.
Gần 10 năm sau, trên địa bàn huyện bắt đầu xuất hiện một số doanh nghiệp công nghiệp như nhà máy tuyển cát ở Tam Hiệp, Công ty phá dỡ tàu thuyền - cán thép Kỳ Hà, Xí nghiệp đá Chu Lai, Nhà máy gạch tuynen, Xí nghiệp Mây tre lá Âu Cơ, Nhà máy thức ăn nuôi tôm Hoa Chen… Năm 1993, giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp toàn huyện tăng lên 9,75 tỷ đồng, gấp 5,55 lần so với năm 1984. Công trình đường dây tải điện 35KW Tam Kỳ - Núi Thành được khởi công vào ngày 4.5.1984, đến năm 2004 điện đã về đến 100% xã trong huyện, đáp ứng mơ ước bao đời của nhân dân. Nhờ sự nỗ lực đó, trong 10 năm đầu mới thành lập huyện, những khó khăn ban đầu được khắc phục, bộ mặt huyện không ngừng đổi mới, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tạo tiền đề về cơ sở vật chất, đón nhận sự hình thành và tạo đà cho phát triển trong giai đoạn mới.
Bệ phóng cho tương lai
Ông Nguyễn Tri Ấn - Bí thư Huyện ủy Núi Thành cho rằng, đánh dấu sự thay đổi mang tính đột phá của huyện Núi Thành trên chặng đường 35 năm thành lập chính là từ khi Khu kinh tế mở Chu Lai ra đời (ngày 5.6.2003). Hơn 15 năm hoạt động, Khu kinh tế mở Chu Lai không chỉ đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh mà còn tạo nên sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế của huyện Núi Thành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Toàn huyện có 2 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với 90 nhà máy; có 423 doanh nghiệp, trong đó, có những cơ sở sản xuất mang tầm quốc gia và khu vực, giải quyết việc làm cho hơn 20.700 lao động. Thương mại dịch vụ phát triển nhanh, vững chắc. Nông nghiệp phát triển với nhịp độ cao, ổn định trong nhiều năm. Năng lực khai thác, đánh bắt thủy sản không ngừng tăng về số lượng, chất lượng và giá trị. Tổng công suất tàu thuyền tăng lên 195.480CV vào năm 2018.
Đô thị Núi Thành đang chờ công bố đạt chuẩn đô thị loại IV và phấn đấu lên đô thị loại III, chuyển từ huyện lên thị xã vào năm 2020. Ảnh: VINH ANH |
Đặc biệt nguồn thu ngân sách trên địa bàn huyện tăng nhanh, trở thành địa bàn có số thu ngân sách lớn nhất tỉnh trong những năm gần đây. Năm 2018 tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt hơn 11.216 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng thu ngân sách của toàn tỉnh. Kết cấu hạ tầng được đầu tư, xây dựng, tạo một diện mạo mới, khởi sắc toàn diện. Các công trình trên địa bàn như tuyến đường sắt, tuyến quốc lộ, sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà được đầu tư, khôi phục, nâng cấp. Cảng Chu Lai - Trường Hải được xây dựng mới, hệ thống giao thông trong toàn huyện được đầu tư khá đồng bộ, kết nối đến các khu vực từ miền núi đến hải đảo. Núi Thành trở thành đầu mối giao thông quan trọng của cả tỉnh và khu vực.
Cùng với sự phát triển của công nghiệp, văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư, đến nay, đã có 49/59 trường đạt chuẩn quốc gia. Các cơ sở y tế trên địa bàn huyện như: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Trung tâm Y tế huyện, các trạm y tế xã, thị trấn không ngừng được đầu tư, nâng cấp; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% thôn, khối phố có cán bộ y tế. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 39,26 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,86%.
Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tri Ấn cho rằng, bên cạnh việc tận dụng tốt các cơ hội để phát triển, vẫn còn những tồn tại cần phải khắc phục. Sự yếu kém, thiếu tầm nhìn trong khâu chuẩn bị, quy hoạch, đã vô tình tạo ra những rào cản trong phát triển. Nhiều dự án khi triển khai thì không có mặt bằng vì khâu quy hoạch không tính trước. Rút kinh nghiệm đó, ngay từ bây giờ huyện đã và đang tập trung cho vấn đề quy hoạch, chuẩn bị mặt bằng tốt để đón đợi những “làn sóng” đầu tư, tạo bệ phóng cho huyện phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới. Trước mắt là quy hoạch nhằm phát triển hạ tầng đô thị khi thị trấn được công nhận là đô thị loại IV và dự kiến đạt chuẩn đô thị loại 3 vào năm 2020, chuyển từ cấp hành chính huyện thành thị xã. “Công tác quy hoạch trong năm 2019 phải tập trung tối đa nhằm chuẩn bị đủ điều kiện cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Cụ thể sẽ phải tiến hành quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các tuyến đường vành đai, các khu tái định cư; kết nối điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai; tập trung đầu tư hoàn thành các công trình trọng điểm tạo điểm nhấn phát triển đô thị Núi Thành… Hiện nay huyện đã khảo sát các khu vực quy hoạch, đã tiếp cận với các nhà tư vấn. Khi được công nhận chuẩn đô thị là triển khai xây dựng ngay vì đã có các nhà đầu tư chờ sẵn” - ông Ấn nói.
VINH ANH
ĐÔ THỊ PHÍA NAM
Một đô thị công nghiệp Núi Thành sẽ thành hình nơi miệt nam Quảng Nam, trở thành vùng đất năng động thuộc loại bậc nhất Quảng Nam.
Cầu An Tân 2 - Một trong những dự án mới đầu tư tại Núi Thành đã được đoàn công tác UBND tỉnh kiểm tra tiến độ hôm 13.3.2019. Ảnh: T.D |
Mượn lực Khu kinh tế mở
Hôm 13.3.2019, nhà thầu Đạt Phương và chủ đầu tư dự án cầu An Tân 2 bắc qua sông An Tân cam kết trước cuộc giám sát của UBND tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu dẫn đầu là tháng 5.2019 sẽ hoàn thành. Ông Nguyễn Văn Mau - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nói khi con đường 129 kết nối Tam Kỳ đến sân bay Chu Lai sẽ là cơ hội cho vùng đất này bùng nổ đầu tư.
Hình ảnh sinh động hiện thời của dự án ven sông là một trong những “mảnh ghép đầy đủ”, chỉ dấu về sự thay đổi, được ví như một cuộc chuyển mình lớn lao sắp sửa tràn qua vùng đất miệt nam Quảng Nam. Núi Thành đã thực sự trỗi dậy kể từ 15 năm nay khi song hành với tốc độ phát triển của Khu kinh tế mở Chu Lai. Hàng nghìn tỷ đồng vốn ngân sách đổ vào xây dựng cơ sở hạ tầng và hàng nghìn tỷ đồng đầu tư của doanh nghiệp trong vòng 15 năm qua đã tạo nên diện mạo mới cho Núi Thành.
Người Núi Thành luôn khẳng định chính sự đột phá của Chu Lai đã thay đổi hoàn toàn diện mạo địa phương. Khu kinh tế này đã trở thành hạt nhân, động lực, đặt nền móng cho Núi Thành phát triển, trở thành một huyện thuộc loại năng động nhất Quảng Nam trên tiến trình công nghiệp hóa. Theo nhận định của UBND huyện Núi Thành, các nhà đầu tư đến phần lớn là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính. Họ không thiếu tiền, chỉ thiếu thời gian, nên chính quyền huyện đã sẵn sàng phục vụ doanh nghiệp một cách tối đa. Mượn lực khu kinh tế mở, địa phương này đã tiến hành phát triển các cụm công nghiệp thu hút các doanh nghiệp nhỏ. Không mở rộng và thu hút bằng mọi giá. Họ biết chọn lựa nhà đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng trong điều kiện ngân sách hạn hẹp. Nam Chu Lai, Trảng Tôn và Tam Mỹ Tây là 3 cụm công nghiệp được các nhà đầu tư đến đặt cược vào những cuộc làm ăn lâu dài. Khu phố chợ Tam Quang, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ, Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tam Tiến, Khu du lịch Xuân Mỹ… được xem là những dự án đầu tư mới nhất, góp thêm lực phát triển cho địa phương.
