Khai thác hải sản sai tuyến là tồn tại lâu nay của nghề cá huyện Núi Thành nên địa phương đang áp dụng các giải pháp để kiểm soát chặt, đảm bảo quy định của Luật Thủy sản.
Vi phạm ngư trường
Theo quy định của Luật Thủy sản 2017, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải khai thác hải sản ở tuyến xa bờ, tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m phải đánh bắt ở tuyến lộng và dưới 12m thì khai thác hải sản ở tuyến ven bờ. Tuy vậy, ở huyện Núi Thành, nhiều tàu trong số 319 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lại hoạt động ở tuyến lộng, nhiều tàu trong số 414 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên lại đánh bắt hải sản ở tuyến ven bờ.
Ngư dân N.N.P. (thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, Núi Thành, chủ tàu theo nghề mành mùng có chiều dài 16m) cho biết, các loại cá cơm, cá trích, cá nục hoạt động mạnh ở tuyến lộng nên thay vì đánh bắt đúng quy định ở tuyến xa bờ, nhiều phương tiện đã vào tuyến lộng khai thác hải sản.
Ngư trường ven bờ của huyện Núi Thành rất “nóng” vì các tàu ở tuyến lộng, tuyến xa bờ ngang nhiên vào đánh bắt hải sản. Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Thanh tra & pháp chế (Chi cục Thủy sản) cho biết, khi tổ chức tuần tra ở tuyến ven bờ để xử lý các tàu giã cào hoạt động sai tuyến, đều đề nghị lực lượng biên phòng đi cùng để hỗ trợ. Khi tàu tuần tra ra hiện trường thì các tàu giã cào thường bỏ chạy và không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra của lực lượng thực thi nhiệm vụ. Tàu tuần tra có công suất nhỏ, sau nhiều năm sử dụng, xuống cấp nên thường không đuổi kịp các tàu giã cào công suất lớn của ngư dân.
“Tàu giã cào có chiều dài hơn 15m lại hoạt động ven bờ, tận diệt nguồn lợi, tàn phá đa dạng sinh học các vùng biển, nhất là khu vực Bàn Than, lại cào nát ngư lưới cụ của các nghề khai thác hải sản khác” - ông Khánh nói.
Đại úy Châu Ngọc Phương - Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng khu vực Cửa Lở (Đồn Biên phòng Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) cho biết, từ đầu năm đến nay, đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện Núi Thành, phát hiện, bắt giữ, xử phạt 10 tàu cá của ngư dân đánh bắt hải sản sai tuyến, phạt hơn 50 triệu đồng.
Tăng cường kiểm soát
Hoạt động khai thác hải sản sai tuyến của các tàu giã cào thường diễn ra vào ban đêm, việc tiếp cận, bắt giữ của ngành chức năng gặp nhiều khó khăn. Khi có sự xuất hiện của các lực lượng chức năng, các tàu giã cào sẵn sàng cắt lưới bỏ chạy, tẩu thoát.
Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, nhiều ngư dân là chủ các tàu cá có chiều dài hơn 15m đã làm đơn xin phép ngành nông nghiệp đánh bắt hải sản ở tuyến lộng. Nguyên nhân là chi phí sản xuất ở tuyến xa bờ quá lớn mà trữ lượng hải sản ngày càng khan hiếm. Đánh bắt hải sản sai tuyến tồn tại dai dẳng nhưng khó kiểm soát. Dù vậy, trong thời gian đến địa phương sẽ áp dụng nhiều biện pháp.
Trước hết là phối hợp với UBND các xã ven biển tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tuyến đánh bắt cũng như Luật Thủy sản để ngư dân chuyển biến nhận thức, đánh bắt hải sản đúng quy định, bảo vệ nguồn lợi, môi trường cũng chính là bảo vệ sinh kế bền vững cho chính họ. Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thanh tra thủy sản của tỉnh, các lực lượng biên phòng tổ chức tuần tra, kiểm soát định kỳ và đột xuất để xử lý nghiêm các hành vi đánh bắt hải sản sai tuyến, răn đe, đưa nghề cá vào nền nếp.
“Quản lý nghề cá ven bờ hiện thuộc về ngành thủy sản cấp tỉnh, cần chuyển cho địa phương để quản lý chặt hơn. Đối với các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải vận hành thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển, ngành thủy sản tỉnh cần quản lý chặt, xử lý nghiêm các hành vi đưa tàu vào sản xuất ở tuyến lộng” - ông Hiệp nói.
Ông Hồ Nguyễn Tùng - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Tiến cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 100 tàu giã cào, phần lớn hoạt động sai tuyến. Để chấn chỉnh, ông Tùng cho rằng, ngoài hoạt động tuần tra, kiểm soát của các ngành chức năng, cần tổ chức, hỗ trợ, đưa vào hoạt động quy củ các tổ cộng đồng quản lý nghề cá ven bờ nhằm tuyên truyền ngư dân khai thác hải sản đúng quy định.
“Quảng Nam cần thực hiện đề án hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân theo nghề giã cào, giúp họ lên bờ lao động, bán buôn, tham gia dịch vụ hoặc khai thác hải sản bằng các nghề thân thiện với môi trường, nguồn lợi thủy sản” - ông Tùng nói.