Hệ thống di tích, danh thắng và truyền thống văn hóa đặc sắc, đa dạng là nguồn tài nguyên quý báu của huyện Núi Thành, được khai thác phát triển du lịch tạo sinh kế ổn định cho người dân.
Đa dạng tài nguyên
Danh thắng quốc gia Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa ghi dấu những ghềnh đá đen trải dài lấp lánh. Trải qua bao trầm tích của thời gian, những ghềnh đá nơi đây trở nên kỳ lạ, quyến rũ như tác phẩm điêu khắc đá giữa biển trời.
Theo nhận định của các nhà địa chất, đá ở Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa không phải là đá núi lửa mà là đá gốc có tuổi đến 400 triệu năm. Đá ở đây được đẩy nhô lên khỏi mặt biển qua các đợt kiến tạo địa chất.
Các lớp đá này uốn nếp với nhiều hình thù nghiêng, chờm hoặc đứt đoạn, qua đó quan sát được nhiều vết lộ di sản địa chất độc đáo, tuyệt đẹp. Với hệ giá trị đặc sắc về đa dạng sinh học và địa chất, khu vực Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa được huyện Núi Thành kỳ vọng xây dựng thành công viên địa chất quốc gia trong nay mai.
Cách không xa Bàn Than là Biển Rạng (xã Tam Quang) với những bờ cát vàng óng ả ôm lấy mặt nước trong xanh. Mỗi khi nước rút lộ ra những ghềnh đá phủ đầy rêu phong. Xa xa là hòn đảo nhỏ với những khối đá hình thù độc đáo.
Biển Rạng có làng chài nhộn nhịp, nhiều chiếc thuyền cập bờ với đầy ắp cá tôm và ngư dân hiền hậu chân chất. Một sớm ở Biển Rạng với lấp lánh ánh bình minh lên sóng nước biển sẽ là trải nghiệm khó quên.
Từ Tam Quang đến quốc lộ 1 rồi rẽ lên Tam Mỹ Tây sẽ đến thác Giang Thơm. Nơi đây có vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, những con đường hiểm trở, gập ghềnh sỏi đá gây thích thú cho những ai muốn khám phá.
Thác cao 11 tầng, chảy từ đỉnh núi cao chót vót, nhìn xa như dải lụa mềm vắt ngang rừng núi. Đi dọc từ hạ nguồn lên đỉnh, thấy nhiều hố nước nhỏ được ngăn cách bởi các tảng đá lớn, nước suối trong vắt…
Phát huy giá trị
Ông Huỳnh Văn Cường - Trưởng phòng VH-TT huyện Núi Thành cho rằng, hệ thống di sản, di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước, quốc tế đến tham quan. Để tiếp tục phát huy các giá trị di tích, văn hóa, huyện Núi Thành gắn quy hoạch với phát triển du lịch, đầu tư đồng bộ hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực.
“Các giá trị văn hóa, di sản, di tích được gìn giữ, khai thác, phát huy sẽ hỗ trợ tích cực trong định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Núi Thành” - ông Cường nói.
Du lịch văn hóa là thế mạnh của huyện Núi Thành. Du khách đến Núi Thành có thể tham quan di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, hệ thống bảo tàng, công trình văn hóa, hoạt động nghệ thuật cho tới tìm hiểu, tương tác, trải nghiệm văn hóa, lễ hội, lối sống địa phương, thưởng thức ẩm thực, sản vật vùng miền.
Theo ông Nguyễn Chí Dân - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, địa phương chú trọng bảo vệ, bảo tồn, giữ gìn các hệ giá trị văn hóa, di tích, di sản, danh thắng để phát triển du lịch bền vững với chiến lược phù hợp.
Trước hết là lựa chọn sản phẩm du lịch trên cơ sở phát huy các giá trị di tích văn hóa, phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với cộng đồng. Sản phẩm du lịch tôn trọng đa dạng văn hóa, thiên nhiên, đề cao vai trò văn hóa bản địa với nâng cao nhận thức, bảo vệ, phát huy lợi ích, vai trò của cộng đồng dân cư địa phương.
“Điều quan trọng là cùng với hành động của ngành chức năng, phải tạo ra nhận thức, hành động đúng đắn từ mỗi người dân bản địa nơi khai thác di tích văn hóa - danh thắng phát triển du lịch. Cách ứng xử phù hợp với di sản, kiểm soát loại hình hoạt động để bảo vệ hệ sinh thái tại di sản là rất quan trọng” - ông Dân nói.