Sự đột phá của Khu kinh tế mở và nội lực của chính địa phương đã biến vùng đất đầy những trảng cát mênh mông thành một địa phương đạt đến 95,1% tỷ lệ công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ. Nông nghiệp chỉ chiếm 4,9% trong cơ cấu kinh tế. Tổng thu ngân sách năm 2018 đạt 11.216 tỷ đồng và ngân sách do huyện quản lý thu 148,5 tỷ đồng. Những con số thống kê hiện hữu ấy thực sự như một phép màu. Ngay cả những người có khả năng “nhìn xa, trông rộng” đến mấy cũng không thể ngờ sau 35 năm vùng đất khốn khó này có thể nằm ở tốp địa phương thu ngân sách nhiều nhất Quảng Nam, có dư nguồn lực đầu tư phát triển.
Lên đời… thị xã
Quy hoạch điều chỉnh Khu kinh tế mở Chu Lai đã được công bố. Kéo theo những dự án đầu tư vào khu vực này và Núi Thành lại “nương nhờ” phát triển. Một vòng xuyến nút giao thông dựng giữa giao lộ Bắc - Nam, Đông - Tây với biểu tượng cây xương rồng cách điệu đã trở thành điểm nhấn mới trên hành trình trở thành một đô thị phía nam. Vùng đất công nghiệp này luôn như một đại công trường. Giữa không khí ấy, những người cũ mỗi một lần về thăm quê là thấy mọc thêm một vài hàng quán, thêm vài căn nhà mới xây trên con đường cũ và lại một lần giật mình khi nghe thấy một mức giá đất mới. Nó vọt lên nhanh chóng và trở thành nỗi ám ảnh của những giấc mơ!
Nơi ấy, giờ gió đẫm hương vị biển, mùi nồng nàn của sông thổi qua An Tân, Bến Ván, Chợ Trạm, thị trấn, qua những hàng dương liễu lơ thơ, trườn qua đồi cát giữa những chiều hoang vu trên mặt đất sẽ được trả dần về ký ức. Những dãy nhà ố vàng, cũ kỹ thị trấn An Tân, thị tứ Tam Anh hay nhếch nhác đầy bụi bặm dọc Quốc lộ 1 sẽ không còn chỗ trong vóc dáng đô thị mới kéo vệt dài từ “biên giới” Tam Kỳ đến miệt nam Quảng Nam. Miệt cát đã rùng mình thay đổi với khu vực rộng lớn Tam Quang, khu bến cảng Kỳ Hà, Tam Hiệp, Tam Hòa, sân bay… nhộn nhịp, sôi động logistic, các khu phi thuế quan, khu công nghiệp khí - năng lượng và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, sản phẩm sau khí. Cảng cá sẽ lại nhộn nhịp theo những đoàn tàu đánh cá khơi xa với những nhà máy chế biến sâu... Một ngày, những chiếc du thuyền sang trọng rẽ nước ngược xuôi Trường Giang, khuấy động vịnh An Hòa, đi qua vùng đất mởn xanh cây trái hay ghé thăm các làng nghề thủ công trăm năm tuổi sống dọc triền sông, bên bến nước đầy gió. Những ngôi làng miệt biển như Tam Hòa, Tam Tiến, Tam Hiệp sẽ được chú trọng đến phát triển du lịch homestay tại mỗi hộ gia đình, tập hợp nhiều hộ trở thành cụm du lịch, phát triển xen kẽ các khu tập trung. Phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp, các làng nghề thủ công truyền thống.
Một thị xã miệt nam Quảng Nam sắp sửa thành hình. Cho dù “bản sắc đô thị không mọc lên trong một đêm”, nhưng những gì hiện hữu tại vùng đất này, có đủ lý do để dân Núi Thành chờ đợi!
NHẬT PHONG
Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Nguyễn Văn Mau: "Đồng thuận đã mang lại thành công" Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Nguyễn Văn Mau khẳng định, ý chí, nỗ lực và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân đã đưa Núi Thành trở thành huyện có nền công nghiệp bậc nhất Quảng Nam. * Núi Thành đã làm gì để có thể đạt được thành công như hiện tại? Ông Nguyễn Văn Mau: Từ một huyện nghèo khi chia tách từ Tam Kỳ đã trở thành một trong những huyện đầu đàn Quảng Nam. Sự phát triển chính nhờ vào sự đồng thuận rất lớn của người dân. Họ hưởng ứng những chủ trương của Đảng, Nhà nước về các chính sách giải phóng mặt bằng, tái định cư, sắp xếp chỗ ở, giải quyết công ăn việc làm để tạo ra những công trình, sản phẩm mang lại nguồn thu, nguồn lợi rất lớn và bây giờ cũng chính dân Núi Thành được hưởng lợi. Sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng bộ huyện cùng sự điều hành của UBND huyện thời gian qua luôn bám sát mục tiêu nhiệm vụ đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Chính việc cùng chung tay, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn. Một khi đánh thức và khơi dậy sự đồng thuận trong nhân dân, Đảng và Nhà nước thực sự chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm để người dân thực sự hưởng lợi thì sẽ đạt hiệu quả cao. Không thể bắt người dân chấp nhận đồng thuận khi mất quyền lợi. Có lẽ điều này chính là kinh nghiệm của Núi Thành trong việc tìm kiếm sự đồng thuận cao nhất từ phía người dân. Hiện chính quyền đang nghiên cứu chính sách hoàn thiện cho những người rời đất cũ vườn xưa phải được sống trong môi trường tốt hơn. Một thị xã năng động có nghĩa là dân phải có việc làm, đời sống tốt và thu nhập cao. * Dường như phát triển của địa phương vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế? Ông Nguyễn Văn Mau: Chính quyền xác định đây là địa bàn đầy tiềm năng, lợi thế về sân bay, cảng biển, giao thông…Có tiềm năng phát triển du lịch. Nhưng hiện nay tiềm năng này chưa được khai thác tốt. Song có thể khẳng định, tiềm lực kinh tế Núi Thành tương lai sẽ phát triển mạnh. Hiện địa phương đã là một trong những địa bàn trọng điểm kinh tế, trọng điểm về công nghiệp. Địa phương có đủ cơ hội để thu hút nhiều dự án phát triển du lịch khu vực vùng đông và phát triển các khu, cụm công nghiệp ở phía tây. Địa phương sẽ tiếp tục mượn lực Chu Lai để phát triển công nghiệp đa ngành khi đặc biệt Núi Thành đã chiếm đến 4/6 nhóm dự án trọng điểm, động lực đầu tư của vùng đông nam Quảng Nam. * Một đô thị năng động phía nam bao giờ có thể hình thành? Ông Nguyễn Văn Mau: Định hướng phát triển đô thị Núi Thành trở thành loại 3, chuyển đổi cấp hành chính là thị xã đã được Nghị quyết Tỉnh ủy xác định vào năm 2020, không phải riêng gì ý định địa phương. Tuy nhiên, hiện mới chỉ dừng lại ở bước lập hồ sơ hoàn chỉnh công nhận đô thị loại 4 (hồ sơ đã trình Bộ Xây dựng). Chắc sẽ được chuẩn y đô thị loại 4 trong năm nay và theo lộ trình thì 1 năm sau có thể nâng tầm thị xã - một trong 4 đô thị động lực của Quảng Nam (cùng với Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn). |