Chủ động ứng phó mùa mưa bão năm 2019, huyện Núi Thành tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ông Bùi Văn Gát - Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Núi Thành cho biết, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện trong những năm qua được thực hiện khá tốt, hạn chế đáng kể thiệt hại do thiên tai gây ra, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề tồn tại. Trong đó, cán bộ thực hiện công tác phòng chống thiên tai làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên một phần ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả tham mưu triển khai thực hiện nhiệm vụ. Một số dự án giao thông, khu đô thị, cơ sở hạ tầng chưa quan tâm đến công trình thoát lũ, chống ngập làm gia tăng nguy cơ rủi ro của thiên tai; nhận thức về công tác phòng chống thiên tai chưa cao...
Năm 2019, dự báo từ tháng 9 - 12, khả năng các địa phương Quảng Nam chịu ảnh hưởng 1 - 2 cơn bão, ấp thấp nhiệt đới; từ tháng 10 - 12 khả năng có 5 - 7 đợt không khí lạnh ảnh hưởng; khả năng xuất hiện 2 - 3 đợt lũ, thời gian xuất hiện đỉnh lũ lớn nhất có thể trong tháng 11. Trước tình hình diễn biến của thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường, huyện Núi Thành đã sớm triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể để sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Văn Mau - Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Núi Thành cho hay, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị sớm thực hiện công tác chuẩn bị, rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để kịp thời thông tin cảnh báo sớm lũ, bão nhằm chủ động trong công tác chỉ huy, chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Huyện yêu cầu các ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị phải xem công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian từ nay cho đến cuối năm; chủ động sử dụng mọi nguồn lực hiện có cùng với sự hỗ trợ của trung ương, tỉnh, huyện tổ chức có hiệu quả các biện pháp ứng phó và khắc phục nhanh hậu quả do thiên tai gây ra.
Năm 2018, do ảnh hưởng của thiên tai, huyện Núi Thành có 1 người chết, 1 người bị thương; 753 ngôi nhà bị ngập nước, gần 163ha cây trồng, 423ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, 2.475m2 lồng bè nuôi cá bị thiệt hại, nhiều đường giao thông, kênh mương thủy lợi bị sạt lở... Tổng thiệt hại 34 tỷ đồng. Trên biển xảy ra 17 vụ tàu cá bị tai nạn làm 4 người chết, 1 người mất tích, 2 người bị thương, 7 phương tiện hỏng máy, 2 phương tiện bị chìm, 2 vụ cháy tàu cá, tổng thiệt hại hơn 20 tỷ đồng.
Về nhiệm vụ cụ thể, ông Bùi Văn Gát chia sẻ, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng chống thiên tai và các văn bản liên quan đến cán bộ, nhân dân để mọi người biết, thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Cùng với đó, từng xã, thị trấn căn cứ vào vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, đặc điểm tình hình xây dựng phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cụ thể. Đối với các vùng trũng thấp, thường xuyên bị ngập lụt như Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Anh Nam, Tam Anh Bắc, Tam Mỹ Đông, Tam Mỹ Tây, Tam Nghĩa... chủ động có phương án cụ thể di dời dân đến nơi an toàn. Đối với các địa phương vùng ven biển, ven sông có nguy cơ bị triều cường, nước biển dâng cao đột ngột, chính quyền cắt cử người tổ chức theo dõi, cảnh giác, đề phòng và có phương án di dời dân khi cần thiết. Ở các xã miền núi như Tam Sơn, Tam Trà, Tam Thạnh, rà soát nắm chắc vùng dân cư nằm ven triền sông, suối, đồi núi để chủ động phương án sơ tán tránh nguy cơ lũ quét, sạt lở đất khi mùa mưa đến.
UBND huyện chỉ đạo các địa phương tuyên truyền ngư dân, chủ tàu cá trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, cứu hỏa, chống đắm, chống thủng cho phương tiện khi tổ chức đánh bắt, sản xuất trên sông, biển theo quy định. Huyện cũng vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, chặt tỉa nhánh, cành cây lớn gần nhà; đồng thời thường xuyên theo dõi dự báo thiên tai để chủ động dự trữ các mặt hàng thiết yếu trong gia đình đủ dùng ít nhất từ 7 - 10 ngày đề phòng bão lũ gây cô lập, tắc đường... Với nhiều giải pháp tích cực, huyện Núi Thành đã sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong thời gian đến.