Núi Thành sau 10 năm có Khu Kinh tế mở Chu Lai: Những chuyển động mạnh

VĂN PHIN 19/06/2013 08:00

Những dải cát trắng hoang sơ đầy cây dại ở vùng đất Tam Hiệp nay đã mọc lên nhiều nhà máy, công trường cùng các khu đô thị sầm uất... là nét chấm phá sinh động sau 10 năm Khu Kinh tế mở (KKTM) Chu Lai khởi nghiệp trên đất Núi Thành.

  • Chuyển giao hệ thống cấp nước Khu kinh tế mở Chu Lai
  • Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản xúc tiến hợp tác tại Chu Lai
  • Bổ sung hơn 1,7 tỷ đồng cho Ban Quản lý KKTM Chu Lai
  • Rà soát, khớp nối quy hoạch Khu Kinh tế mở Chu Lai
  • Làm việc với Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải: "Tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm"
Nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn đang hoạt động hiệu quả tại KKTM Chu Lai.
Nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn đang hoạt động hiệu quả tại KKTM Chu Lai.

Ngày đầu gian khó

Xã Tam Hiệp được chọn là địa bàn trọng điểm KKTM Chu Lai. Phần lớn đất đai nơi đây là cát trắng bạc màu, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông nên đời sống rất vất vả, khó khăn, hạ tầng cơ sở hầu như chưa có gì... Tháng 7.2003, lễ công bố thành lập KKTM Chu Lai diễn ra tại xã Tam Hiệp theo Quyết định số 108/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là một sự kiện trọng đại không những đối với người dân vùng cát Tam Hiệp mà cả với những người dân Quảng Nam. Hào hứng đón nhận sự kiện này là tâm trạng chung của mọi người ngày ấy.

KKTM Chu Lai theo quy hoạch được duyệt có tổng diện tích tự nhiên 32.400ha, bao gồm 16 xã, phường, thị trấn thuộc huyện Núi Thành và TP.Tam Kỳ. Huyện Núi Thành có tới 12/17 xã, thị trấn nằm trong KKTM. Gần 10 năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các bộ, ngành của Trung ương, cán bộ và nhân dân huyện Núi Thành đã nỗ lực vượt bậc để xây dựng và phát triển KKTM đầu tiên của cả nước này. Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, để góp phần xây dựng KKTM, huyện Núi Thành đã tập trung cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Từ khi thành lập KKTM đến nay, Đảng bộ và nhân dân huyện Núi Thành tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân thực hiện chủ trương thu hồi đất, di dời giải phóng mặt bằng để xây dựng các khu công nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện và tỉnh. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, sau gần 10 năm, huyện Núi Thành đã thực hiện bồi thường, thu hồi giao cho các dự án tổng diện tích hơn 2.085ha đất với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ gần 870 tỷ đồng. Toàn huyện có 17.977 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 1.579 hộ giải tỏa nhà. Nhiều người dân, trong đó có Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương bệnh binh, gia đình có công cách mạng đã có nhiều đóng góp cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm nay lại tự giác nhường đất đai, di dời nhà cửa để xây dựng KKTM Chu Lai…

Những thành quả

Sau 10 năm triển khai xây dựng và phát triển KKTM Chu Lai trên địa bàn, huyện Núi Thành đã có những bước tiến vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế ngành của huyện năm 2003 khi chưa có KKTM là nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ, đến nay đã chuyển dịch sang cơ cấu công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ (trong đó công nghiệp chiếm 61,9%, nông nghiệp chiếm 21,4% và dịch vụ 16,7%); giá trị sản xuất công nghiệp của huyện bình quân giai đoạn 2005 - 2012 tăng 37,66%/năm. Các doanh nghiệp trong KKTM hoạt động có hiệu quả đã đưa nguồn thu ngân sách trên địa bàn huyện tăng mạnh trong những năm gần đây và Núi Thành trở thành huyện có số thu ngân sách cao nhất tỉnh. Nếu như năm 2001 thu ngân sách trên địa bàn Núi Thành chưa đến 50 tỷ đồng thì đến năm 2012 tổng thu ngân sách lên đến 1.340 tỷ đồng, tăng gấp 30 lần. Từ một huyện chưa tự cân đối được thu chi ngân sách, phải nhờ vào sự hỗ trợ của cấp trên, nay Núi Thành đã tự cân đối và đóng góp đáng kể cho tỉnh.

Các doanh nghiệp trong KKTM Chu Lai đi vào hoạt động đã góp phần quyết định việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở huyện Núi Thành. Theo thống kê đến năm 2012, số lao động của huyện làm việc trong ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm trên 40%, tỷ lệ lao động trong các ngành nông - lâm - ngư nghiệp giảm xuống dưới 60%, bình quân mỗi năm huyện giải quyết việc làm cho 5.000 lao động. Hiện tại, toàn huyện có khoảng 7.000 lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn KKTM. Kết cấu hạ tầng như điện, đường, các khu đô thị, cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng đồng bộ...

Thực tế đã chứng minh, KKTM Chu Lai qua 10 năm khởi nghiệp đã nâng bước vùng đất Núi Thành và đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành công nghiệp Quảng Nam. Thành quả đó thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về việc thành lập KKTM đầu tiên của cả nước này.

VĂN PHIN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Núi Thành sau 10 năm có Khu Kinh tế mở Chu Lai: Những chuyển động mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO